Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 - hành trang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thứ hai - 28/04/2025 04:39
Chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã thu non sông về một mối, mở ra trang sử chói lọi của dân tộc Việt Nam. Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, kết thúc trọn vẹn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt nhiều thập kỷ. Chiến thắng 30/4/1975 mang ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, minh chứng cho ý chí kiên cường và lòng yêu nước cháy bỏng, tinh thần kiên trung, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Đó là thắng lợi của khát vọng hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta. Thắng lợi này đã mở ra kỷ nguyên mới cho Việt Nam chúng ta - kỷ nguyên độc lập, thống nhất và cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp chúng ta ôn lại những trang sử vẻ vang của dân tộc, nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng, những thành tựu to lớn về kinh tế - văn hóa, sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc và định hướng tương lai phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn những giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, Việt Nam chúng ta từ một đất nước phải chịu nhiều đau thương và mất mát của chiến tranh đã vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Thập niên 1980 đã chứng kiến công cuộc đổi mới (1986), mở ra bước ngoặt lịch sử khi chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng ta, kinh tế Việt Nam từng bước được phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ: GDP bình quân giai đoạn 1986-2000 tăng trung bình 6,5% mỗi năm - dấu mốc của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt từ đầu thế kỷ 21, Việt Nam đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập ASEAN (1995), WTO (2007) và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quốc tế. Quy mô GDP năm 2024 đạt khoảng 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới. Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và nâng cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thể hiện nổi bật vai trò là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất, chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, tổ chức Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, khu vực công nghiệp và dịch vụ hiện chiếm tỷ trọng lớn, trong khi nông nghiệp dù giảm tỷ trọng nhưng vẫn giữ vai trò trụ đỡ, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.Trong bức tranh chung của cả nước, thành phố Hồ Chí Minh có đóng góp không nhỏ, tạo ra khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp, 27% tổng thu ngân sách. Tất cả những điều đó là những minh chứng cho Việt Nam đổi thay vượt bậc, từ tro tàn của chiến tranh vươn mình thành quốc gia đang phát triển năng động, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Thành tựu kinh tế 50 năm qua là nền tảng vững chắc để Việt Nam tự tin hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao trong những thập niên tới.
          Song hành với phát triển kinh tế, văn hóa Việt Nam sau 50 năm thống nhất cũng đạt nhiều thành tựu đáng kể, vừa phát huy được các giá trị truyền thống tốt đẹp vừa tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, người Việt Nam tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Nhà nước và nhân dân ta đã không ngừng nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa - coi đó là “sợi chỉ đỏ” nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thế giới, minh chứng cho sự phong phú và độc đáo của văn hóa dân tộc. Giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được giữ gìn và phát huy, tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ thúc đẩy đất nước ngày càng phát triển nhanh, bền vững. Sự phát triển của văn hóa Việt Nam thời kỳ sau thống nhất vì thế luôn song hành cùng nhịp bước phát triển kinh tế, tạo nên sức mạnh mềm nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
          Một trong những nhân tố quyết định những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong 50 năm qua chính là nhờ tinh thần đoàn kết dân tộc. Chủ tịch Hồ chí Minh đã từng khẳng định: “ Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”- coi đoàn kết là sức mạnh vô địch, là truyền thống quý báu nhất của dân tộc ta. Trong những giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước, tinh thần đoàn kết luôn là sức mạnh to lớn giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vẻ vang. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tinh thần đại đoàn kết lại càng phát huy giá trị to lớn. Người Việt Nam trên khắp mọi miền, từ đất liền đến hải đảo, từ trong nước đến kiều bào nước ngoài, đều gắn bó theo một khối thống nhất, cùng chung tay đóng góp trí tuệ, công sức vì sự phồn vinh của quê hương, đất nước. Vai trò của đoàn kết thể hiện rõ trong mọi lĩnh vực của đời sống. Nhờ đoàn kết, chúng ta đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị. Những lúc đất nước đối mặt với những thử thách như: Thiên tai, dịch bệnh hay các vấn đề về chủ quyền quốc gia, tinh thần tương thân, tương ái và lòng yêu nước lại càng tỏa sáng. Có thể nói, đại đoàn kết dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực và cũng là bài học quý giá từ  Đại thắng mùa xuân 1975.
Từ sau đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến nay nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã và đang làm nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trongcông cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế . Những giá trị lịch sử, những bài học từ Đại thắng mùa Xuân 1975 đã, đang và sẽ luôn được các thế hệ kế cận tiếp tục phát huy, làm hành trang vững chắc để dân tộc  Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong giai đoạn mới, Việt Nam đang đứng trước những thời cơ lớn để phát triển toàn diện nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức, khó khăn. Do đó, mõi người dân Việt Nam mà trước hết là cán bộ, đảng viên phải chuẩn bị hành trang thật vững vàng về tri thức, kỹ năng, đạo đức và lý tưởng để tiếp nối ngọn lửa yêu nước, lý tưởng và ý chí mà thế hệ cha anh đã trao truyền.
Nguyễn Thị Kim Ngân
Phòng QLĐT&NCKH
         



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập69
  • Hôm nay18,144
  • Tháng hiện tại638,469
  • Tổng lượt truy cập24,303,613
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây