Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, giảng viên Trường Chính trị tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII

Thứ hai - 12/05/2025 20:56
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 03 đến ngày 09/10/2022, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ sáu đã thảo luận và thống nhất thông qua: Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, thông qua nội dung cơ bản các kết luận về kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước ba năm 2023-2025; phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2023; Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII với nhiều nội dung quan trọng trong đó với công tác xây dựng Đảng, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đã xác định rõ, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra là phải phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Ngày nay, khi Đảng cầm quyền, tấm gương liêm khiết, phục vụ Nhân dân tận tụy của các tổ chức đảng, đảng viên nhất là trong các cơ quan Nhà nước vẫn là yếu tố có sức thuyết phục cao nhất để làm nên uy tín của Đảng. Vì vậy, tổ chức đảng và các đảng viên phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, đồng thời phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối và các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Bàn về vấn đề nêu gương, ngay từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu khẳng định: “Ở Phương Đông một tấm gương sống còn giá trị hơn hằng trăm bài diễn văn tuyên truyền” ý muốn nói rằng, sự nêu gương của mỗi người chính là những “bằng chứng” rõ nét nhất để tuyên truyền, để làm gương và lan tỏa tới mọi người. Người yêu cầu: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng… Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo. Chính vì vậy, “nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”
Việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi lẽ Đảng lãnh đạo bằng hành động gương mẫu của đảng viên, coi đó là một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo bằng tấm gương của đội ngũ đảng viên, là sự lãnh đạo bền vững nhất, thuyết phục nhất trong suốt quá trình từ khi Đảng ra đời cho đến nay, đặc biệt là những tấm gương hi sinh của đảng viên trong cách mạng giải phóng dân tộc. Như vậy, nêu gương hay gương mẫu có cùng nội hàm, và sự gương mẫu hay hành động nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên sẽ góp phần làm nên uy tín của Đảng, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, muốn nêu gương tốt thì cần phải có đạo đức tốt, bởi lẽ nếu bản thân chưa thực hiện tốt thì không thể nêu gương cho người khác học tập được, như vậy thì sẽ không có sức thuyết phục đối với người khác. Bởi vậy, để nêu gương tốt, bản thân mỗi cán bộ đảng viên cần phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo; phải thực sự cầu thị, không được chủ quan, phải luôn chăm lo đến đời sống Nhân dân, có tinh thần “chí công vô tư”, vì cái chung.
Để thực hiện tốt Nghị quyết số 28 (ngày 17/11/2022) Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới, trong nội dung bài viết này, tác giả đưa ra một số giải pháp để mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên trường Chính trị thực hiện tốt một số nội dung như sau:
Thứ nhất: Nâng cao trách nhiệm và nhận thức của cán bộ, đảng viên, giảng viên về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc thực hành nêu gương.
Để làm tốt trách nhiệm nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải nhận thức rõ vai trò của nêu gương và nêu gương như thế nào. Là cán bộ, đảng viên trước hết mỗi người phải hiểu sâu, nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ sự hiểu biết đó, mỗi người cần nêu gương trong thực hiện đúng, thực hiện tốt, phát huy tinh thần và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên. Bản thân mỗi người thực hiện tốt việc nêu gương thì mới có tác dụng làm gương trước quần chúng Nhân dân.
Để thực hiện theo tấm gương đạo đức, cũng như tác phong làm việc “nêu gương” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ lãnh đạo quản lý, cần nêu tấm gương về đạo đức, lối sống lành mạnh, phải là những chiến sĩ đi đầu trong việc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, không chỉ trong xã hội, trong công việc được giao mà còn cần phải thực hiện nêu gương thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi trong khu phố, gia đình riêng, nhất là “nói đi đôi với làm”.
Với mỗi giảng viên, với nhiệm vụ được giao trong việc giảng dạy lý luận chính trị, thực hiện phương thức nêu gương “Nói đi đôi với làm” theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII đề ra đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải: “Nói và làm” phải đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không được thêm bớt, hay nói sai sự thật. Mỗi bài giảng cần phải đảm bảo yếu tố tính Đảng, khoa học, chân thực, có gắn lý luận với thực tiễn để chứng minh và làm rõ những nội dung liên quan để củng cố về niềm tin và lập trường tư tưởng cho người học. Muốn vậy, mỗi giảng viên phải không ngừng trau dồi và rèn luyện nghiệp vụ, nâng cao và cập nhật tri thức mới cho bản thân, nghiên cứu tìm hiểu tài liệu liên quan tới nội dung được phân công giảng dạy để có cách tiếp cận tốt nhất.
Thứ hai: Thực hành nêu gương về phong cách lề lối làm việc còn thể hiện ở việc tích cực và nghiêm túc thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW  ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đẩy mạnh công tác nghiên cứu thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là những mô hình hay, cách làm mới.
Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới thực sự là “cẩm nang” quan trọng của cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đối với mỗi giảng viên Trường Chính trị việc vận dụng Quy định số 144-QĐ/TW trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, rèn luyện đạo đức, lối sống là yêu cầu cần thiết, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Nhà trường đáp ứng yêu cầu về trường Chính trị chuẩn hiện nay.
Với mỗi giảng viên trường chính trị, thực hành nêu gương, nói đi đôi với làm còn thể hiện ở việc thực hiện nghiêm Quy chế về kỷ luật phát ngôn đối với cán bộ, đảng viên. Nghiêm túc thực hiện việc “nói đi đôi với làm”, tránh “nói một đằng làm một nẻo”, phải nêu gương trước đồng nghiệp, trước học viên, trước Nhân dân, muốn nêu gương tốt thì bản thân phải là những người có đạo đức, nghiêm túc trong lời nói và hành động của mình. Kiên quyết khắc phục tình trạng nói, hứa mà không làm. Làm ở đây chính là nêu gương bằng hành động, bằng hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên cần nêu gương ở mục đích sống, sự tận tụy, cống hiến; nêu gương ở thái độ tôn trọng mọi người, đức tính khiêm tốn; nêu gương trong thực hành đoàn kết, nêu cao tinh thần dân chủ; nêu gương về phương pháp, cách thức làm việc; nêu gương về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nêu gương trong ứng xử văn hóa, khoan dung…
Tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nội dung đặc biệt quan trọng đối với đội ngũ giảng viên Nhà trường, trong đó, vận dụng Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới về nội dung đổi mới phong cách học tập, nghiên cứu lý luận là yêu cầu cần thiết, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên. Bên cạnh đó, đối với mỗi giảng viên trường Đảng, ngoài nhiệm vụ chuyên môn giảng dạy, cần phải tích cực nghiên cứu thực tế, nghiên cứu lý luận góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mỗi giảng viên cần tự “trang bị” cho mình cho mình lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc...đây là sự nêu gương về bản lĩnh chính trị, kiên quyết đấu tranh với những luận điểm xuyên tạc, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ ba: Mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên trường chính trị tỉnh cần tham gia tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, lan tỏa các giá trị đạo đức, tinh thần yêu nước và trách nhiệm xã hội đến cộng đồng.
 Phong trào thi đua yêu nước nhằm khơi dậy, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường trong mỗi người dân trước vận mệnh của đất nước. Chính vì vậy, là người cán bộ, đảng viên cần phải có trách nhiệm tham gia tích cực vào phong trào thi đua yêu nước, phát huy mọi nguồn lực. Bên cạnh đó, ở một khía cạnh khác, việc nêu gương cũng đòi hỏi cán bộ phải giữ vững sự liêm chính và trung thực, phải tuân thủ nghiêm các quy tắc đạo đức, kỷ luật công tác, từ đó giảm thiểu các hành vi tham nhũng, lạm quyền. Điều này góp phần làm nên uy tín của người đảng viên và làm nên uy tín của Đảng.
Tại Thái Nguyên nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động sâu rộng, ngoài các phong trào thi đua cùng cả nước, tỉnh cũng phát động một số phong trào thi đua như: “Phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và Kế hoạch 05 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX”. Tại Trường Chính trị, Ban Giám hiệu nhà trường đã cụ thể hóa sâu sắc tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các văn bản hướng dẫn của các cấp về công tác thi đua đối với từng khoa. Tiếp tục hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025 do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát động, phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025. Với các phong trào thi đua sôi nổi, mỗi cán bộ, đảng viên nhà trường cần tham gia tích cực bằng những sản phẩm cụ thể từ vị trí việc làm của mình, góp phần vào công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ tỉnh nhà.
Để thực hiện theo tấm gương đạo đức, cũng như tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII đã tách nội dung nêu gương thành một phương thức cần phải thực hiện. Có thể thấy, nêu gương là một phương thức lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng Cương lĩnh, đường lối, công tác cán bộ, công tác kiểm tra và bằng sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên. Nhiều cán bộ, đảng viên nêu gương sẽ góp phần xây dựng nhiều tổ chức đảng nêu gương. Nhiều tổ chức đảng nêu gương sẽ xây dựng nên một Đảng nêu gương, để Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh, xứng tầm vị thế lãnh đạo đất nước, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân. Khi cán bộ, đảng viên nêu gương, uy tín và hình ảnh của Đảng sẽ được củng cố, các giá trị tích cực được lan tỏa, từ đó tạo động lực để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra. Trong đó, nhiệm vụ của năm 2025 là “về đích” hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, qua đó tạo tiền đề quan trọng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “vươn mình” của dân tộc./.

Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, tập 5, 8, 10.
2. Tulieuvankien.dangcongsan.vn: Hội nghị BCH Trung ương - Tư liệu văn kiện Đảng.
3. Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền Thông - Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (số tháng 07/2024).
ThS Bùi Thanh Thảo
Khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập100
  • Hôm nay14,781
  • Tháng hiện tại470,062
  • Tổng lượt truy cập24,803,945
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây