Thảo luận nhóm là một phương pháp học tập trong đó giảng viên nêu vấn đề và phân công nhiệm vụ cho học viên theo các nhóm để thảo luận các vấn đề và trao đổi ý tưởng cùng nhau. Qua thảo luận nhóm, học viên sẽ giải quyết cùng nhau vấn đề mà giảng viên đưa ra và cũng là cơ hội để mỗi học viên học hỏi lẫn nhau. Có thể thấy, sử dụng phương pháp thảo luận nhóm trong giảng dạy lý luận chính trị là một phương pháp hoàn toàn phù hợp bởi phương pháp này sẽ giúp phát huy trí tuệ của tập thể (nhóm), phát huy được nhiều kinh nghiệm thực tế của học viên đối với những vấn đề yêu cầu thực tiễn kiểm nghiệm. đồng thời, qua việc tổ chức thảo luận nhóm sẽ khơi dậy tinh thần làm việc hăng say, trách nhiệm của mỗi học viên.
Tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên, trong những năm qua, việc áp dụng phương pháp thảo luận nhóm của giảng viên Nhà trường tại các lớp Trung cấp lý luận chính trị luôn được thực hiện thường xuyên. Có thể nhận thấy việc thực hiện hoạt động thảo luận nhóm đã đạt nhiều kết quả, các giảng viên khi lên lớp đã chuẩn bị chu đáo bài giảng; nhiều bài giảng, giảng viên đã gắn câu hỏi thảo luận phù hợp và nhận được sự tương tác, trao đổi tích cực từ học viên. Bên cạnh đó, giảng viên đã sử dụng hiệu quả các phương pháp giảng dạy tích cực để làm thảo luận nhóm đạt kết quả cao. Qua thảo luận, học viên được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng phân tích vấn đề, nhiều học viên mạnh dạn thể hiện được ưu điểm cá nhân, chính kiến riêng của mình. Đặc biệt, với những câu hỏi thảo luận có tính thực tiễn cao, nhiều học viên đã mạnh dạn nêu ra được những vướng mắc trong thực tế công tác để cùng trao đổi, tìm giải pháp với học viên trong lớp cũng như với giảng viên, giúp cho buổi học trở nên sôi nổi hơn.
Tuy nhiên, trong thực hiện phương pháp thảo luận nhóm vẫn còn một số hạn chế nhất định: Trước hết về phía giảng viên: một số ít giảng viên chưa đầu tư thời gian, tâm huyết cho các nội dung thảo luận, câu hỏi thảo luận đưa ra chưa được đầu tư. Cách đặt câu hỏi thảo luận của giảng viên nhiều khi chưa mang tính gợi mở đối với học viên, vẫn còn có một số câu hỏi chưa gắn với thực tiễn vẫn chỉ là những vấn đề mang tính lý luận. Bên cạnh đó, việc dành thời gian cho học viên nghiên cứu thảo luận chưa phù hợp, nhiều câu hỏi đưa ra vấn đề rộng nên thời gian giảng viên yêu cầu còn ít khiến học viên chuẩn bị chưa đầy đủ. Qua trình thảo luận, một số giảng viên cũng “bỏ qua” việc quan sát tình hình lớp học, đánh giá tiến độ làm việc nhóm nên vẫn còn tình trạng để học viên làm việc riêng trong giờ.
Về phía học viên: một số ít học viên trong lớp chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của các buổi thảo luận, do vậy chưa tích cực, chưa chủ động trong việc tham gia thảo luận nhóm trên lớp. Một số học viên còn mang tâm lý chờ đợi, ỷ lại sự nghiên cứu của học viên khác, dùng thời gian giảng viên cho nghiên cứu thảo luận để làm việc riêng cá nhân. Bên cạnh đó, còn khá nhiều học viên có kiến thức thực tiễn phong phú và quý báu, song ngại phát biểu, ngại trình bày trước đám đông. Một số lớp do việc bố trí chỗ người và số lượng học viên đông nên việc thực hiện thảo luận nhóm còn gặp nhiều khó khăn.
Để nâng cao chất lượng thảo luận nhóm trong chương trình trung cấp lý luận chính trị, theo tác giả cần thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
Một là, đối với giảng viên
Để nâng cao chất lượng việc thảo luận nhóm có hiệu quả, trước hết mỗi giảng viên cần phải xác định rõ ý nghĩa của việc thực hiện thảo luận nhóm, đầu tư thời gian và định hướng cho các câu hỏi thảo luận nhóm đối với học viên. Với câu hỏi thảo luận nhóm thường khó hơn một giờ giảng thông thường, nhiều vấn đề đòi hỏi giảng viên cần có phông kiến thức rộng và phải làm chủ được kiến thức. Mục đích của việc thảo luận trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị không chỉ ở việc làm rõ những vấn đề về lý luận và còn phải giúp người học biết cách vận dụng những tri thức, kỹ năng để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn đang đặt ra. Chính vì vậy, để đưa ra câu hỏi định hướng thảo luận của học viên thì mỗi giảng viên cần phải có phông kiến thức rộng và đầu tư thời gian, tri thức vào nội dung câu hỏi thảo luận. Như vậy thì giảng viên mới có thể gợi mở và làm sâu sắc thêm những thắc mắc của học viên và làm rõ hơn những nội dung thảo luận. Đồng thời, mỗi giảng viên cần phải có cách đặt câu hỏi phù hợp và cần mang tính ứng dụng, kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, nên gợi mở những vấn đề có tính thực tiễn cao để phát huy được trí tuệ và kinh nghiệm của học viên.
Để câu hỏi định hướng sát với thực tiễn và tận dụng được hết những ưu thế của thảo luận nhóm thì mỗi giảng viên cần thiết kế câu hỏi và thời gian thảo luận phù hợp. Quá trình dành thời gian cho học viên thảo luận, giảng viên cần quan sát các nhóm làm việc và cần tạo bầu không khí thoải mái, dân chủ trong buổi thảo luận để học viên chủ động, tự giác trình bày những ý kiến, ý tưởng của bản thân mà không có cảm giác bị gò ép, hay bắt buộc. Đối với những phát biểu chưa thỏa đáng thì không nên chê bai hay phán xét trình độ của người học, với những phát biểu đạt đến yêu cầu của câu hỏi, có mở rộng phân tích làm rõ từ phía học viên, giảng viên nên khuyến khích, động viên và cổ vũ tinh thần cũng như biểu dương tinh thần học tập của giảng viên.
Sau khi kết thúc thời gian thảo luận, giảng viên cần phải tóm tắt nội dung của câu hỏi thảo luận, kết luận những vấn đề then chốt để học viên học tập và vận dụng. Đồng thời, cần đánh giá sản phẩm và cách trình bày của mỗi nhóm, nêu ưu điểm, khắc phục những hạn chế. Việc giảng viên đánh giá sản phẩm và sự làm việc của các nhóm sẽ kích thích sự nhiệt huyết, năng động và hứng thú làm việc của học viên, từ đó sẽ tạo đà cho những buổi làm việc nhóm tiếp sau.
Để các câu hỏi thảo luận có chiều sâu và định hướng trong nhận thức và hành động của người học, giảng viên nên trao đổi chuyên môn với khoa chủ quản thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, rút kinh nghiệm bài giảng. Với sự góp ý từ khoa chủ quản, giảng viên nên tiếp nhận và xây dựng câu hỏi phù hợp với bài giảng của mình, sát tình hình thực tế cơ sở, của các địa phương, mang tính thời sự, điển hình và có tác dụng lan truyền tạo cảm hứng. Khoa chủ quản cũng nên thực hiện tốt việc biểu dương, nhân rộng những cá nhân tiêu biểu thực hiện tốt giờ giảng có nội dung thảo luận nhóm.
Hai là, đối với học viên
Phát huy vai trò chủ động trong làm việc nhóm của học viên trong và sau quá trình thảo luận. Lấy học viên làm trung tâm quyết định thành công của hoạt động thảo luận. Buổi thảo luận chỉ thực sự chất lượng khi học viên là trung tâm làm chủ trong nghiên cứu. Chính vì vậy, mỗi học viên cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện thảo luận nhóm trên lớp. Để thảo luận nhóm đạt hiệu quả, trước mỗi buổi thảo luận, đề nghị mỗi học viên cần phải nâng cao vấn đề tự học, tự nghiên cứu tài liệu, cần chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung thảo luận. Trong quá trình thảo luận, học viên cần phát huy tinh thần tự giác, chủ động trong trao đổi, tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề. Việc tự giác tham gia quá trình thảo luận nhóm của học viên có vai trò quan trọng, bởi việc thực hiện thảo luận nhóm là nhằm làm cho vấn đề lý luận được kiểm nghiệm rõ hơn từ thực tiễn công tác của học viên. Quá trình thực hiện thảo luận nhóm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các học viên cũng như với giảng viên. Đồng thời, cần mạnh dạn đưa ra những câu hỏi vướng mắc cần tháo gỡ trong thực tế hoặc những vấn đề còn thắc mắc, chưa nắm vững để giảng viên định hướng kịp thời.
Bên cạnh đó, mỗi học viên cần phát huy vai trò tích cực của bản thân trong việc mạnh dạn phát biểu, trao đổi thảo luận với giảng viên và các học viên khác trong lớp về những vấn đề xung quanh nội dung câu hỏi. Với những học viên là cán bộ lãnh đạo ở cơ sở có thể coi họ chính là những chuyên gia trên lĩnh vực công tác, bên cạnh sự khuyến khích của giảng viên, thì những học viên này cũng cần phải chủ động tham gia chia sẻ, làm rõ những vấn đề ở cơ sở, lĩnh vực mình phụ trách.
Để thảo luận nhóm có hiệu quả cũng cần bố trí số lượng người trong nhóm phù hợp để tạo không khí thi đua trong các nhóm, phát huy trí tuệ của tập thể và mang lại không khí thoải mái để học viên tham gia phát biểu trình bày vấn đề. Như vậy, sẽ thu hút được sự quan tâm, chú ý của học viên, khắc phục sự nhàm chán, đơn điệu của giờ thảo luận, tạo điều kiện cho giờ thảo luận trở nên sôi nổi và phát huy được tính chủ động của học viên.
Thảo luận nhóm là một phương pháp học tập tích cực, phát huy được vai trò của người học, lấy người học làm trung tâm. Qua thảo luận nhóm không chỉ phát huy được trí tuệ của tập thể mà còn để mỗi học viên mạnh dạn, chủ động nêu lên chính kiến và tiếp tục rèn luyện bản lĩnh thuyết trình trước đám đông. Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục sử dụng phương pháp thảo luận nhóm một cách hiệu quả để phát huy tốt nhất trách nhiệm nêu gương của người học và sự chủ động, sáng tạo của mỗi giảng viên để gắn lý luận với thực tiễn đạt yêu cầu đề ra trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà.
Ma Thị Hồng Minh,
Phòng QLĐT&NCKH