Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo

Thứ năm - 20/02/2025 04:53
Việt Nam là một quốc gia có nhiều hình thức tôn giáo, tín ngưỡng tồn tại đan xen nhau, đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh và đời sống tinh thần của đông đảo người dân. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm tới quan điểm, chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân và củng cố khối đại đoàn kết tôn giáo - dân tộc. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được Nhà nước Việt Nam tôn trọng, bảo đảm và được khẳng định trong các văn bản có giá trị pháp lý và được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện trong từng giai đoạn phát triển của đất nước theo hướng bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng là: Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng của nhân dân và Đoàn kết lương - giáo, hòa hợp dân tộc.  Đoàn kết lương – giáo, đây là bộ phận của đại đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh quyết định trong cách mạng giải phóng dân tộc. Từ những trao đổi qua nhiều lá thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến các tổ chức và cá nhân thuộc các tôn giáo, Người luôn đề cập đến vấn đề “đoàn kết”. Với tinh thần đoàn kết dân tộc và sự hợp tác giữa trí thức và nhà giáo, Người khẳng định rằng không có sức mạnh phi nghĩa nào có thể vượt qua công lý và chính nghĩa. Trong Thư gửi Hội Phật tử Việt Nam: “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ” [2, tr. 288]. Trong Thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Nôen năm 1947 có đoạn: “Chúng ta toàn dân, giáo cũng như lương, đoàn kết kháng chiến để Tổ quốc được độc lập, tôn giáo được tự do. Đức Chúa phù hộ chúng ta, chúng ta chắc sẽ thắng lợi” [2, tr.288]. Đại đoàn kết toàn dân được Hồ Chí Minh gửi gắm vào cụm từ “đồng bào ta”, đồng bào ta - dù lương hay giáo đều không phân biệt. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh viết: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc” [1, tr.534].
Cách mạng tháng Tám thành công, đề cập đến những nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng cũng như những chính sách liên quan tới quyền này: “Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống” [1, tr. 7]. Người đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết. Ngày 20/9/1945, Người ra sắc lệnh: Điều thứ nhất: Đền chùa, lăng tẩm, nhà thờ, tất cả các nơi có tính cách tôn giáo, bất cứ tôn giáo nào, nhân dân đều phải tôn trọng, không được xúc phạm. Ngày 14/6/1955, 10 năm sau độc lập, sắc lệnh về vấn đề tôn giáo đã ra đời. Sắc lệnh gồm 4 chương, 15 điều, trong đó ghi rõ: Việc tự do tín ngưỡng, thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân.
Năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã khẳng định Quyền tự do tín ngưỡng là một trong năm quyền cơ bản của công dân. Điều 10, Chương II - Nghĩa vụ và quyền lợi công dân ghi rõ: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Với việc tuyên bố tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân, Hiến pháp năm 1946 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chính sách đối với tôn giáo trong phạm vi cả nước.
Trong bản Hiến pháp năm 1959 được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 31/12/1959, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được tiếp tục khẳng định và mở rộng hơn, công dân không chỉ có quyền “theo tôn giáo” mà còn có quyền “không theo một tôn giáo nào”. Điều 26, Chương III - Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân quy định: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.
Kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946 và 1959, Hiến pháp năm 1980 ngoài việc ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo, còn quy định nội dung phòng ngừa việc lợi dụng tôn giáo để làm những điều trái pháp luật, chính sách của Nhà nước: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước” (Điều 68, Chương V - Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân).
Trong thời kỳ đổi mới, trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình và yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước, nhất là khi Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành ngày 16/10/1990 về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới; đây là văn kiện đổi mới đầu tiên, có tính “đột phá” của Đảng ta về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo, Vì vậy Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân đồng thời thể hiện quan điểm về sự bình đẳng giữa các tôn giáo và trách nhiệm bảo hộ của Nhà nước đối với nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo. Điều 70, Hiến pháp năm 1992 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được khẳng định tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền tôn giáo được thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”; “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo; tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc”. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn hoạt động tôn giáo tại Việt Nam, tháng 11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh hoạt tôn giáo của người dân. Ngoài ra, Quốc hội đã quyết định đưa nội dung sửa đổi Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 18/11/2016. Với việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là dấu mốc quan trọng trong lộ trình cụ thể hóa chủ trương nhất quán của Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, phù hợp với đời sống thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân Việt Nam. Đồng thời, khẳng định với quốc tế rằng, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong đảm bảo quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Gần đây, ngày 09/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ ra mắt “Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”. Đây là tài liệu chính thống, kịp thời cung cấp những thông tin cơ bản về tôn giáo, chính sách tôn giáo ở Việt Nam và những thành tựu, cũng như thách thức của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; một trong những công cụ chuyển tải thông tin trung thực tới các nước, các tổ chức quốc tế quan tâm đến lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo, làm cơ sở tham chiếu, chứng minh cho nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó, tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.
Thành quả đổi mới đất nước của Việt Nam luôn gắn với việc bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền này không những được hiến định trong các văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước mà còn được thể hiện sống động trong đời sống tôn giáo.P
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập: Tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập: Tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Trần Thị Thanh Huyền
Phòng QLĐT&NCKH

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập76
  • Hôm nay26,255
  • Tháng hiện tại364,727
  • Tổng lượt truy cập24,698,610
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây