Việc nâng cao ý thức pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật là một công việc quan trọng, vừa có tính cấp thiết, vừa là công việc có tầm chiến lược lâu dài. Vì vậy, để nâng cao ý thức pháp luật trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay thì cùng với việc chú trọng xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, hoàn thiện là không ngừng phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ và nhân dân.
1. Xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ, hoàn thiện
Đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, coi đây là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển. Trong kỷ nguyên mới, pháp luật phải thật sự là nền tảng của phát triển, phục vụ phát triển và thúc đẩy phát triển; “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể”.
Để đáp ứng yêu cầu này, pháp luật phải tháo gỡ các "điểm nghẽn" pháp lý, khẩn trương đưa nguồn lực xã hội bị đình trệ hoạt động trở lại; vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước; tạo cơ sở pháp lý hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành dịch vụ mới, các ngành công nghiệp mới.
Cần chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật bằng việc kiên quyết thay đổi nhận thức, phá bỏ mọi rào cản, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong xây dựng pháp luật. Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí tuân thủ, xóa bỏ cơ chế “xin – cho”; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi. Dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, thực hiện tốt nguyên tắc “công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”.
Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với sắp xếp lại bộ máy trong hệ thống chính trị, bảo đảm “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát. Khẩn trương xây dựng khuôn khổ pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, nhất là những vấn đề liên quan đến trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Đặc biệt, cần có cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước.
Xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Thường xuyên theo dõi, rà soát, đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành, ứng dụng công nghệ trong tiếp nhận, phản hồi và xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện pháp luật, xác định lỗi của văn bản pháp luật để kịp thời hoàn thiện.
Sớm hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật; hoàn thiện quy định, cơ chế hướng dẫn, giải thích, áp dụng pháp luật theo hướng ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, áp dụng pháp luật, để bảo đảm sức sống của quy định pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và bảo đảm nguồn lực tài chính cho tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật.
Quan tâm phát triển nguồn lực cho công tác pháp luật, tương xứng với tính chất là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Đầu tư nguồn lực thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng các nền tảng số, trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật và xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để kết nối, liên thông, làm giàu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
2. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật
Phổ biến, giáo dục pháp luật là sự tác động một cách có hệ thống, thường xuyên tới nhận thức của con người nhằm trang bị cho mỗi người một trình độ kiến thức pháp lý nhất định để từ đó có ý thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật. Để công tác giáo dục nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân đạt hiệu quả, cần thực hiện một số biện pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp lý có năng lực và trình độ, có phẩm chất chính trị và phong cách làm việc tốt để bố trí vào các cơ quan làm công tác pháp luật, pháp chế. Hoạt động của đội ngũ cán bộ pháp lý này sẽ góp phần nâng cao vai trò của pháp luật, củng cố pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích pháp luật để nhân dân hiểu đầy đủ nội dung của các văn bản pháp luật được ban hành trong từng giai đoạn, đặc biệt là các văn bản pháp luật mới ban hành. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến cần được xây dựng cho phù hợp với từng đối tượng trong xã hội nhằm hướng đến hiệu quả của công tác tuyên truyền. Để thực hiện tốt công tác này, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và đoàn thể quần chúng để có những hình thức và phương pháp thích hợp, mở rộng tính dân chủ công khai trong toàn thể nhân dân.
Thứ ba, đưa việc giảng dạy pháp luật vào hệ thống các trường học. Công tác giảng dạy pháp luật cần được tổ chức sâu rộng, cho mọi đối tượng, từ các trường phổ thông, trưng học đến đại học và bồi dưỡng ở mọi ngành nghề, lĩnh vực. Để công tác giảng dạy pháp luật đạt hiệu quả, cần xây dựng chương trình, nội dung, giáo trình phù hợp cho từng loại đối tượng theo từng cấp học khác nhau.
Thứ tư, tăng cường công tác dân chủ, công khai nhằm tạo điều kiện cho nhân dân tham gia một cách tích cực vào việc soạn thảo, thảo luận đóng góp ý kiến về các dự thảo các văn bản pháp luật thông qua đó nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân.
Thứ năm, kết hợp việc giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, văn hoá, từng bước nâng cao nâng cao trình độ của nhân dân về mọi mặt. Đạo đức và văn hoá là những yếu tố quan trọng là tiền đề của ý thức pháp luật đúng đắn, đồng thời giữa đạo đức, văn hoá và pháp luật xã hội chủ nghĩa có quan hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, để giáo dục pháp luật đạt kết quả, cần kết hợp với giáo dục đạo đức và giáo dục nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân.
Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với mọi tầng lớp nhân dân nhằm góp phần nâng cao ý thức pháp luật, qua đó xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật là yêu cầu quan trọng và cấp thiết trong công cuộc xây dựng và quản lý đất nước hiện nay. Công việc này đòi hỏi phải có những đổi mới sâu sắc về nhận thức và thực hiện nhiều giải pháp trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi cán bộ, nhân dân. Thực hiện đồng bộ một số giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao dân trí pháp lý, xây dựng ý thức tôn trọng thực hiện pháp luật, đảm bảo cho vai trò quản lý xã hội bằng pháp luật của nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Ma Thị Hồng Minh
Giảng viên Phòng QLĐT&NCKH