Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, quyền con người gắn với quốc gia độc lập, nền chính trị dân chủ, pháp luật văn minh, trên nền tảng của sự phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó, cái gốc chính là sự phát triển con người một cách toàn diện. Do vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, có 6 yếu tố ảnh hưởng đến đảm bảo quyền con người ở Việt Nam gồm:
Thứ nhất: Độc lập dân tộc.
Trong tác phẩm “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1945, Người đã nhấn mạnh: quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người chỉ có thể thực hiện khi dân tộc được giải phóng khỏi ách thống trị của ngoại bang. Trong Bản Yêu sách của Nhân dân An Nam, Người đã đòi các quyền tự do, bình đẳng, quyền tự quyết cho Nhân dân An Nam như nhân dân các dân tộc khác. Khi Bản Yêu sách của Nhân dân An Nam không được chấp nhận, Người nhận ra rằng, “chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc” [1, tr. 441]. Trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định: “(ii) Về phương diện xã hội thì: a) Dân chúng được tự do tổ chức, b) Nam nữ bình quyền. (ii) Về phương diện chính trị: Làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập” [1, tr. 2]. Nước nhà giành được độc lập, Người công bố: “Ngày nay, tất cả đồng bào Việt Nam, không phân biệt gái trai, già trẻ, giàu nghèo, tôn giáo, chủng tộc, cùng nhau đoàn kết để giữ vững nền độc lập và mưu cầu hạnh phúc tự do”.
Thứ hai: Xây dựng chủ nghĩa xã hội với quyền con người
Đây là nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Theo Người chế độ thực dân phong kiến đã tước đoạt những quyền con người cơ bản của nhân dân An Nam: “dưới chế độ thuộc địa, chúng tôi không có quyền tự do báo chí, không có quyền tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp, lập hội cũng không có. Chúng tôi không có quyền cư trú, không có quyền được đi du lịch ra nước ngoài; chúng tôi phải sống cảnh ngu dốt tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập” [1, tr. 35]. Do đó, cần thức tỉnh nhân dân thuộc địa, nhân dân An Nam để họ đứng lên đấu tranh gạt bỏ sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, Người nhận thấy rằng: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến” [1, tr.40]. Đấu tranh trước hết để giành quyền độc lập cho dân tộc, giành lấy những quyền cơ bản: “Tự do báo chí, tự do du lịch, tự do dạy và học, tự do hội họp” [1, tr. 48]. Để có cơ sở cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, Người nhận thấy sự cần thiết phải thành lập chính đảng cách mạng: “Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta” [3, tr. 22]. Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là vạch ra đường lối đúng đắn, Đảng còn là nhân tố lãnh đạo quyết định sự thành công của các cuộc đấu tranh và là hạt nhân tạo nên sức mạnh đoàn kết của toàn dân.
Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh vận động, kêu gọi quần chúng nhân dân ủng hộ, gia nhập tổ chức Đảng để: Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng; Làm cho nước An Nam được độc lập; Thành lập Chính phủ công nông binh; Quốc hữu hóa toàn bộ đồn điền và đất đai của bọn đế quốc và địa chủ phản cách mạng An Nam chia cho dân cày nghèo; Đem lại quyền tự do cho Nhân dân; Thực hành giáo dục toàn dân; Thực hiện nam nữ bình quyền [3, tr. 22]. Sau khi nước nhà giành được độc lập, mọi chính sách của Đảng và Chính phủ đều hướng tới: “cải thiện dần đời sống của Nhân dân, nhất là Nhân dân lao động” [10, tr. 365], xóa bỏ tình trạng người bóc lột người, quan tâm đảm bảo lợi ích cho mỗi con người và xây dựng nền kinh tế phát triển cao dựa trên nền tảng khoa học công nghệ.
Thứ ba: Vấn đề đảm bảo quyền lực chính trị với quyền con người.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước là chủ thể trong thực hiện, bảo đảm quyền con người, từ đó Người xác định cách thức tổ chức quyền lực nhà nước và chế độ kinh tế của nhà nước Việt Nam sau khi cách mạng toàn thắng: “Của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” [6, tr. 147]. Hồ Chí Minh cho rằng: “chính quyền trung ương đến địa phương đều do Nhân dân bầu ra. Các đoàn thể từ xã đến Trung ương do dân tổ chức ra. Vì vậy, mọi quyền hành và lực lượng đều ở Nhân dân” [6, tr. 232], mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước phải vì lợi ích của Nhân dân để thực hiện.
Sau khi nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, Người yêu cầu toàn thể cán bộ, quân đội nhân dân: “Chính quyền và quân đội nhân dân có nhiệm vụ đoàn kết chặt chẽ với nhân dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; Chính quyền và quân đội nhân dân phải bảo vệ cho nhân dân làm ăn yên ổn; Chính quyền, quân đội và đoàn thể phải tôn trong tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng bào” [14, tr. 487]. Dựa vào sự ủng hộ của nhân dân, vượt qua nhiều khó khăn, Đảng và Chính phủ lãnh đạo đưa dân tộc Việt Nam vượt qua những giai đoạn khó khăn, bước đầu hoàn thành nhiều nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc: “Tổ chức Tổng tuyển cử, bầu ra Quốc hội và lập Hiến pháp; Xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; Xây dựng và củng cố quân đội nhân dân, vũ trang nhân dân; Đặt luật lao động; Giảm tô, giảm tức; Xây dựng văn hóa nhân dân” [6, tr. 232]. Với cương vị là người đứng đầu Hồ Chí Minh, cùng với các thành viên Chính phủ thi hành nhiều chính sách nhằm mục đích: “Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” [16, tr. 382], qua đó bước đầu đảm bảo quyền con người phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh đất nước Việt Nam.
Thứ tư: Đại đoàn kết dân tộc, quốc tế trong đấu tranh về quyền con người
Trong hành trình tìm đường cứu nước Hồ Chí Minh không dừng lại ở việc tố cáo tội ác của chế độ thực dân đối với nhân dân thuộc địa, mà còn có những đóng góp trong việc thiết lập tình đoàn kết giữa nhân dân các dân tộc thuộc địa với nhân dân lao động ở các nước chính quốc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản là kẻ thù chung của họ. Hồ Chí Minh ví bản chất của chủ nghĩa đế quốc giống như con đỉa, con đỉa có hai cái vòi đại diện cho hai nguồn sống của chủ nghĩa đế quốc, một là bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc, hai là bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Do đó, muốn giết được con đỉa ấy, người ta phải cắt bỏ đồng thời cả hai vòi đó [2, tr. 130]. Do đó, Người đưa chủ trương hợp tác với các quốc gia, dân tộc đồng tình với ta để cùng đấu tranh cho hòa bình và chính nghĩa. Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, việc đấu tranh vì quyền con người không chỉ là một nhiệm vụ của riêng từng dân tộc mà còn liên quan đến sự đấu tranh chống lại các lực lượng phản cách mạng gieo rắc bất công và áp bức trên phạm vi toàn thế giới. Người kêu gọi các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại để đấu tranh chống kẻ thù chung, bảo vệ quyền lợi của các dân tộc và giai cấp bị áp bức.
Thứ năm: Trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước
Trong quá trình lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành hai cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa chống đế quốc, thực dân, phong kiến, Hồ Chí Minh đã kết hợp nhuần nhuyễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người ở Việt Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng, hòa bình và tiến bộ của các dân tộc trên thế giới. Theo Người, đối với Đảng, ngoài lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, của Nhân dân ra thì Đảng không có bất kỳ lợi ích nào khác. Do đó, Đảng Cộng sản Việt Nam phải ra sức lãnh đạo, chỉ đạo Nhân dân, tổ chức Nhân dân đứng lên tự giải phóng mình và tiến lên xây dựng chế độ mới tốt đẹp hơn [7, tr. 290]. Do đó, mỗi đảng viên cần nhận thức được trách nhiệm của mình trong quá trình phục vụ quyền lợi của nhân dân: “Muốn như thế phải gần quần chúng, học quần chúng, lãnh đạo quần chúng, cái gì lợi cho quần chúng thì làm, hại cho quần chúng thì tránh. Xa quần chúng là hỏng, cần phải nhớ nhiệm vụ của Đảng là làm đầy tớ cho quần chúng” [6, tr. 367]. Người cũng quan niệm rằng, Đảng phải là người lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, trung thành với giai cấp công nhân và Nhân dân lao động Việt Nam. Đảng phải thật sự kiên quyết trong đấu tranh cách mạng, trong đoàn kết và lãnh đạo dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng, để xây dựng và thực hành nền dân chủ mới [7, tr. 41].
Để làm tròn trách nhiệm với dân tộc, với nhân dân như đã đề cập nói trên Người yêu cầu Đảng và Chính phủ cần phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, khi nước nhà đã giành được độc lập: “Nếu để dân đói, lỗi là ở Đảng và Chính phủ; nếu để dân rét, lỗi là ở Đảng và Chính phủ; nếu để dân dốt, lỗi là ở Đảng và Chính phủ; nếu để dân ốm, lỗi là ở Đảng và Chính phủ” [16, tr. 518]. Việc quan tâm chăm sóc đời sống của người dân không chỉ là nhiệm vụ mà còn là nghĩa vụ của các cán bộ, thể hiện sự phục vụ và tận tâm của họ đối với cộng đồng, còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước về việc cải thiện đời sống của người dân, qua đó xây dựng một xã hội mới công bằng và phát triển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra các quan điểm về vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong thực hiện quyền con người, Người yêu cầu các cơ quan Nhà nước cần lưu ý: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta [4, tr. 64]. Bởi vì, “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” [4, tr. 175]. Với cương vị là Người đứng đầu Chính phủ Người ưu tiên thực hiện nhất quán các chính sách cơ bản: Dân sinh, Dân quyền, Dân tộc.
Thứ sáu:Vai trò của cán bộ đảng viên, tổ chức Đoàn thể
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, đảng viên phải biết hy sinh lợi ích cá nhân, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết, đức tính người cán bộ phải có bao gồm: “Trung thành với mục đích cách mạng: Giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do [4, tr. 38]. Với đức tính nói trên người cán bộ, đảng viên mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng mà nhân dân giao phó, hết lòng hết sức vì nước, vì dân. Do vậy, đối với người cán bộ, đảng viên: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh [4, tr. 51]. Để làm gương cho cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động cách mạng luôn đề cao tinh thần: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui [4, tr. 178]. Luận điểm nói trên minh chứng cho đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người không tìm kiếm sự vinh quang cá nhân mà chỉ quan tâm đến việc thực hiện nhiệm vụ của mình vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì lợi ích của nhân dân.
Đối với các tổ chức Đoàn thể, để phục vụ nhân dân, vì quyền lợi của nhân dân Người căn dặn: “Phải nhớ Đoàn thể làm việc cho dân, Đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh [7, tr. 69]. Để làm được điều trên cán bộ đoàn thể phải làm việc sao cho nhân dân phục, nhân dân tin, phải thực sự trong sạch. Ngoài ra, khi tham gia đoàn thể mỗi người cần hiểu rằng: “Trước lúc mình vào đoàn thể nào phải hiểu rõ đoàn thể ấy là gì? Vào làm gì? Mỗi đoàn thể phải vì dân vì nước. Khi vào Đoàn thể, tự do cá nhân phải bỏ. Phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của Đoàn thể” [7, tr. 69], làm được như vậy đoàn thể ngày càng mạnh, việc tốt, có lợi cho dân ngày càng xuất hiện nhiều trong xã hội. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, người đảng viên dù công tác ở cương vị nào cũng phải làm gương cho quần chúng, thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giảng giải chính sách của Đảng và Chính phủ cho quần chúng hiểu và thực hiện, phải làm sao để dân tin, dân phục, dân yêu.
Thứ bảy: Vai trò của Nhân dân trong đảm bảo quyền con người
Trong sự nghiệp cách mạng, làm việc gì cũng cần phải có quần chúng nhân dân. Không có quần chúng thì không thể hoàn thành nhiệm vụ cách mạng đề ra. Phải dựa vào quần chúng mà phát động mọi phong trào sản xuất, chiến đấu, theo tinh thần “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong” [3, tr. 246]. Luận điểm trên đề cập đến vai trò đoàn kết và hợp tác giữa các cá nhân và cộng đồng, là nền tảng vượt qua mọi khó khăn, sự tham gia tích cực từ cộng đồng là yếu tố quyết định thành công của đấu tranh cách mạng.
Với tinh thần không có gì quý hơn độc lập, tự do, khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ hai, thay mặt Chính phủ Người kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, trong đó nhấn mạnh: “Toàn dân kháng chiến nghĩa là toàn cả dân, ai cũng đánh giặc. Bất kỳ đàn ông đàn bà, người già con trẻ, ai cũng tham gia kháng chiến. Tổ quốc là Tổ quốc chung. Tổ quốc độc lập, thì ai cũng được tự do [4, tr. 539]. Mặt khác, trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc Người cũng căn dặn: “Mỗi người công dân phải hiểu rằng mình là người chủ của nước nhà, phải làm tròn nhiệm vụ của người chủ” [11, tr. 486]. Giải pháp để nhân dân thể hiện trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng chính là tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, góp phần nâng cao dần đời sống vật chất và văn hóa, để cho con cháu được ấm no, sung sướng, làm nền tảng vững mạnh cho công cuộc thống nhất nước nhà.
Trong bối cảnh hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh, với bản chất cách mạng và nhân văn sâu sắc, luôn coi quyền con người là một trong những vấn đề trọng yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định quyền con người trong lý luận, mà còn thể hiện qua những hành động cụ thể trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước. Hiện nay, tại Việt Nam khi vấn đề quyền con người vẫn là chủ đề tranh cãi và bị xuyên tạc, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Những luận cứ khoa học mà Người đưa ra không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người mà còn là cơ sở vững chắc để phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập: Tập 1, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập: Tập 2, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập: Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập: Tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập: Tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập: Tập 6, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập: Tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập: Tập 8, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập: Tập 9, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập: Tập 10, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập: Tập 11, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập: Tập 12, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập: Tập 13, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập: Tập 14, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập: Tập 15, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Trần Thị Thanh Huyền
Phòng QLĐT&NCKH