C.Mác – nhà tư tưởng vĩ đại và trách nhiệm của giảng viên lý luận chính trị trong thời đại mới

Thứ hai - 05/05/2025 03:20
Ngày 5 tháng 5 năm 2025 đánh dấu 207 năm ngày sinh của Karl Marx (C.Mác), nhà tư tưởng vĩ đại, người đã đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội khoa học và phong trào cách mạng vô sản toàn thế giới. C.Mác cùng Ph. Ăngghen xây dựng nên hệ thống lý luận cách mạng và khoa học, là kim chỉ nam, vũ khí sắc bén, soi sáng sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột.
1. C.Mác– Nhà tư tưởng vĩ đại với những đóng góp vạch thời đại
C Mác đã để lại cho nhân loại nhiều công trình nghiên cứu đồ sộ có giá trị to lớn, trong đó có ba phát kiến vĩ đại nhất, đó là Triết học Mác-xít, Kinh tế chính trị Mác-xít và Chủ nghĩa xã hội khoa học.
Thứ nhất, C.Mác đã sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, vạch ra quy luật phát triển của xã hội loài người
Chủ nghĩa duy vật lịch sử,  đó là việc tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người hay nói cách khác là xây dựng quan niệm duy vật về lịch sử qua các thời kì lịch sử, mà bản chất của quy luật đó là cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng của xã hội. Điều này rất khoa học và tiến bộ trái ngược hẳn với các quan niệm sai lầm trước đó. C. Mác đã tiến hành phê phán và cải tạo triệt để phép biện chứng duy tâm của Hê-ghen và chủ nghĩa duy vật siêu hình của Foi-ơ-bắc ở thế kỷ XIX.
Nhờ giải quyết đúng đắn vấn đề cơ bản của triết học, C. Mác đã xây dựng nên một chủ nghĩa duy vật biện chứng thống nhất với phép biện chứng duy vật. Ông khẳng định rằng, lịch sử chính là lịch sử hoạt động của những con người hiện thực, nó không phải là thần bí, tự phát mà hoàn toàn có thể nhận thức được.
Thứ hai, C.Mác đã phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư - tìm ra quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa của xã hội tư bản
C. Mác đã tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra. Đó là quy luật về giá trị thặng dư, quy luật vận động của phương thức tư bản chủ nghĩa. Theo C. Mác, thì giá trị thặng dư là phần giá trị dôi ra ở sản phẩm so với khoản tiền phải chi phí để tạo ra sản phẩm ấy… Phần giá trị dôi ra ấy là sức lao động của công nhân bị chủ tư bản bóc lột. Từ đó, C.Mác chỉ ra bản chất của giai cấp tư sản là bóc lột sức lao động của giai cấp công nhân để làm giàu. Ông đã mang tới một luồng ánh sáng mới, khai sáng được những thắc mắc của các nhà khoa học, các nhà phê bình xã hội chủ nghĩa. Đây là quy luật tiền đề quan trọng để xây dựng một xã hội công bằng tốt đẹp, không có sự bóc lột.
Thứ ba, C.Mác đã xây dựng học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
C. Mác đã cùng với Ph. Ăngghen xây dựng, đó là lý luận Chủ nghĩa xã hội khoa học. Chủ nghĩa xã hội khoa học là sự kết hợp giữa lí luận và thực tiễn, biến các lí thuyết cách mạng - khoa học thành hành động cách mạng; là những phát kiến khoa học có tác động cách mạng đến công nghiệp, đến sự phát triển lịch sử nói chung. Nhiều vấn đề quan trọng như: sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản, chiến lược và sách lược cách mạng, cách mạng xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản, đường lối và biện pháp xây dựng chế độ cộng sản chủ nghĩa đã được C. Mác kiến giải một cách sâu sắc cùng với những dự báo khoa học về xã hội tương lai. Sự ra đời của học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học của C.Mác đã mở đường cho nhân loại bước vào kỷ nguyên xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
Với ba phát kiến đó, C. Mác đã trở thành một nhà khoa học, một nhà cách mạng lỗi lạc và là người tiên phong trong sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản hiện đại, là “nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong các nhà tư tưởng hiện đại”. Lê nin đã từng khẳng định: “Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là học thuyết hoàn bị và chặt chẽ, nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thoả hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của tư sản”[1].
Có thể khẳng định, hệ thống lý luận thống nhất, hoàn chỉnh gồm ba bộ phận cấu thành là Triết học Mác-xít, Kinh tế chính trị Mác-xít và Chủ nghĩa xã hội khoa học gắn kết chặt chẽ với nhau. Đó là vũ khí lý luận và tư tưởng sắc bén mà giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới đã tìm thấy ở học thuyết của C.Mác và thực hiện trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản, hướng tới một tương lai tươi sáng.
2. Trách nhiệm của giảng viên lý luận chính trị trong thời đại mới
Giảng viên lý luận chính trị có vai trò quan trọng trong việc truyền đạt, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng và đạo đức cho cán bộ, đảng viên, sinh viên và nhân dân.  Họ giúp hình thành và củng cố lập trường, quan điểm đúng đắn về các vấn đề chính trị, xã hội, góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng vững chắc cho cán bộ, dảng viên và thế hệ trẻ trong công cuộc phát triển đất nước. Trong thời đại mới, trách nhiệm của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị cần tập trung vào thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Một là, bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng – trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin
C. Mác khẳng định rằng: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó xâm nhập vào quần chúng”[2] . Điều đó cho thấy, tư tưởng chỉ trở thành sức mạnh vật chất khi nó thâm nhập vào quần chúng. Giảng viên lý luận chính trị có trách nhiệm làm cho những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin trở nên gần gũi, dễ hiểu, thấm sâu vào nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh nhiều quan điểm sai trái, xuyên tạc tràn lan trên không gian mạng, giảng viên chính là người giữ vững “trận địa tư tưởng”, phản bác hiệu quả các quan điểm chống phá, bảo vệ chân lý cách mạng, truyền cảm hứng lý tưởng cộng sản và niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Hai là, kết hợp lý luận với thực tiễn – thể hiện đúng tinh thần biện chứng duy vật của Mác
Một trong những đóng góp lớn nhất của C. Mác là việc phát triển phép biện chứng duy vật – coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Giảng viên lý luận chính trị cần tránh dạy lý luận suông, xa rời cuộc sống. Trái lại, phải biết vận dụng linh hoạt kiến thức lý luận vào các vấn đề cụ thể ở địa phương, gắn với những nội dung như: Xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số trong quản trị địa phương,  phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội vùng dân tộc, tôn giáo... Việc gắn lý luận với thực tiễn là biểu hiện sống động của nguyên lý: “Lý luận trở thành lực lượng vật chất khi nó được quần chúng tiếp thu”
Ba là, góp phần đào tạo con người toàn diện – theo quan điểm con người vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của lịch sử
C. Mác nhấn mạnh: “Bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng cố hữu trong cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”[3] . Từ đó cho thấy, giáo dục lý luận không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn hình thành tư tưởng, đạo đức và bản lĩnh cho học viên. Giảng viên giảng dạy lý luận chính trị có trách nhiệm đào tạo đội ngũ cán bộ vừa có tri thức, vừa có phẩm chất, góp phần xây dựng “con người mới xã hội chủ nghĩa” có lý tưởng sống vì cộng đồng. Đồng thời truyền cảm hứng dấn thân, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ.
Bốn là, đấu tranh xóa bỏ các hình thái ý thức lỗi thời – giữ vai trò người tiên phong trong giáo dục chính trị
Mác từng phê phán các quan niệm giáo điều, coi giáo dục chỉ là công cụ bảo tồn trật tự cũ. Giảng viên lý luận chính trị thời nay không thể dừng ở việc giảng lại giáo trình, mà cần chủ động cập nhật tình hình mới, chính sách mới. Phân tích các mâu thuẫn thực tiễn nảy sinh trong quản lý địa phương. Gợi mở tư duy phản biện, đấu tranh với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Dẫn dắt học viên nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của người cán bộ trong thời đại chuyển đổi sâu sắc
Năm là, phát huy vai trò nhà giáo – nhà nghiên cứu – chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng
C. Mác không chỉ là nhà tư tưởng mà còn là một nhà hoạt động thực tiễn. Do đó, giảng viên lý luận chính trị cũng cần học theo tinh thần đó.  Mỗi giảng viên không chỉ giảng dạy, mà còn nghiên cứu, viết bài, tham luận, đề xuất giải pháp cho  thực tiễn,  không chỉ truyền đạt, mà còn truyền cảm hứng hành động cách mạng,  không chỉ trung thành với lý luận, mà còn phát triển lý luận trên nền tảng hiện thực mới.
Tư tưởng C. Mác là nền tảng tư tưởng vững chắc, là kim chỉ nam cho sự nghiệp giáo dục lý luận chính trị ở nước ta. Trong bối cảnh đất nước đang đổi mới mạnh mẽ, vai trò và trách nhiệm của giảng viên lý luận chính trị, đặc biệt ở cấp tỉnh, ngày càng trở nên quan trọng và nặng nề hơn. Không chỉ truyền đạt kiến thức, giảng viên còn phải là người giữ gìn, lan tỏa và hiện thực hóa giá trị lý luận vào trong thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở. Mỗi bài giảng lý luận phải trở thành một công cụ dẫn dắt nhận thức, hun đúc niềm tin, xây dựng bản lĩnh chính trị và khơi dậy tinh thần phụng sự nhân dân. Qua đó, giảng viên không chỉ là người dạy học, mà còn là người góp phần bồi dưỡng những người làm nên lịch sử, đúng như quan điểm sâu sắc của Mác về vai trò chủ thể của con người trong quá trình cách mạng xã hội. Phát huy tinh thần C. Mác trong giáo dục lý luận chính trị chính là cách thiết thực để góp phần vào sự nghiệp xây dựng Đảng, củng cố niềm tin, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới.
Tài liệu tham khảo
1. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, t.23, tr.50
2. PGS.TS. Lê Minh Quân, Tư tưởng chính trị của C. Mác, Ph. Ăngghen, V. I. Lênin và Hồ Chí Minh, Nxb CTQGST,  2018
3. TS. Nguyễn Thị Thu Hằng, Quản lý đào tạo giảng viên lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học hiện nay, Nxb CTQGHN, 2019
4. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980,
5. Nguyễn Văn Thắng  (2023). Vai trò của giảng viên lý luận chính trị trong đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. Tạp chí Cộng sản.
 
[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, t.23, tr.50
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen (1995),Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.1, tr. 580.
[3] C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tập 3, 1995, tr.11
Nguyễn Thành Chung
GVC khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập67
  • Hôm nay21,342
  • Tháng hiện tại357,502
  • Tổng lượt truy cập24,691,385
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây