Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển của thương mại điện tử trong giao dịch, mua bán hàng hóa; tỉnh Thái Nguyên đã làm tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các hoạt động:
1. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2022 về việc triển khai Quyết định số 1157/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các văn bản liên quan nhằm nâng cao vai trò, ý nghĩa của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Việc tuyên truyền, phổ biến thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức và lồng ghép tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các cuộc họp, các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn, các buổi quán triệt văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Tuyên truyền về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên các website, fanpage, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh; Phát hành sách, diễu hành, treo băng rôn, khẩu hiệu các nội dung thông tin, tuyên truyền trực tiếp, trực tuyến.
Các nội dung tuyên truyền đa dạng, có sự đổi mới như: Cam kết không buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng kém chất lượng và không thực hiện các hành vi gian lận thương mại khác trong kinh doanh. Các hoạt động đã góp phần tích cực trong tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh.
2. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Tỉnh Thái Nguyên thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ sở dữ liệu, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, các hoạt động đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, giải quyết nhanh chóng, xác minh, làm rõ và kịp thời xử lý đúng quy định, góp phần răn đe, phòng ngừa vi phạm. Các ngành, đơn vị chức năng từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã chủ động xây dựng các kế hoạch kiểm tra định kỳ theo chức năng, nhiệm vụ, đã phối hợp kiểm tra định kỳ, đột xuất với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động thương mại, đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, các hành vi gian lận thương mại, hàng hóa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hoạt động hành nghề y dược, dịch vụ ăn uống..., đặc biệt tập trung vào thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán và các đợt cao điểm trong năm.
3. Phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và người dân
Các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cá nhân đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hoàn thiện và kết nối các hệ thống tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn lao động, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền tới hội viên, đoàn viên nhằm tạo môi trường hoạt động lành mạnh, đồng thời gắn trách nhiệm của các tổ chức, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm, tạo đà, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà sản xuất.
Các tổ chức xã hội, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đã tích cực tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thông qua việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Nhiều dịch vụ hỗ trợ người tiêu dùng đã được triển khai, bao gồm các hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý và các kênh thông tin phản ánh, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và bảo vệ quyền lợi của mình.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã có chuyển biến tích cực trong việc nâng cao trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật, trách nhiệm xã hội trong đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; công tác tuyên truyền, động viên, khuyến khích, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì quyền lợi người tiêu dùng đối với các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được quan tâm, đặc biệt chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Với vai trò là chủ thể trực tiếp cung cấp các sản phẩm cho người tiêu dùng, trong thời gian qua nhận thức và hành động của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét, thể hiện tính chủ động, trách nhiệm trong việc thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ, thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, thu hồi hàng hóa khuyết tật (do từ khâu thiết kế, sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu trữ ...), tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, chung tay cùng các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao trách nhiệm vì quyền lợi của người tiêu dùng.
Thời gian qua, các hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử tại Thái Nguyên đã có sự gia tăng mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin để mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả hơn. Việc sử dụng các trang mạng xã hội và website bán hàng không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu mà còn tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn sản phẩm và dịch vụ. Để thúc đẩy, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có các hoạt động kinh doanh trong việc tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là trong giao dịch thương mại điện tử, giao dịch trên không gian mạng, nền tảng số, các đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp đa dạng, sáng tạo nhằm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp như thực hiện các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, người lao động của khối doanh nghiệp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đẩy mạnh công tác truyền thông để người tiêu dùng nâng cao hiểu biết và tự bảo vệ mình.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc tuyên truyền cũng như triển khai thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như:
- Công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh còn hạn chế. Số lượng vụ việc khiếu nại đã có sự gia tăng đáng kể, song chưa phản ánh chính xác tình trạng vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời vẫn còn số lượng lớn người tiêu dùng chưa chủ động, chưa có ý thức trong việc thực hiện quyền khiếu nại của người tiêu dùng khiến cho hiệu quả công tác tiếp nhận và giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
- Ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, người tiêu dùng còn có tâm lý dễ dãi trong lựa chọn mua hàng, chuộng hàng rẻ, còn e ngại thực hiện quyền khiếu nại khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo với tâm lý chung là sản phẩm có giá trị không lớn trong khi khiếu nại sẽ mất thời gian, công sức và liên quan đến các cơ quan chức năng; Một số doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận trước mắt nên đã có hành vi phạm quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp…, gây ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
- Một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử kinh doanh những sản phẩm không đảm bảo chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, quảng cáo sai sự thật, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể, rõ ràng hoặc không có hóa đơn, chứng từ...gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xác minh, xử lý. Những vi phạm về quyền và lợi ích của người tiêu dùng tuy đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn, các đoàn thể, tổ chức xã hội và công luận lên án, song vẫn chưa đủ để hạn chế đẩy lùi.
- Tại các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã không có chỉ tiêu biên chế cán bộ, công chức làm công tác Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay các tổ chức xã hội tham gia hòa giải đặc thù riêng; hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thực sự thiết thực.
Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới, cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường, tập trung cao điểm trong đợt triển khai Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (ngày 15 tháng 3 hàng năm). Chỉ đạo, tuyên truyền nhận thức công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài và là trách nhiệm của chung của toàn xã hội. Đồng thời cần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin về người tiêu dùng; đồng thời họ phải nắm bắt được các quy định pháp luật liên quan đến việc tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Thứ hai, thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kịp thời phát hiện các văn bản có nội dung chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đề xuất cấp thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tập quán tiêu dùng của người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng phát triển các hình thức giao dịch thương mại điện tử.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng, tiếp tục duy trì công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng; thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án hoặc kịp thời đề xuất biện pháp ứng phó nhằm ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo năng lực cán bộ, đảng viên làm nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cử cán bộ làm công tác kiêm nhiệm tại cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các tổ chức, doanh nghiệp tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, văn hóa doanh nghiệp tiến bộ và đội ngũ doanh nhân đề cao trách nhiệm xã hội, luôn gắn trách nhiệm thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; nghiêm túc tuân thủ các nghĩa vụ đối với người tiêu dùng, coi đây là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp; công khai quy trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng, tổ chức bộ phận chuyên trách tư vấn, hỗ trợ tiếp nhận và giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng.
Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thực hiện tốt các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng theo thỏa thuận thương mại song phương, đa phương và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.
Minh Phương
Phòng QLĐT&NCKH