Tổ chức các phiên họp linh hoạt, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn
Năm 2024, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 14 phiên họp, trong đó có: 11 phiên thường kỳ và 03 phiên đột xuất để thảo luận, cho ý kiến và quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền, về các hoạt động giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh, về công tác cán bộ của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, HĐND các huyện, thành phố; đồng thời xem xét, thống nhất cho ý kiến đối với 36 nội dung thuộc lĩnh vực quản lý, điều hành ngân sách, quản lý tài sản công, chấp thuận đề nghị xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh, để kịp thời đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Có thể nói, các phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND tỉnh đảm bảo chất lượng, đạt hiệu quả cao. Qua đó, giúp các Sở, ngành, địa phương có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, bức xúc trong chỉ đạo điều hành, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện, vững chắc.
Đẩy mạnh thực hiện hoạt động giám sát, khảo sát bảo đảm việc thực hiện các nghị quyết của HĐND, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương
Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Thường trực HĐND tỉnh đã đẩy mạnh công tác giám sát theo hướng thực chất, tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm như phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, cải cách hành chính và an sinh xã hội. Đồng thời, tổ chức các đợt khảo sát thực tế sẽ giúp nắm bắt chính xác tình hình triển khai chính sách, phát hiện những khó khăn, vướng mắc và kịp thời đưa ra kiến nghị, giải pháp phù hợp. Năm 2024, HĐND tỉnh tổ chức 01 cuộc giám sát kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025; Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 3 cuộc giám sát về công tác triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về danh mục các dự án thu hồi đất từ đầu nhiệm kỳ đến nay; kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp HĐND tỉnh và kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND tỉnh, nội dung chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV. Kết quả giám sát được Thường trực HĐND kịp thời trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết để triển khai tổ chức thực hiện. Trong thời gian giữa hai kỳ họp, Thường trực HĐND dã tổ chức 01 phiên chất vấn về việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý giai đoạn 2018-2023 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; 01 phiên giải trình về kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, các cơ quan của HĐND tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh tham gia Đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023; tham gia các hoạt động giám sát, khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 tại tỉnh Thái Nguyên.
Chủ động tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri tăng cường mối liên hệ giữa chính quyền địa phương với nhân dân
Thường trực HĐND tỉnh đã, phối hợp với Ban Thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai thực hiện nghiêm và có hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri với nhiều điểm đổi mới về hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả kịp thời thu thập các ý kiến của cử tri để chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, đáp ứng nhu cầu chính đáng, hợp pháp của cử tri và nhân dân. Tổ chức 129 hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ mười chín, trước Kỳ họp thứ hai mươi ba để đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc với 14.798 cử tri, tiếp nhận 761 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri; thực hiện phân loại, tổng hợp 168 ý kiến thuộc thẩm quyền để báo cáo HĐND tỉnh và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định. Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện giám sát thường xuyên, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Quan tâm thực hiện thường xuyên, định kỳ công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo
Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo được Thường trực HĐND đặc biệt quan tâm. Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng nghị quyết liên tịch thống nhất Quy chế phối hợp hoạt động với Đoàn ĐBQH tỉnh, UBND tỉnh và Uỷ ban MTTQ tỉnh trong đó có nội dung qui định về lĩnh vực tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ban hành Quy chế tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của đại biểu HĐND tỉnh và đảm bảo thực hiện công tác tiếp dân thường xuyên và định kỳ theo đúng quy định. Xây dựng, ban hành kế hoạch, lịch tiếp công dân theo từng quý, trong đó phân công cụ thể đối với từng đồng chí thành viên của Thường trực HĐND tỉnh. Năm 2024, Thường trực HĐND tỉnh đã thực hiện tiếp công dân định kỳ, đột xuất theo quy định với 39 lượt/32 người/29 vụ việc, trong đó đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đã tiếp định kỳ 02 cuộc/02 vụ việc. Tiếp nhận và xử lý 194 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; nghiên cứu chuyển 09 đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết; thống nhất xử lý 79 đơn trùng và lưu 106 đơn không có đủ điều kiện xử lý theo quy định. Thường xuyên đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân.
Bên cạnh những kết quả đã được trong công tác lãnh, chỉ đạo hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên vẫn còn một số hạn chế còn tồn tại như: công tác phối hợp chuẩn bị một số nội dung trình Kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND có lúc chưa bảo đảm thời gian. Bố trí lịch phiên họp, nội dung xem xét tại phiên họp nhiều, việc đôn đốc thực hiện các kết luận của phiên họp còn chưa quyết liệt.
Trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả hoạt động góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, Thường trực HĐND tỉnh đưa ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện đồng bộ một số nội dung sau:
Một là, nâng cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Thường trực HĐND. Mỗi thành viên của Thường trực HĐND phải thường xuyên nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động, trách nhiệm cá nhân của mình để tạo thành một tập thể đoàn kết, chủ động, sáng tạo. Đối với các thành viên của Thường trực HĐND hoạt động không chuyên trách, cần dành thời gian thỏa đáng cho công việc của HĐND, gắn kết công tác thường xuyên của mình với chức năng, nhiệm vụ của HĐND, Thường trực HĐND.
Hai là, chuẩn bị tốt việc tổ chức các phiên họp Thường trực HĐND. Để phiên họp HĐND có hiệu quả, đạt chất lượng, trước hết cần có sự tham dự đông đủ các thành viên của Thường trực, có sự thống nhất trước giữa Thường trực HĐND với UBND và các cơ quan hữu quan trong việc lựa chọn những nội dung phù hợp, có tính thời sự để thảo luận tại các phiên họp, cần cân nhắc việc lựa chọn mời thành phần đại biểu tham dự phiên họp, công tác thông tin tuyên truyền về phiên họp, cách thức điều hành phiên họp. Chương trình, thời gian kỳ họp, các nghị quyết dự kiến được thông qua cần được Thường trực HĐND xem xét kỹ lưỡng, có sự trao đổi và thống nhất với các cơ quan có trách nhiệm trình, thẩm tra nghị quyết trong việc chuẩn bị hồ sơ trước khi trình HĐND.
Ba là, lựa chọn chính xác, sát với tình hình thực tiễn các nội dung phiên họp xem xét việc trả lời chất vấn và yêu cầu các cơ quan giải trình. Thường trực HĐND cần lựa chọn đúng vấn đề để các thành viên và các đại biểu HĐND được phép tham gia phiên họp Thường trực HĐND nêu câu hỏi chất vấn, vấn đề giải trình. Các nội dung chất vấn, giải trình phải là vấn đề bức xúc, có tính thời sự, liên quan trực tiếp đến đời sống an sinh xã hội, sự phát triển kinh tế và việc thực hiện các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, được cử tri, nhân dân trong tỉnh quan tâm. Khi xem xét lựa chọn vấn đề để chất vấn, giải trình, cần phải xem xét đến các điều kiện khách quan, chủ quan tác động đến hiệu quả việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đối tượng được yêu cầu trả lời chất vấn và giải trình để từ đó làm cơ sở để các câu hỏi đúng trọng tâm, người trả lời chất vấn, giải trình đúng vấn đề.
Bốn là, tiếp tục điều hòa, phân công các Ban HĐND, bộ phận tham mưu, giúp việc quan tâm theo dõi, đôn đốc chuẩn bị tốt nội dung phục vụ công tác thẩm tra; định hướng các Ban HĐND nâng cao chất lượng thẩm tra, chú trọng đánh giá toàn diện và chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất những giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ.
Năm là, tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát; lồng ghép giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong các cuộc giám sát chuyên đề và thường xuyên của Thường trực, các Ban HĐND. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, khuyến khích tiếp xúc cử tri theo chuyên đề; tăng cường trách nhiệm theo dõi, nắm bắt, phản ánh, giám sát, đôn đốc việc giải quyết các ý kiến kiến nghị bức xúc của cử tri và các đơn thư của công dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin các hoạt động của Thường trực HĐND trên nền tảng số.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo 180/BC-HĐND ngày 03/12/2024 của Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
2.
https://daibieunhandan.vn/nhung-bat-cap-han-che-ve-to-chuc-va-hoat-dong-cua-thuong-truc-hdnd-post44700.html
3.
https://daibieunhandan.vn/mo-rong-tham-quyen-cho-thuong-truc-hdnd-post42060.html
4.
https://daibieunhandan.vn/khong-ngung-doi-moi-phuong-thuc-to-chuc-hoat-dong-post361484.html
5. https://hdnd.thainguyen.gov.vn/