Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đấu tranh ngoại giao là một trong ba mặt trận của nhân dân Việt Nam, bên cạnh đấu tranh quân sự và chính trị, trong đó “đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao”
[1]. Trong lịch sử đấu tranh của nhân dân ta, chưa bao giờ có cuộc đàm phán dài như tại Hội nghị Paris: 4 năm, 8 tháng, 14 ngày (từ 15/3/1968 đến 27/01/1973), với 202 phiên họp công khai và 24 đợt gặp riêng, 500 buổi họp báo, gần 1000 cuộc phỏng vấn. “ Đây thực sự là cuộc đấu tranh vô cùng gay go, phức tạp, đầy kịch tính trên mặt trận ngoại giao của cách mạng Việt Nam, cuối cùng đã đi đến thắng lợi, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của dân tộc.
[2]
Về ý nghĩa của Hiệp định Paris, Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 đã đưa ra kết luận: “Đối với ta, điều quan trọng nhất của Hiệp định Paris không phải ở chỗ thừa nhận hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát, tiến tới thành lập chính phủ ba thành phần, mà mấu chốt là ở chỗ quân Mỹ phải ra đi còn quân ta thì ở lại, hành lang Nam – Bắc vẫn nối liền, hậu phương gắn liền với tiền tuyến thành một dải liên kết thống nhất; thế trận tiến công của ta vẫn vững”.
[3]
Trước thắng lợi to lớn này của nhân dân Việt Nam, hàng chục quốc gia và các tổ chức đã gửi điện mừng đến nhà nước và nhân dân Việt Nam. Trong bức điện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Malaysia có đoạn viết: “Hiện nay, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới. Chúng tôi tin chắc chắn rằng nhân dân Việt Nam anh hùng nhất định sẽ đánh thắng mọi âm mưu, quỷ kế của bọn phản động trong nước và ngoài nước, khắc phục mọi trở ngại trên con đường tiến lên, thực hiện thống nhất và giải phóng Tổ quốc, xây dựng nước Việt Nam mới thực sự độc lập và phồn vinh”.
[4]
Có thể thấy, Hiệp định Paris được ký kết đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Bởi đây không chỉ là cuộc đấu tranh ngoại giao lâu dài nhất, cam go nhất trong lịch sử của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh mà còn là thắng lợi của một nước nhỏ trước một đối thủ vô cùng hùng mạnh. Chiến thắng đó đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trên thế giới.
Trải qua hơn 20 năm đầu của thế kỷ XXI, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, những bài học kinh nghiệm quý báu từ trong Hiệp định Paris vẫn còn vẹn nguyên giá trị thời đại. Từ đó, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quan trọng và vận dụng vào việc xử lý các vấn đề đối ngoại trong giai đoạn hiện nay như:
Thứ nhất, luôn kiên định đường lối, chiến lược mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Trong suốt quá trình đàm phán, Bộ Chính trị đã luôn theo dõi và chỉ đạo sát sao cả về chiến lược và sách lược đối với hai đoàn đàm phán để đi đến thắng lợi cuối cùng. Chủ trương nhất quán mà Đảng Cộng sản Việt Nam xác định cho đoàn đàm phán của ta tại Hội nghị Paris là không chấp nhận mặc cả kiểu “có đi có lại” với Mỹ, phía ta yêu cầu Mỹ phải chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc thì ta mới nói đến chuyện thương lượng hoà bình, Mỹ và đồng minh của Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam, không chấp nhận yêu sách rút quân đội miền Bắc trở về bên kia giới tuyến. Chính sự kiên định, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng mà đối phương dù tìm đủ trăm mưu, ngàn kế cũng không thể làm lung lay ý chí, quyết tâm của hai phái đoàn ngoại giao trong gần 5 năm đấu trí với đối phương trên bàn đàm phán.
Công tác đối ngoại hiện nay được triển khai sôi động với sự tham gia của các cơ quan Đảng Nhà nước, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân từ Trung ương đến địa phương, của các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế. Tình hình đó đòi hỏi phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động đối ngoại từ đó tạo thành sức mạnh tổng hợp trên lĩnh vực công tác đối ngoại, làm cho thế giới hiểu rõ hơn đất nước, con người, công cuộc đổi mới của Việt Nam, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và hợp tác ngày càng rộng rãi của thế giới.
Thứ hai, giữ vững các nguyên tắc trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giải quyết vấn đề chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt ở biển Đông.
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của chúng ta. Phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt. Đối với Người: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Nước ta là một, dân tộc ta là một”; “miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”
[5] là cái bất biến. Để thực hiện được cái bất biến ấy, trong những tình thế hiểm nghèo, gian nan thử thách, người cách mạng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, dũng cảm, sáng suốt và mưu lược để áp dụng muôn vàn cái “vạn biến” trong đường đi nước bước mà hoàn cảnh đặt ra và đòi hỏi phải giải quyết. Do đó, trước thách thức khắc nghiệt của thời cuộc, giữ vững độc lập tự chủ trong chiến lược, sách lược đối ngoại tiếp tục là “cây gậy thần” để chúng ta ứng phó hiệu quả trong mọi mối quan hệ với bên ngoài.
Việt Nam và Mỹ đến Hội nghị Paris với những mục tiêu và phương pháp đàm phán đối lập nhau sâu sắc. Việt Nam đến Paris nhằm yêu cầu Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội Mỹ và các đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền tay sai của Mỹ. Do so sánh lực lượng và thế trận trên chiến trường, địch mạnh, ta yếu, ta phải trường kỳ kháng chiến nên yêu cầu chủ yếu của ta là dùng đàm phán để tranh thủ dư luận, phục vụ chiến trường, tập hợp lực lượng quốc tế, gây khó khăn cho đối phương ở cả trong nước họ và trên thế giới. Bởi vậy, nội dung chủ yếu của ta là lên án chiến tranh xâm lược, tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ, yêu cầu Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân mà không được đòi hỏi điều kiện gì - là nguyên tắc bất biến.
Hiện nay, trong vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, chúng ta cũng đã giữ vững quan điểm Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi ở biển Đông, trong đó có các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và điều đó là “bất biến”. Tuy nhiên, trong từng điều kiện cụ thể, chúng ta có thể linh hoạt thực hiện các biện pháp đấu tranh, bảo vệ chủ quyền sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế và điều kiện thực tế của đất nước. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, hiện nay trong bất kì tình huống nào, việc giữ vững độc lập, tự chủ, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mãi mãi là nguyên tắc bất di bất dịch.
Thứ ba, kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Thắng lợi của Hiệp định Paris đã để lại cho nhân dân ta thêm một bài học kinh nghiệm hết sức quý báu đó là tuy phải tự lực cánh sinh, dựa vào chính ý chí sức mạnh của dân tộc mình là chủ yếu nhưng cũng phải biết tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và nhân dân tiến bộ trên thế giới trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Trong điều kiện sự liên kết giữa các quốc gia ngày càng chặt chẽ hơn thì vừa hợp tác vừa đấu tranh kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình nhưng vẫn kiên trì giải quyết các mâu thuẫn, các vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; thông qua đàm phán, thương lượng, nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế. Cần phải tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và các hoạt động kinh tế biển của nước ta. Tuy nhiên, sự ủng hộ đó chỉ trở thành sức mạnh vật chất thực sự khi kết hợp với các sức mạnh khác từ nội lực của chúng ta, như về chính trị, kinh tế, ngoại giao, kể cả sức mạnh quốc phòng.
Thứ tư, phải luôn biết phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, ý Đảng lòng dân tạo thành khối thống nhất, khó khăn nào cũng vượt qua.
Trong Hội nghị Paris, hoà chung với quyết tâm của Đảng là sự đoàn kết và ý chí của toàn dân, toàn quân nhằm đạt đến thắng lợi cuối cùng. Điều đó đã giúp dân tộc ta chiến thắng ở các chiến dịch, trận đánh cụ thể như Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (1971), Chiến dịch Xuân – Hè 1972... Nếu không có sức mạnh đoàn kết làm nên các chiến thắng đó thì Mỹ không bao giờ chịu ngồi vào bàn đàm phán, hoặc không bao giờ từ bỏ các yêu sách phi lý của mình. Trong đó, thắng lợi ở trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 đã đập tan hoàn toàn ý chí xâm lược của Mỹ và buộc Mỹ phải đàm phán cũng như chấp nhận các đề nghị của Việt Nam. Đây là bài học đã được Đảng kế thừa từ quá khứ, nay còn nguyên giá trị lịch sử, nhất là trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc hiện nay là: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc;... Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”
[6].
Hiệp định Paris về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Với Hiệp định Paris ta đã “đánh cho Mỹ cút”, đó là thắng lợi lịch sử quan trọng tạo thời cơ thuận lợi để nhân dân ta tiến lên đánh cho “ngụy nhào”. Sự kiện này đánh dấu sự chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta. Lần đầu tiên sau hơn một thế kỉ đất nước ta sạch bóng quân đội xâm lược nước ngoài, ghi thêm một chiến công hiển hách nữa vào truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc; thắng lợi đó cũng đồng thời nâng dân tộc Việt Nam lên ngang tầm với các dân tộc đi tiên phong trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân.
Cội nguồn của thắng lợi Hội nghị Paris là tinh thần quyết chiến quyết thắng, là ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ cho chân lý, giành độc lập tự do của cả dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh này phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hội nghị Paris và Hiệp định Paris mãi mãi đi vào trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh nói riêng như một dấu son không bao giờ phai mờ.
[7]
Tài liệu tham khảo: