Một là: Quyền sống, quyền theo đuổi hạnh phúc
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền sống tức là quyền được tồn tại và quyền được làm người. Quyền được làm người không chỉ giới hạn bởi có cái ăn, cái mặc, đi lại, tự do mà còn hướng tới những giá trị cao hơn như: sống trong danh dự, được đối xử công bằng, có đời sống hạnh phúc. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm và áp bức, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu nỗi đau của các dân tộc bị nô dịch. Hành trình tìm đường cứu nước và chứng kiến cảnh bần cùng của người dân thuộc địa đã hun đúc mối quan tâm mãnh liệt của Người đối với quyền sống - quyền cơ bản nhất của con người. Người khẳng định: “chúng tôi phải có quyền sống và làm việc, và sau hết rằng để giành được quyền đó, chúng tôi cũng phải đấu tranh như những đàn ông và cùng với đàn ông chống lại những kẻ bóc lột chúng tôi” [1, tr. 6], là khát vọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nung nấu và đi tìm con đường thực hiện cho cả dân tộc Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tố cáo một trong những tội ác của chủ nghĩa thực dân, đó chính là đã tước đoạt quyền sống của người dân thuộc địa. Người chỉ rõ: Chính phủ thuộc địa sẵn sàng “quay lại đàn áp tàn nhẫn những người bất mãn chống lại chính sách cai trị của nó, những người đấu tranh để giành lại tự do và quyền sống”, “Chúng xử rất nhiều án tù tội hàng chục năm”[1, tr. 6].
Thấu hiểu giá trị của quyền sống, khát vọng sống của con người, đặc biệt là người dân các dân tộc thuộc địa, trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước toàn thế giới về quyền sống của con người, khẳng định đó là một quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm và là quyền mà tất cả mọi con người, mọi dân tộc đều cần phải được hưởng một cách bình đẳng. Từ thực tiễn lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra khẳng định rằng: “tất cả cả dân tộc trên toàn thế giới khi sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền được sống, quyền được hưởng tự do và quyền được hưởng sung sướng” [2, tr. 285]. Gắn cuộc đấu tranh vì quyền con người với đấu tranh giành độc lập dân tộc là một trong những đóng góp lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phong trào cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đối với dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Đây cùng là một nguyên tắc cơ bản của quyền con người, được thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Nguyên tắc này khẳng định rằng tất cả con người, bất kể nguồn gốc dân tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, thể chế chính trị, đều sinh ra có quyền bình đẳng. Trong đó, quyền được sống, quyền tự do và quyền theo đuổi hạnh phúc là những quyền cơ bản mà các bản tuyên ngôn nhân quyền quốc tế như Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc 1948 đã ghi nhận, lan tỏa và bảo vệ
Hai là: Quyền tự do, bình đẳng không phân biệt đối xử
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, tự do là quyền thiêng liêng, tự nhiên vốn có của con người. Khi đề cập đến quyền tự do Người có những lý giải như sau:
Thứ nhất, tự do là sự tự chủ, nghĩa là khả năng làm chủ chính bản thân mình, từ thân thể, cảm xúc, tư tưởng, tình cảm đến hành động. Xa hơn, tự do còn là khả năng làm chủ xã hội và làm chủ thiên nhiên. lý tưởng cao quý, nhưng luôn gắn bó chặt chẽ với độc lập dân tộc. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh quyền tự do thể hiện ở chỗ nhân dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, hạn chế những cấm đoán phi lý, được tự do hội họp, lập hội, đi lại, tổ chức, tự do tín ngưỡng tôn giáo.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đấu tranh giành độc lập dân tộc vừa đảm bảo quyền tự do tập thể, vừa là tiền đề, điều kiện cần có để đảm bảo quyền tự do cho mỗi người dân. Trong bản Tuyên ngôn độc lập, 1945 Người viết: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng quyền tự do” [6, tr.1]. Là nhà chính trị Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy mỗi liên hệ giữa quyền của mỗi người và quyền của dân tộc, Người khẳng định: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” [6, tr.1]. Qua đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ý chí của dân tộc Việt Nam quyết bảo vệ đến cùng quyền tự do, độc lập ấy: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành nước tự độ và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” [6, tr. 3]. Từ cách tiếp cận nói trên, cuộc kháng chiến chống lại thực dân ở các quốc gia thuộc địa chính là cuộc đấu tranh để giành lại quyền độc lập và tự do. Đây là một cuộc kháng chiến chính nghĩa và anh hùng của tất cả những người cùng chung số phận, nhằm đạt được một chân lý sâu sắc: “Thà chết được tự do hơn sống làm nô lệ” [4, tr. 286]. Thông qua cuộc đấu tranh này, con người đã hiểu rõ hơn về giá trị của độc lập và tự do, đồng thời khẳng định giá trị bản thân mình. Đây là sự kết hợp tất cả những quyền lợi cơ bản của mỗi người và nguyện vọng thiết tha nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Ba là: Quyền dân tộc gắn bó mật thiết với quyền con người
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng quyền độc lập và tự do của các dân tộc là những quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm, phản ánh quy luật khách quan của xã hội loài người mà mọi dân tộc đều có quyền thụ hưởng. Công cuộc đấu tranh để giành, bảo vệ và thực thi quyền độc lập, tự do của dân tộc đã được xây dựng và giữ vững bằng sự hy sinh cao cả, máu xương của các thế hệ và toàn thể dân tộc.
Tiếp thu và phát triển những tư tưởng tiến bộ của nhân loại về quyền con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng những quyền con người cơ bản: quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc. Người quan niệm quyền con người không phải do thần linh thượng đế sáng tạo ra, không phải tặng vật hay ân huệ bề trên ban phát. Bản chất tự nhiên của quyền con người đó chính là quyền được tồn tại, quyền được tự do và phát triển. Tự do của mỗi con người không thể được thiết lập nếu không có độc lập dân tộc. Để người dân được tự do, sống đời hạnh phúc cần tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc là nhiệm vụ trên hết, trước hết để đảm bảo các quyền tự nhiên cơ bản cho nhân dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người cung cấp luận cứ khoa học để Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam xây dựng đường lối, chính sách thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Từ Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo Sắc lệnh số 34-SL ban hành ngày 20/9/1945, Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 thành viên, do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm lãnh đạo. Với Hiến pháp năm 1946, quyền con người được cụ thể hóa thành quyền sống trong điều kiện độc lập và tự do; quyền cá nhân được liên kết với quyền dân tộc tự quyết, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và quyền làm chủ xã hội của nhân dân lao động. Những tiến bộ này làm cho Hiến pháp năm 1946 mang trong mình giá trị nhân văn sâu sắc, tư tưởng lập hiến phù hợp với thời đại và để lại nhiều bài học quý báu cho nền lập hiến của Việt Nam.
Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XII thông qua vào kỳ họp thứ 6 ngày 28/11/2013, đã kế thừa và phát triển toàn bộ các bản Hiến pháp trước đây. Đặc biệt, về quyền con người đã được đưa trở lại vị trí thứ hai ngay sau chương về chính thể. Sau Hiến pháp năm 1946, chương về quyền công dân dần được hạ xuống các chương sau, như trong Hiến pháp năm 1959 được đặt ở Chương III, và trong Hiến pháp năm 1980 và 1992 ở Chương V. Tuy nhiên, với Hiến pháp năm 2013, không chỉ nội dung này được khôi phục lại vị trí Chương II mà còn được đặt tên chính thức là Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Quyền sống, quyền được tôn trọng về nhân phẩm và quyền bất khả xâm phạm về thân thể là những quyền cơ bản. Trong Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992, quyền sống không được nêu rõ như một quyền riêng biệt mà chỉ được phản ánh thông qua các quyền bảo vệ thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung rõ ràng quyền sống, một quyền mà ngay từ bản Tuyên ngôn Độc lập thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ở vị trí hàng đầu trong quyền con người. Sự bổ sung này cho thấy sự định hướng rõ ràng của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người trong hiến định hiện đại.
Điều 19 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Ngoài ra, quyền sống, quyền được tôn trọng về nhân phẩm và quyền bất khả xâm phạm về thân thể còn được quy định tại Điều 20 của Hiến pháp 2013, cũng như được cụ thể hóa trong Điều 33 và Điều 34 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Chương XIV từ Điều 123 đến Điều 156, Điều 157 của các văn bản pháp luật liên quan. Những quy định này đảm bảo mọi người đều có quyền sống, tính mạng được bảo vệ bởi pháp luật, và không ai bị tước đoạt tính mạng một cách trái pháp luật. Mọi người có quyền được bảo vệ khỏi các hành vi xâm hại như tra tấn, bạo lực hoặc nhục hình, đồng thời được đảm bảo danh dự và nhân phẩm theo quy định pháp luật. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ những thông tin gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của mình, yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật hiện hành. Pháp luật Việt Nam đã tương thích với luật nhân quyền quốc tế, ví dụ như Bộ luật Hình sự 2015 đã cụ thể hóa các quy định bảo vệ quyền sống của công dân.
Quyền bình đẳng là một quyền cơ bản của con người. Đó là quyền được xác lập tư cách con người trước pháp luật; không bị pháp luật phân biệt đối xử, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau. Bình đẳng trước pháp luật được coi là một nguyên tắc Hiến định, không chỉ thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 mà còn được cụ thể hóa trong các lĩnh vực cụ thể của quan hệ pháp luật. Điều 16 Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.” Theo đó, mọi công dân, nam, nữ thuộc các dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội khác nhau trong một quốc gia đều không bị phân biệt đối xử trong việc hưởng quyền, nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Khoản 1 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”. Điểm b Khoản 1 Điều 3 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội”. Điều 2 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này”. Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: “Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân”.
Đảng Cộng sản Việt Nam xác định quyền con người là giá trị nhân văn cao quý, được hình thành qua các thử thách lịch sử và phát triển cùng tiến bộ xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam coi việc bảo đảm quyền con người vừa là mục tiêu cao cả vừa là động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp cách mạng, từ giải phóng dân tộc đến xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 1986 đến 2024, với sự khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật trong việc bảo đảm quyền con người. Những thành tựu này không chỉ khẳng định sự đúng đắn của đường lối, chính sách mà còn phản ánh sự nỗ lực bền bỉ trong việc cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và khẳng định vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế về quyền con người.
Tài liệu tham khảo