Trong giai đoạn hiện nay, việc hiểu đúng, hiểu sâu về tổ chức bộ máy nhà nước, quyền lực nhà nước, mối quan hệ giữa trung ương và địa phương, nguyên tắc phân cấp, phân quyền là điều kiện tiên quyết để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thích ứng nhanh với thay đổi. Không chỉ là kiến thức lý luận, phần học này đang dần trở thành "kim chỉ nam" trong điều hành công vụ, đặc biệt khi cải cách hành chính đang ngày càng đi vào chiều sâu. Chính vì vậy có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, công tác giảng dạy lý luận chính trị nói chung và phần học Nhà nước và pháp luật trong chương trình TCLLCT đang đứng trước những thuận lợi và khó khăn không nhỏ.
* Những thuận lợi:
- Tính thời sự và thực tiễn cao: Việc giảng dạy phần học Nhà nước và pháp luật trở nên gần gũi và sinh động hơn nhờ các chính sách cải cách hiện hành. Người học có thể dễ dàng liên hệ kiến thức lý luận với thực tiễn đang diễn ra tại địa phương, đơn vị mình công tác.
- Điều kiện để đổi mới phương pháp dạy học: Những tình huống thực tế từ quá trình sáp nhập các bộ, ngành, thực hiện chính quyền 02 cấp, sáp nhập tỉnh, xã cung cấp chất liệu phong phú cho các hoạt động dạy học tích cực: thảo luận nhóm, phân tích tình huống, tranh biện vai trò – trách nhiệm – quyền hạn giữa các cấp chính quyền trong bối cảnh mới. Điều này không chỉ tạo hứng thú mà còn giúp học viên hình thành tư duy phản biện, tư duy hệ thống vốn là điều rất cần trong công vụ hiện đại.
- Học viên có động lực trong học tập: Đối tượng học viên chương trình trung cấp lý luận chính trị là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại cơ sở. Họ vừa là người chịu tác động trực tiếp từ cải cách, vừa là người tham gia thực thi. Vì vậy, việc học không chỉ là nghĩa vụ, mà trở thành nhu cầu thực tế để củng cố tư duy, chuẩn bị cho thay đổi tổ chức, vị trí việc làm, đánh giá năng lực theo vị trí.
* Những khó khăn và thách thức:
- Khoảng cách giữa giáo trình và thực tiễn: Một trong những bất cập lớn hiện nay là nội dung tài liệu giảng dạy chưa cập nhật kịp các thay đổi của hệ thống chính trị - hành chính. Giáo trình Trung cấp LLCT được xuất bản từ năm 2021, thực hiện quy định mô hình chính quyền ba cấp ở địa phương, chưa có nội dung riêng về chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, tổ chức bộ máy sau sáp nhập. Điều này khiến giảng viên gặp khó khăn khi giảng dạy, còn học viên thì lúng túng khi tiếp cận.
- Hệ thống pháp luật đang trong quá trình chuyển đổi: Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ công chức, Luật Tổ chức chính phủ… đều đang được điều chỉnh để cụ thể hoá chủ trương của Đảng và thích ứng với thực tế. Tuy nhiên, trong thời điểm "giao thời", nhiều quy định chưa rõ ràng hoặc đang thí điểm, dẫn đến khó khăn trong lựa chọn nội dung đưa vào bài giảng. Không ít giảng viên phải linh hoạt vừa dạy, vừa cập nhật, tìm hiểu, đòi hỏi trình độ tổng hợp và tư duy nhanh nhạy.
- Đòi hỏi cao hơn với giảng viên: Việc giảng dạy không thể chỉ giảng lý thuyết thuần túy. Muốn truyền đạt sinh động, giảng viên phải nắm chắc cả lý luận và thực tiễn, am hiểu thực trạng cải cách ở từng địa phương. Điều này tạo áp lực không nhỏ, đặc biệt với giảng viên trẻ hoặc chưa từng công tác trong hệ thống chính quyền địa phương.
- Trình độ học viên không đồng đều: Tuy cùng một lớp học, nhưng học viên có độ tuổi, trình độ chuyên môn, đến từ các vị trí khác nhau… khiến nền tảng lý luận, kỹ năng, và nhu cầu học tập chênh lệch đáng kể. Việc thiết kế bài giảng phù hợp với nhiều đối tượng học viên là một bài toán khó.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả giảng dạy phần học Nhà nước và pháp luật trong chương trình TCLLCT, đáp ứng yêu cầu trong công cuộc cải cách mạnh mẽ như hiện nay cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, thường xuyên cập nhật, bổ sung tài liệu giảng dạy. Các trường chính trị cần chủ động phối hợp với các cơ quan xây dựng pháp luật, các sở, ban, ngành để cập nhật giáo trình, bổ sung chuyên đề về cải cách hành chính, mô hình chính quyền hai cấp, tổ chức bộ máy sau sáp nhập…
Hai là, cần tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng, tập huấn cập nhật tình hình cải cách tại địa phương cho giảng viên; xây dựng ngân hàng tình huống, tài liệu thực tiễn để hỗ trợ giảng viên linh hoạt triển khai bài giảng.
Ba là, giảng viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp. Đưa vào các phương pháp như nghiên cứu tình huống, diễn đàn mở, phản biện vai trò các cấp chính quyền trong cải cách hành chính, học theo dự án… để phát huy tư duy sáng tạo, vận dụng linh hoạt.
Bốn là, khuyến khích sự tham gia của học viên trong trao đổi, nghiên cứu, thảo luận. Học viên chính là “người trong cuộc” của cải cách. Do đó, cần khuyến khích họ chia sẻ trải nghiệm, phản ánh thực tiễn địa phương mình để làm phong phú bài học, đồng thời tạo cầu nối giữa lý luận và thực tiễn.
Tóm lại, giảng dạy phần học Nhà nước và pháp luật trong chương trình TCLLCT không đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà là quá trình định hình tư duy pháp lý, tư duy cải cách, giúp cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng lực công vụ trong bối cảnh thay đổi toàn diện của hệ thống chính trị. Cải cách tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế không chỉ là bối cảnh mà còn là nội dung phải được lồng ghép, phản ánh và phân tích sâu sắc trong từng bài giảng. Muốn vậy, không chỉ cần sự nỗ lực của từng giảng viên, mà còn cần một cơ chế linh hoạt trong cập nhật giáo trình, hỗ trợ chuyên môn, đổi mới phương pháp. Khi đó, bài giảng không chỉ “đúng” mà còn “trúng”, không chỉ mang tính lý luận mà còn lan tỏa giá trị thực tiễn, góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vững lý luận, giỏi thực hành, sẵn sàng đổi mới vì sự phát triển chung của đất nước.
Hứa Thị Minh Hồng
GVC phòng TC,HC,TT,TL