Tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên

Thứ năm - 13/02/2025 04:50   Đã xem: 251

Tư tưởng đạo đức cách mạng Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư là những phẩm chất cốt lõi của người chiến sĩ cách mạng, là nền tảng của đời sống mới và là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, là mối quan hệ “với tự mình”.

Tháng 6/1949, để tiếp tục quán triệt việc tu dưỡng đạo đức cho cán bộ, đảng viên, với bút danh Lê Quyết Thắng Bác viết tác phẩm: “Cần, kiệm, liêm, chính” gồm 4 bài báo đăng trên báo Cứu Quốc các số ra ngày 30/5, 31/5, 01/6 và 02/6 năm 1949 để giải thích rõ nội dung 4 đức tính này. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là bốn đức tính của con người, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương, Bác viết:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa thì không thành trời
Thiếu một phương thì không thành đất
Thiếu một đức thì không thành người”.
Người giải thích cặn kẽ:
Cần: Tức là cần cù, siêng năng, chăm chỉ, dẻo dai, lao động sáng tạo, có kế hoạch, có năng suất cao…
Kiệm: Tức là “tiết kiệm, không xa xỉ, không lãng phí, không bừa bãi”, đó là tiết kiệm thời gian, tiền của, tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái lớn…
Liêm: Tức là “Trong sạch không tham lam… không ham địa vị, không ham tiền tài, không ham sung sướng… chỉ có một thứ ham đó là ham học, ham làm, ham tiến bộ”.
Chính: “Nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn đúng đắn”.
Chí công vô tư: Là không nghĩ đến mình trước “phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”, “không kèn cựa về mặt hưởng thụ”, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, “Mình vì mọi người”, phải công tâm trong sáng.
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư có mối quan hệ biện chứng, gắn bó mật thiết với nhau. Theo Bác: “Cần và kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. Cần mà không kiệm làm chừng nào xào chừng ấy… Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được”. Chữ kiệm phải đi đôi với chữ liêm cũng như chữ Liêm phải đi đôi với chữ Cần. Có kiệm mới có liêm được, “vì xa xỉ mà sinh ra tham lam”. “Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của Chính như một cây có gốc, rễ lại cần có cành lá, hoa, quả mới hoàn toàn. Một người có cần, kiệm, liêm, chính nữa mới hoàn toàn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, liêm, chính là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Cần, kiệm, liêm, chính là đạo đức của một xã hội hưng thịnh: Nếu không có những phẩm chất đó thì xã hội suy vong. Do đó, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư. Ngược lại, chí công vô tư, một lòng, một dạ vì Đảng vì dân thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính và được nhiều đức tính tốt khác. Kết quả: “Bộ đội sẽ đầy đủ, nhân dân sẽ no ấm, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công, nước sẽ mau giàu mạnh, ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới”.
Vận dụng sáng tạo quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời gian qua công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên được Đảng, Nhà nước và các cấp ủy đảng tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo chỉ đạo đạt được kết quả quan trọng. Các chuẩn mực đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư được cụ thể hóa trong Quy định số 144-QĐ/TW,  Ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Nội dung thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực được lồng ghép trong các chương trình đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị ở các trường chính, trị trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ từ trung ương đến địa phương …. nhờ đó đạo đức cách mạng nói chung các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư nói riêng của cán bộ đảng viên được nâng lên góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tham nhũng lãng phí tiêu cực.
Tuy nhiên nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc giáo dục cần, kiện, liêm, chính, chí công vô tư của không ít cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ và đúng mức. Công tác giáo dục đạo đức cách mạng nhất là giáo dục liêm chính, thực hành tiết kiệm chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa trở thành nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của một số cấp ủy, tổ chức đảng; nội dung, phương pháp, hình thức, đối tượng giáo dục còn nhiều bất cập; chưa hình thành ý thức tự học, tập rèn luyện thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong cán bộ đảng viên; các giá trị liêm chính, tiết kiệm chưa được đề cao; tham nhũng tiêu cực tuy đã được kiềm chế ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng; tình trạng tham nhũng, tiêu cực,lãng phí còn diễn ra khá phổ biến gây thất thoát tài sản của nhà nước và nhân dân; một bộ phận cán bộ đảng viên trong đó có cán bộ cấp cao do thiếu tu dưỡng rèn luyện thiếu bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm nên đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mức phải xử lý kỷ luật.
Để tăng cường công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho cán bộ đảng viên và học viên nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng lãng phí tiêu cực, góp phần xây dựng phát triển Nhà trường,  tỉnh Thái Nguyên và đất nước trong kỷ nguyên mới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong thời gian tới Nhà trường cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tập trọng tâm sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chi uỷ, chi bộ và mỗi cá nhân cán bộ, giảng viên, học viên với việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” gắn với thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW,  Ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị .
Đây là biện pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong giáo dục, rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường. Bởi lẽ, nhận thức là cơ sở của hành động, chỉ đạo, định hướng cho hành động. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng được”.
Để làm được điều đó, trước hết, chi uỷ, bí thư các chi bộ cần quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Tỉnh uỷ về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Điển hình như Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW; Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/01/2025 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh dạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư…Trên cơ sở đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, cũng như sự cần thiết phải giáo dục, rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên. Mỗi chi ủy viên, đảng viên cần nhận thức rõ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là bốn đức tính nền tảng của con người, của cán bộ, đảng viên, là giá trị cốt lõi của đạo đức cách mạng; giáo dục, rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là nội dung, biện pháp quan trọng góp phần hình thành nhân cách người cán bộ, xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua của Nhà trường, của Tỉnh, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đa dạng hóa hơn nữa các hình thức tuyên truyền, như: thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, xem phim tư liệu; tổ chức tọa đàm, hội thi kể chuyện, các cuộc thi tìm hiểu về đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, kết hợp việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các cuộc vận động, các phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua xây dựng Nhà trường đạt chuẩn mức 2. Trong đó, chú trọng xây dựng, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.
Ba là, phát huy vai trò tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên.
Đây là biện pháp quan trọng, quyết định trực tiếp đến giáo dục, rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên. Mỗi cá nhân cần phải nhận thức được vị trí, vai trò của việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Xây dựng động cơ, thái độ, trách nhiệm đúng đắn, ý chí kiên cường, khắc phục khó khăn để biến quá trình giáo dục, rèn luyện thành hoạt động tự giác, thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày. Đồng thờitích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Bốn là, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong Nhà trường.
Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong đó, tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cụ thể, rõ ràng để cán bộ, đảng viên đăng ký quyết tâm thực hiện. Đặc biệt, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, coi tự phê bình và phê bình là “vũ khí” hữu hiệu trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, nhất là phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho đội ngũ cán bộ đảng viên Nhà trường. Kết hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát của chi uỷ, UBKT Đảng uỷ với tự bồi dưỡng của cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm quy chế làm việc, nhất là quy chế, quy định trong quản lý, sử dụng, bảo quản, cấp phát vật chất, tài chính, phương tiện hậu cần. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phát hiện, đấu tranh với hành vi tham ô, lãng phí; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Năm là: Đội ngũ giảng viên lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức cách mạng cần kiềm liêm chính chí công vô tư vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho học viên. Qua đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và rèn luyện kỹ năng thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực cho học viên.
Với quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên giàu lòng yêu nước, tự hào dân tộc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức, lối sống văn hóa, ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong tham gia hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng lao động, dám nghĩ, dám làm, tự lực vươn lên, cống hiến xây dựng quê hương Thái Nguyên giàu mạnh, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên xác định việc quán triệt sâu kỹ và triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/01/2025 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh dạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư bằng các biện pháp cụ thể, phù hợp sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Trần Thị Thanh Huyền
Phòng QLĐT&NCKH

 

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn