Kết quả triển khai AI của các nước đã làm cho thế giới thay đổi theo hướng minh bạch hơn, kết nối hơn thông qua các mối liên kết giữa chính phủ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân và đặc biệt là việc kết nối giữa con người với máy móc, thiết bị. Nguồn lực dữ liệu là yếu tố quan trọng thúc đẩy AI phát triển. Các phần mềm dán nhãn dữ liệu cài đặt thuận lợi trên điện thoại di động giúp cho mỗi cá nhân đều dễ dàng tham gia đóng góp công sức phát triển AI ứng dụng dưới dạng trả lời các câu hỏi về dữ liệu.
Tại Việt Nam, ngày 26/01/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 với mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 03 quyết định quan trọng liên quan đến chuyển đổi số quốc gia bao gồm: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các quyết định này đều nhấn mạnh đến ứng dụng AI trong các lĩnh vực Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Thực thi những định hướng nêu trên, việc phát triển AI ứng dụng là giải pháp hữu hiệu để AI đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao hiệu quả làm việc cũng như chất lượng cuộc sống cho mỗi người dân.
Thực hiện Quyết định số 2259/QĐ-BTTTT ngày 07/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Chiến lược phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 10/12/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 233/KH-UBND để triển khai Chương trình “Bình dân học AI” giai đoạn 2024 - 2025 tại tỉnh Thái Nguyên.
Chương trình “Bình dân học AI” giai đoạn 2024 - 2025 tại tỉnh Thái Nguyên kế thừa tinh thần của phong trào “Bình dân học vụ” năm 1945 với mục đích giúp mọi người dân tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là người dân trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi đến 60 tuổi) làm chủ và sử dụng được AI trong cuộc sống. Chương trình “Bình dân học AI” giúp người lao động kết nối với kho tri thức nhân loại thông qua AI; hình thành tư duy “AI First” (ưu tiên AI) và văn hóa ứng dụng “AI xứ Trà” trong giải quyết vấn đề, giúp cộng hưởng trí tuệ cá nhân của mỗi người với trí tuệ nhân tạo. Qua đó, cải thiện năng suất, chất lượng công việc bằng AI, mở ra các cơ hội làm việc mới, tăng khả năng tiếp cận tri thức, nâng cao chỉ số hài lòng, chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh.
Với các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, chương trình đạt được kết quả: 100% các huyện, thành phố ban hành kế hoạch, tổ chức phát động tham gia chương trình “Bình dân học AI”; hình thành mạng lưới triển khai chương trình từ tỉnh đến cơ sở; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thành lập nhóm cán bộ/công chức/viên chức nòng cốt lan tỏa chương trình trong cơ quan, đơn vị mình; 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được học và ứng dụng nền tảng AI hỗ trợ công việc của bản thân, trong đó 50% cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện hiệu quả, năng suất, chất lượng thực hiện nhiệm vụ; Phấn đấu 80% chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể được học và ứng dụng nền tảng AI hỗ trợ công tác quản trị, tổ chức sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm, trong đó 50% chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được cải thiện công tác quản trị, tổ chức sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm; Phấn đấu 80% người trong độ tuổi lao động được tham gia các lớp đào tạo kỹ năng AI cơ bản online, trong đó có ít nhất 50% người lao động có khả năng sử dụng các kỹ năng AI cơ bản; Xây dựng mạng lưới giảng viên cộng đồng đến từng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, kết nối với mạng lưới giảng viên/huấn luyện viên AI toàn quốc; hình thành văn hóa ứng dụng "AI xứ Trà" trong toàn tỉnh.
Để thực hiện các mục tiêu đó, Chương trình “Bình dân học AI” đã đưa ra 05 bậc trình độ từ cơ bản đến nâng cao theo mô hình "Bình dân học AI" đảm bảo 3 nội dung cụ thể: Học liệu chuẩn hóa từ LuyenAI.vn (nền tảng học tập, học liệu của Công ty Cổ phần chọn lọc thông tin - InfoRe); tập trung vào thực hành và ứng dụng. Đưa ra 05 bậc trình độ: Xử lý văn bản cơ bản, đa phương tiện và truyền thông, mô hình tư duy chuyên nghiệp, quản trị dữ liệu và tri thức, sáng tạo và đổi mới. Đồng thời đưa ra 4 phương pháp đào tạo (tư duy “AI First” (Ưu tiên AI), micro-learning và thực hành, kỹ thuật Feynman, gamification trong học tập); 3 hệ thống hỗ trợ (nền tảng công nghệ, cộng đồng học tập, đánh giá và công nhận) để thực hiện hoàn thành trong giai đoạn 2024 - 2025.
Chương trình "Bình dân học AI" mang trong mình sứ mệnh cao cả, song hành cùng những lợi ích to lớn mà nó hứa hẹn, không thể phủ nhận những thách thức không nhỏ trên con đường hiện thực hóa mục tiêu. Một trong những trở ngại đáng kể nhất chính là tâm lý e ngại của một bộ phận người dân trước những công nghệ mới. Sự thiếu hiểu biết, những định kiến mơ hồ về AI có thể tạo ra rào cản tâm lý, khiến họ dè dặt, thậm chí từ chối tiếp cận với những tri thức và công cụ mới mẻ này.
Bên cạnh đó, trình độ công nghệ còn hạn chế ở một bộ phận không nhỏ người lao động cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Khoảng cách về trình độ, kỹ năng có thể khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp thu, ứng dụng hiệu quả những kiến thức về AI. Điều này đòi hỏi những phương pháp đào tạo không chỉ bài bản về lý thuyết mà còn phải phù hợp, sát với thực tế từng địa phương, từng nhóm đối tượng.
Tuy nhiên, thách thức càng lớn, quyết tâm càng cao. Thái Nguyên đã và đang triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để từng bước vượt qua những chướng ngại, kiến tạo một tương lai tươi sáng cho chương trình "Bình dân học AI".
Thứ nhất, xây dựng đội ngũ giảng viên cộng đồng tâm huyết, năng động. Việc tuyển chọn, đào tạo đội ngũ giảng viên AI ngay tại địa phương mang lại nhiều lợi thế. Họ là những người am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, gần gũi với người dân, từ đó có thể truyền đạt kiến thức một cách dễ hiểu, gần gũi và hiệu quả hơn.
Thứ hai, tăng cường truyền thông, lan tỏa tri thức. Chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, đa dạng trên các kênh truyền hình, mạng xã hội, báo chí, đặc biệt là các hội thảo cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, lợi ích của AI. Thông tin được truyền tải một cách sinh động, hấp dẫn sẽ xóa tan những e ngại ban đầu, khơi dậy sự tò mò, hứng thú của người dân đối với công nghệ mới.
Thứ ba, hỗ trợ học tập tối đa. Các khóa học miễn phí hoặc có trợ giá được thiết kế phù hợp với nhiều đối tượng, trình độ khác nhau, giúp người dân dễ dàng tiếp cận tri thức về AI. Sự hỗ trợ tận tình, chu đáo từ đội ngũ giảng viên, cộng đồng học tập sẽ tạo động lực, niềm tin cho người học trên con đường chinh phục những kiến thức mới.
Là địa phương đầu tiên trên cả nước có Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số mở ra hướng đi mới, tạo sức sống mới, mang lại nhiều thành tựu quan trọng trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Chương trình “Bình dân học AI” giai đoạn 2024 - 2025 tại tỉnh Thái Nguyên sẽ góp phần quan trọng vào việc đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Nguyễn Đình Chung
Phó trưởng khoa Nhà nước và pháp luật