Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4,0 đã mở ra nhiều tiện ích mới cho cuộc sống con người. Trong đó không gian mạng được hình thành trên nền tảng công nghệ số và Internet là một khái niệm đang được quan tâm nhiều trong thời gian gần đây. Luật An ninh mạng Việt Nam năm 2018 định nghĩa: “Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”. Theo thống kê, tính đến đầu năm 2024, Việt Nam có 77 triệu người sử dụng intenet (chiếm 79, 1% dân số); hơn 70 triệu người tham gia mạng xã hội (chiếm 71% dân số); 161,6 triệu người kết nối di động , Việt Nam cũng là quốc gia có lượng người dùng Facebook, Tiktok và Youtobe nhiều nhất thế giới.
Không gian mạng đã mở ra nhiều cơ hội tiếp cận mới cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Môi trường văn hóa trên internet được con người truyền tải, thể hiện, tương tác dưới dạng số hóa nên một số yếu tố không thể hiện trực quan, như yếu tố văn hóa vật chất; cảnh quan tự nhiên; giao tiếp ngôn ngữ, giọng điệu, lời nói. Thông qua việc sử dụng internet, với tính chất đa phương tiện và trực tuyến, không gian mạng tạo ra sự liên kết giữa hàng trăm triệu người dùng tại nhiều nơi trên thế giới một cách nhanh chóng, người sử dụng có thể đối thoại và thảo luận dễ dàng thông qua các phương tiện phổ biến, như mạng xã hội, trang chia sẻ tin tức, video, blog, diễn đàn, dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền internet, tham gia nhiều diễn đàn…Không gian mạng còn góp phần thúc đẩy sự quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hoạt động văn hóa, tạo ra sự tương tác, lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi trong xã hội. Gần đây trong MV mang tên “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Mizy đã gây “sốt” cộng đồng mạng, tạo hiệu ứng lan tỏa đặc sắc về văn hóa trên nhiều phương diện, đưa hình ảnh của Việt Nam mở rộng với bạn bè thế giới.
Bên cạnh mặt tích cực, môi trường mạng của có những hạn chế nhất định, bởi đây là môi trường ảo, thường rất khó xác định người chịu trách nhiệm, người viết cũng như người tham gia bình luận hay sử dụng biệt danh, thông tin thường mang tính cá nhân, chủ quan nên rất dễ sai lệch với bản chất sự việc; tính xác thực của các thông tin khó được kiểm chứng; việc truyền tải, tiếp nhận và xử lý thông tin ngày càng khó kiểm soát hơn, chính vì vậy không gian mạng cũng trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho các thế lực thù địch thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, tung lên nhiều thông tin phản động, xấu độc gây hoang mang trong cộng đồng, tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam. Với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông chúng sử dụng cách thức hoạt động vô cùng tinh vi, duy trì hệ thống truyền thông định hướng dẫn dắt vấn đề và sử dụng các trang mạng xã hội để tiến hành các chiến dịch truyền thông. Nhiều website xấu được sản xuất trên các máy chủ đặt ở nước ngoài, xuất hiện đều đặn, có “diện mạo” dễ gây nhầm lẫn với trang mạng được cấp phép. Trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng để cắt ghép, xuyên tạc hình ảnh, ý kiến của lãnh đạo, các nhân vật nổi tiếng (KOL). Đây là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực chống phá, chúng tích cực khai thác để cài cắm, lan truyền rộng rãi, nhanh chóng các thông tin độc hại, quan điểm sai trái. Chúng cắt ghép, xuyên tạc, định hướng dư luận theo hướng tiêu cực, nhằm gây sự kích động, mâu thuẫn nội bộ. Đồng thời, chúng sử dụng nhiều nội dung và chiến thuật khác nhau để chống phá Đảng và nhà nước Việt Nam trên không gian mạng như: phủ nhận giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác- Lênin, xuyên tạc về tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa ra các luận điểm phản bác về tính khả thi của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, xuyên tạc về lịch sử và thành tựu của Đảng Cộng sản Việt Nam, kích động các vấn đề dân tộc, tôn giáo và phân biệt vùng miền giữa cộng đồng dân cư, xuyên tạc về tình hình kinh tế, xã hội và những thành tựu của Việt Nam...Những nội dung này thường được các thế lực thù địch phát tán trên các nền tảng mạng xã hội, blog và các trang web nước ngoài có tư tưởng chống phá, nhằm mục đích gây nhiễu loạn thông tin, làm suy yếu niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước.
Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới khẳng định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân…” – trong đó có vai trò quan trọng của mỗi đảng viên, giảng viên trường Chính trị. Để phát huy vai trò của mỗi giảng viên trường Chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, thiết nghĩ cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, mỗi giảng viên cần không ngừng nâng cao trình độ nhận thức và củng cố niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Giảng viên trường Chính trị là những cán bộ ưu tú, gương mẫu và có nền tảng kiến thức lý luận vững chắc cùng thực tiễn kinh nghiệm công tác phong phú. Giảng viên trường Chính trị không chỉ tiếp thu tri thức và nâng cao nhận thức về chính trị mà còn là lực lượng tiên phong trong việc bảo vệ nền tảng của Đảng trên không gian mạng. Trước hết, mỗi người cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ để nắm vững kiến thức và nhận thức sâu rộng các vấn đề phát sinh. Kiên định vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ đó thông qua mỗi bài giảng của mình trong chương trình trung cấp lý luận chính trị, giảng viên sẽ truyền bá, bảo vệ những giá trị cốt lõi trong nền tảng tư tưởng của Đảng tới người học.
Việc trau dồi chuyên môn, nâng cao trình độ còn là nền móng vững chắc để mỗi giảng viên có những lập luận sắc bén về lý luận để trực tiếp đấu tranh lại với những luận điệu xuyên tạc, những quan điểm sai trái thù địch phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trên các diễn đàn công khai, mạng xã hội, hoặc trong cộng đồng. Thông qua các bài viết, bình luận, phát biểu hoặc tham gia vào các hoạt động tranh luận, giảng viên sẽ phản bác các luận điệu sai trái, cung cấp thông tin chính xác và lý luận khoa học để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, nhờ có kiến thức lý luận chính trị sâu rộng, giảng viên sẽ tham gia vào việc định hướng dư luận trên không gian mạng, giúp Nhân dân hiểu rõ hơn về các chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước. Khi xuất hiện những vấn đề xã hội gây tranh cãi, giảng viên cần là người giữ vai trò là người giải thích, phân tích một cách khoa học và thuyết phục, từ đó làm giảm tác động tiêu cực từ các thông tin sai lệch.
Hai là, mỗi giảng viên cần nắm chắc thông tin, chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin theo quy định của Hiến pháp
Để đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, xuyên tạc trên mạng xã hội, mỗi giảng viên cần phải nâng cao ý thức tự giác, kỷ luật khi tiếp xúc thông tin; nắm vững và chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin theo quy định của Hiến pháp, Luật Tiếp cận thông tin và Luật An ninh mạng. Bên cạnh đó, khi tham gia mạng xã hội cần nghiêm túc thực hiện điều lệ và quy định kỷ luật của Ðảng, của cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên. Mỗi giảng viên cần phải tích cực tham gia vào mạng lưới tuyên truyền viên trên không gian mạng, mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; tỉnh táo, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn, chia sẻ nhận định, đánh giá về vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó trước khi lan truyền thông tin đó trên các phương tiện cá nhân.
Ba là, mỗi giảng viên cần sáng suốt, nhạy bén, kịp thời phát hiện, nhận diện những thông tin xấu độc trên không gian mạng
Mỗi giảng viên cần có lập trường, tư tưởng vững vàng, nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội. Trước hết phải sáng suốt chọn lọc thông tin đảm bảo chính xác, đúng sự thật, tránh chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp những thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng gây tổn hại đến cá nhân, tổ chức; có trách nhiệm tuyên truyền những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Bên cạnh đó, phải có trách nhiệm lập luận làm rõ sự sai trái những luận điệu xuyên tạc của những đối tượng phản động lợi dụng tự do ngôn luận để xuyên tạc và nói xấu chế độ, nói xấu Đảng làm cho người dân hiểu không đúng về bản chất của chế độ ta.
Đặc biệt, mỗi cán bộ, giảng viên trường Đảng là những người được trang bị kỹ năng nghiên cứu và tư duy phản biện, do đó, mỗi người đều có khả năng đóng góp vào việc nghiên cứu, phản biện những quan điểm sai trái, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Do vậy, mỗi giảng viên cần phải nghiêm túc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới phù hợp với bối cảnh hiện tại, những vấn đề mới thực tiễn đang đặt ra. Nâng cao chất lượng khoa học và tính chiến đấu, tính hiệu quả, tính thuyết phục của các bài viết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Qua mỗi bài viết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch sẽ không chỉ giúp cho việc làm giàu thêm kho tàng lý luận của Đảng mà còn giúp mỗi giảng viên tăng cường khả năng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận, có sự phản biện, nhận diện và đấu tranh với những quan điểm không đúng đắn.
Bốn là, mỗi giảng viên cần thực hiện việc đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, các luồng thông tin xấu độc ngay từ những biểu hiện nhỏ nhất, trong mọi mặt của đời sống xã hội, với những phương thức linh hoạt, phù hợp từng đối tượng, nhất là trên không gian mạng.
Đồng thời, trong quá trình tham gia mạng xã hội, giảng viên cần đa dạng hóa các hình thức bảo vệ và đấu tranh tư tưởng của Đảng trên hệ thống thông tin đại chúng, trên mạng internet, các blog và gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, trực diện....Bên cạnh việc đấu tranh một cách bị động với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động là tuyên truyền viên tích cực, xây dựng mạng lưới đấu tranh rộng khắp trong gia đình, trong khu dân cư, để tạo thành thế trận vững chắc trong công cuộc chiến đấu với thông tin tiêu cực và lan tỏa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Như vậy, phát huy vai trò tích cực của mỗi giảng viên trường Chính trị trong việc thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trong tình hình hiện nay không chỉ là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, vững tin dưới cờ Đảng tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.