Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ Đại hội IV, khoa học và công nghệ đã được xác định là cuộc cách mạng, và đến nay, là quốc sách hàng đầu. Nhiều Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000; Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Nghị quyết 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57-NQ/TW) đã được ban hành, mang lại kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước như ngày nay. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, nghiêm túc và khách quan, kết quả thực hiện các Nghị quyết của Trung ương chưa đạt các mục tiêu đề ra, chưa được như mong đợi, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ từ thể chế, cơ chế, chính sách, luật, đến nguồn lực, phương tiện. Nguyên nhân chính của việc chưa thực sự thành công của các Nghị quyết của Trung ương chính là nằm ở khâu tổ chức thực hiện.
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một “khoán 10” trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Sự ủng hộ này thể hiện khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm vươn lên của dân tộc. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta có niềm tin mạnh mẽ rằng đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ là chìa khóa đưa đất nước tiến xa trên con đường hiện thực hóa khát vọng phát triển.
Để đưa Nghị quyết 57-NQ/TW đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời; các cấp, các ngành, các địa phương phải xắn tay ngay vào làm việc, không được chậm trễ. Những chủ trương, giải pháp trong đó phải được nhanh chóng thể chế hóa và ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thực hiện. Đặc biệt là tăng cường việc quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển khoa học và công nghệ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị có Chuyên đề Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ thuộc phần B. Lịch sử Đảng và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chuyên đề kết cấu gồm 2 phần lớn: 1. Phát triển giáo dục và đào tạo; 2. Phát triển khoa học và công nghệ với thời lượng 8 tiết giảng. Giáo trình giảng dạy đang trên tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 20-NQ/TW); đến thời điểm này đã có Nghị quyết 57-NQ/TW đòi hỏi giảng viên cần bổ sung, cập nhật các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển khoa học và công nghệ. Trong giảng dạy, giảng viên cần bổ sung, cập nhật các nội dung, đồng thời phân tích, làm rõ sự đột phá của Nghị quyết 57-NQ/TW so với Nghị quyết 20-NQ/TW.
Trong phần quan điểm chỉ đạo, giảng viên cần bổ sung 5 quan điểm chỉ đạo theo Nghị quyết 57-NQ/TW. Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh luôn quán triệt xem đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai; đồng thời xác định xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua. Xem dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là “không khí và ánh sáng” của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo chính là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm. Cần chuyển từ ứng dụng và làm chủ công nghệ sang xây dựng năng lực sáng tạo đột phá, tận dụng cơ hội từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 để “đi tắt, đón đầu” làm chủ tương lai. Triển khai Nghị quyết phải hướng vào những vấn đề thực tiễn đất nước đang đòi hỏi, thị trường và nền kinh tế đang cần. Những sản phẩm nghiên cứu phải được thương mại hóa, đăng ký được bản quyền.
Mục tiêu của khoa học và công nghệ là những tiêu chí, yêu cầu mà khoa học và công nghệ cần phải phấn đấu đạt được trong thực tế sau một thời gian nào đó, nghĩa là có thể lượng hóa một các cụ thể. Trong giáo trình Trung cấp lý luận chính trị phần Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay chỉ đang xác định mục tiêu tổng quát của khoa học và công nghệ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Nội dung này, giảng viên cần bổ sung mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 57-NQ/TW, chú ý các điểm đột phá như sau:
Một là, Đảng ta đã đặt ra các mục tiêu cụ thể ở mức cao đến năm 2030 và 2045 để Việt Nam có thể trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao.
Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Đến 2045 Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50%, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số… Để đảm bảo đạt được các mục tiêu này, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực rất lớn trong phát triển khoa học và công nghệ.
Hai là, Nghị quyết 57-NQ/TW đã có đột phá về tư duy trong quản lý đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu phát triển, xác định phải tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Cụ thể, đến 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ đầu tư xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Việc tăng đầu tư theo Nghị quyết 57-NQ/TW sẽ tiệm cận với mức đầu tư như các nước phát triển, qua đó tạo động lực cho cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia
Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế xác định có 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Giảng viên cần bổ sung, thay thế thành 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 57-NQ/TW như sau:
Thứ nhất,
nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nhiệm vụ này cần tạo đột phá trong tư duy, xác lập rõ quyết tâm từ cấp lãnh đạo cao nhất, lan tỏa khí thế đổi mới toàn xã hội. Cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng phải hiểu rõ vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tổ chức các chương trình tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, từ hệ thống chính trị đến doanh nghiệp và người dân. Đồng thời gắn trách nhiệm cụ thể từng tập thể, cá nhân và tôn vinh xứng đáng với những người tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nhà nước khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cần sửa đổi pháp luật, gỡ rào cản, khuyến khích cơ chế thí điểm và đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Tăng quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tập trung đầu tư có trọng điểm và sử dụng hiệu quả ngân sách khoa học công nghệ. Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ tiếp cận công nghệ tiên tiến từ nước ngoài.
Thứ ba,
tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đặc biệt ưu tiên các công nghệ chiến lược như AI, bán dẫn, năng lượng sạch, công nghệ sinh học. Ban hành các chương trình, chiến lược và cơ chế tài chính (như quỹ đầu tư, hợp tác công tư) để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Phát triển hệ thống phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm quốc gia phục vụ các ngành công nghiệp chiến lược. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, khuyến khích đầu tư vào sản phẩm số, công nghiệp an ninh mạng, nền tảng số quốc gia. Xây dựng hạ tầng viễn thông và số hiện đại: 5G, 6G, phát triển ngành công nghiệp IoT, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây theo chuẩn quốc tế. Định hình kinh tế dữ liệu, bảo đảm dữ liệu là tài nguyên quan trọng và xây dựng ngành công nghiệp dữ liệu lớn Việt Nam.
Thứ tư,
phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đẩy mạnh đầu tư giáo dục, có chính sách thu hút học sinh, sinh viên giỏi vào các ngành mũi nhọn như toán, lý, hóa, công nghệ. Tạo điều kiện đặc biệt để mời gọi chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc lâu dài. Xây dựng trường, trung tâm đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo và công nghệ số. Phát triển nền tảng giáo dục số và hợp tác công tư trong đào tạo. Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, đổi mới chương trình theo chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Nhà nước đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn bộ hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu quả quản trị và quản lý nhà nước. Triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cá nhân hóa, không phụ thuộc địa giới, đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình. Tập trung thu hút nhân lực công nghệ số vào làm việc trong các cơ quan nhà nước. Phát triển công dân số, phát triển một số mạng xã hội Việt Nam, xây dựng xã hội và văn hóa số an toàn, lành mạnh. Bảo đảm an toàn dữ liệu, an ninh mạng và chủ quyền số quốc gia. Ứng dụng công nghệ cao trong quốc phòng, an ninh, tác chiến và phòng chống tội phạm công nghệ.
Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Nhà nước ban hành chính sách ưu đãi thúc đẩy doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư chuyển đổi số và đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất - quản trị. Khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước khởi nghiệp tại Việt Nam. Hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp công nghệ số chiến lược quy mô lớn dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia. Tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, tín dụng, thuế cho nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất công nghệ số. Phát triển các khu công nghiệp công nghệ số và thúc đẩy đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D). Đẩy mạnh tiêu dùng và sản xuất thông minh, đưa kinh tế số thành trụ cột chính trong các ngành.
Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nhất là với các quốc gia có thế mạnh về chuyển đổi số và các công nghệ chiến lược như AI, công nghệ sinh học, lượng tử, bán dẫn, năng lượng nguyên tử. Có chính sách phù hợp để mua và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ thông qua các thoả thuận và điều ước quốc tế. Nâng cao năng lực nội tại thông qua hợp tác toàn diện với quốc tế.
Nghị quyết 57-NQ/TW không thay thế các nghị quyết trước đây nhưng có thể xem là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học” ,“Nghị quyết để thực hiện các Nghị quyết”, “Nghị quyết của hành động”
[1] với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong thời kỳ mới.
Bổ sung, cập nhật các nội dung trong Nghị quyết 57-NQ/TW để cán bộ, đảng viên thống nhất trong nhận thức và hành động, xác định phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Chính vì vậy, việc bổ sung Nghị quyết 57-NQ/TW vào chương trình Trung cấp lý luận chính trị sẽ giúp học viên nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý trong bối cảnh mới.