Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ công cuộc đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; đồng thời đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, thông tin xấu độc, cố tình hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ đoàn kết, gây mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, xác định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy… và của từng cán bộ, đảng viên”. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là những chiến sĩ xung phong, đi đầu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, phát huy vai trò bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Đặc biệt, đối với đảng viên là cán bộ sau khi nghỉ hưu là lực lượng tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng những công việc cụ thể đó là chấp hành tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, tham gia sinh hoạt định kỳ tại chi bộ, đóng đảng phí đầy đủ, chấp hành nghiêm chỉnh sự phân công của chi ủy chi bộ. Trong sinh hoạt đảng, các đồng chí có tinh thần phê bình và tự phê bình thẳng thắn, có nhiều đóng góp xây dựng nghị quyết chi bộ, giữ gìn tư cách đảng viên.
Các đồng chí đảng viên là cán bộ hưu trí là những người có ý thức trách nhiệm cao, gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành và vận động gia đình, nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các quy ước, hương ước của tổ dân phố, thôn, xóm. Nhiều đồng chí trước khi nghỉ chế độ là lãnh đạo, quản lý, có kinh nghiệm tuyên truyền, vận động quần chúng, đã tích cực tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương; tích cực tham gia góp ý xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, trước thực trạng khó khăn trong công tác phát triển đảng viên ở cơ sở, thì đội ngũ đảng viên hưu trí vẫn là những người gánh vác trách nhiệm chính các công việc ở cơ sở.
Qua kết quả xếp loại, đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm, hầu hết đảng viên hưu trí được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, nhiều đồng chí được xếp loại đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được cấp ủy cấp trên khen thưởng...
Trong khi nhiều đảng viên hưu trí thể hiện rõ trách nhiệm trước Đảng, trước dân, nghỉ hưu không nghỉ việc thì vẫn còn một số đảng viên sau khi nghỉ chế độ không chuyển sinh hoạt đảng; không nộp giấy giới thiệu để chuyển Đảng về chi bộ dân cư là do sợ bị giao phụ trách các công tác như bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố hay chi hội trưởng các đoàn thể... sẽ mất nhiểu thời gian hoặc “ngại” sinh hoạt Đảng, viện đủ mọi lý do để miễn, giảm, nghỉ sinh hoạt đảng, thoái thác trách nhiệm tại khu dân cư; có đảng viên cư trú tại khu dân cư nhưng chuyển sinh hoạt Đảng về quê khiến cho chi bộ gặp khó khăn bởi đảng viên không ở nơi cư trú thì không thể phân công nhiệm vụ cụ thể, việc đánh giá, xếp loại đảng viên cũng thiếu chính xác... Những vấn đề này cho thấy biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng. Tình trạng này ít nhiều đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng ở khu dân cư, gây tác động xấu đến mục tiêu, lý tưởng phấn đấu trở thành đảng viên của các quần chúng ưu tú, nhất là thế hệ trẻ.
Ngoài ra, còn tình trạng cán bộ, đảng viên hưu trí chưa giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn: có những cán bộ, đảng viên nghỉ hưu do bức xúc cá nhân, nói, viết trái đường lối, quan điểm của Đảng, phát ngôn tùy tiện, không mang tính xây dựng, thậm chí sử dụng những thông tin không chính thống để “đưa chuyện”… Một số đảng viên, cán bộ nghỉ hưu khi tham gia mạng xã hội thiếu tính cảnh giác, chưa xác nhận thông tin, dễ bị lôi kéo, kích động trước các thông tin trái chiều, không chính thống dẫn đến bình luận chủ quan, hoặc chia sẻ thông tin sai lệch, phiến diện, thiếu tin cậy và không được kiểm chứng.
Thời gian tới, để phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên hưu trí trong việc giữ gìn và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên hưu trí; định kỳ và thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại, cung cấp thông tin chính thống cho các cán bộ hưu trí đang sinh sống tại địa bàn. Thông qua các kênh khác nhau, việc lấy ý kiến cán bộ, công chức đã nghỉ hưu được Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc… thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, cầu thị, trân trọng những đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm, trên tinh thần xây dựng của các đồng chí. Trong đó, việc cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính thống cho cán bộ, đảng viên hưu trí là hết sức cần thiết. Bởi thực tế, một số cán bộ nghỉ hưu phát ngôn chưa đúng là do thiếu thông tin, hoặc chưa tỉnh táo lựa chọn thông tin; bị lợi dụng…
Thứ hai, cấp ủy, chính quyền địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên, thực hiện quy định về giữ mối liên hệ với đảng viên nơi cư trú; luôn quan tâm, nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của đảng viên hưu trí. Giữa đảng bộ các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị trong quá trình chuyển giới thiệu sinh hoạt Đảng cho các đồng chí cán bộ, đảng viên nghỉ chế độ cần có sự trao đổi thông tin kịp thời với đảng ủy các cơ sở để nắm được số đảng viên chuyển đi và đến.
Thứ ba, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên hưu trí cần gương mẫu, không ngừng học hỏi, tự trau dồi, cập nhật các thông tin từ nguồn tin chính thống để trước những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, với nền tảng lý luận và thực tiễn của mình, được tích lũy trong nhiều năm công tác, bằng phương thức trực tiếp (gặp mặt, đối thoại...) hoặc gián tiếp (qua các diễn đàn, mạng xã hội...) những cán bộ đó phải có lập luận sắc bén, phản biện quyết liệt với những thông tin xuyên tạc, sai lệch, kiểu nhằm kích động, chống phá Đảng, Nhà nước.
Thứ tư, cán bộ, đảng viên dù đang đương chức hay đã nghỉ hưu đều phải nói và làm theo đúng nghị quyết của Đảng; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện kỷ luật phát ngôn. Mỗi cán bộ, đảng viên hưu trí cần thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong đóng góp, hiến kế tham gia xây dựng phát triển địa phương, đất nước. Cần nắm chắc và thực hiện đúng các quy trình, thủ tục, cách thức tham gia đóng góp ý kiến, phát biểu trước diễn đàn; trong mọi tình huống phải phát biểu chính danh, đúng cách, nhìn nhận sự việc khách quan, đa chiều, tôn trọng sự thật; luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Mỗi ý kiến phát biểu, phát ngôn cần được cân nhắc thận trọng, thấy rõ cả tác động tích cực và tiêu cực; tác dụng và tác hại; khi phân tích, xem xét phải được đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể...
Thu Hường
Phòng QLĐT&NCKH