Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận được tăng cường; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân có nhiều đổi mới, sáng tạo; việc chăm lo lợi ích của người dân ngày càng được quan tâm. Từ 2021 đến nay, Tỉnh ủy đã chỉ đạo quán triệt, triển khai và tiến hành sơ, tổng kết 30 văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, định kỳ với Nhân dân được 1.039 cuộc.
Phương thức lãnh đạo và công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân có nhiều đổi mới; quan tâm ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo mọi mặt đời sống của Nhân dân. Phát huy việc ứng dụng chuyển đổi số, kịp thời đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về vị trí, vai trò, trách nhiệm trong thực hiện công tác dân vận. Hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp được tăng cường.
Chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước được nâng lên; việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày càng đi vào nền nếp và đem lại hiệu quả rõ nét. Các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả dân chủ ở cơ sở, trong 05 năm (2021-2025) đã tổ chức 192 cuộc kiểm tra, giám sát, khảo sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện đúng quy định.
Công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo được coi trọng; quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo được tăng cường; việc đấu tranh phòng chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch được đẩy mạnh, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ năm 2021 đến nay, các cơ quan, địa phương tổ chức trên 1.100 hội nghị tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho trên 177.000 lượt cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong đồng bào DTTS, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và đồng bào vùng DTTS, miền núi trên địa bàn tỉnh. Công tác xây dựng hệ thống chính trị và củng cố tổ chức cơ sở đảng ở vùng đồng bào có đạo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh quan tâm. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 581 đảng viên theo tôn giáo, trong đó có 14 đảng viên tham gia cấp ủy các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025; 55 đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là người theo tôn giáo; 152 chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2019 - 2024. Toàn tỉnh có 23.637 đảng viên người DTTS; 1.403 người DTTS là đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tính đến hết năm 2024 là 8.636 người; số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được bầu cử, bổ nhiệm, phê chuẩn là 1.733 người
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả; nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo. Toàn tỉnh xây dựng được 2.483 mô hình “dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Nhiều mô hình, điển hình “dân vận khéo” có tính lan tỏa cao trong cộng đồng, góp phần thiết thực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới. Hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đoàn viên, hội viên và Nhân dân để kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập ngay từ cơ sở được tăng cường. Từ năm 2022 đến nay, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức 06 cuộc tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, hội viên, đoàn viên.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Ủy ban Mặt trân Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được cấp ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện.. Trong 05 năm, Ủy ban Mặt trân Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh đã giám sát 55 chuyên đề, phản biện xã hội 23 dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh; cấp huyện giám sát 237 chuyên đề, phản biện xã hội 45 dự thảo văn bản; cấp xã giám sát 1.231 chuyên đề, phản biện xã hội 407 dự thảo văn bản. Qua đó đã đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung quan trọng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm góp phần thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư có nhiều đổi mới trong các hoạt động đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp được quan tâm thực hiện thường xuyên. Việc quy hoạch và kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ được thực hiện theo quy định; trình độ, năng lực của cán bộ ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác vận động quần chúng trong tình hình mới. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận được coi trọng. Từ 2021 đến 2024, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chỉ đạo, phối hợp tổ chức 26 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận cho 3.060 đối tượng là cán bộ làm công tác dân vận cơ sở.
Công tác phối hợp thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Duy trì nền nếp chế độ giao ban, làm việc định kỳ giữa thường trực cấp ủy với ban dân vận, chính quyền, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về tình hình Nhân dân và công tác dân vận. Tổ chức ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận; ban hành Quy chế phối hợp công tác dân vận...
Sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định như:
Một số cấp uỷ, chính quyền ở cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện Đề án 05-ĐA/TU có nội dung còn chung chung, chưa sát với tình hình thực tế của địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận trong cơ quan nhà nước ở một số ít địa phương, đơn vị chưa được quan tâm thường xuyên; tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân của một số ít cán bộ, công chức, viên chức còn chưa thực sự chuyển biến. Công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của một số hội quần chúng chưa chặt chẽ, nhất là việc quản lý, tổ chức hoạt động hội theo ngành, lĩnh vực chuyên môn liên quan và quản lý hoạt động của các hội sau khi cấp phép thành lập. Công tác phát triển đảng viên là tín đồ các tôn giáo ở một số địa phương chưa đảm bảo về số lượng so với kế hoạch đề ra.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025”, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Đảng về công tác dân vận gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Thực hiện có hiệu quả Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tổ chức các hoạt động tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân; giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân ngay từ cơ sở, không để xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, vượt cấp, trở thành “điểm nóng”.
2. Đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp trong tình hình mới; Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 07/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
3. Nắm chắc tình hình dân tộc, tôn giáo; kịp thời giải quyết các nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tôn giáo theo quy định của pháp luật; thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng đồng bào có đạo; tuyên truyền, đấu tranh với các hoạt động trái pháp luật của các “tà đạo”, tổ chức tự xưng tôn giáo trên địa bàn.
4. Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đa dạng hóa các hình thức và phương thức tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động hướng mạnh về cơ sở. Thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Chủ động, tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tăng cường đối ngoại nhân dân.
5. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Chú trọng xây dựng, phát triển mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong giải quyết các vấn đề phức tạp, bức xúc nổi cộm; trong cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân.
6. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn về công tác dân vận. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cả hệ thống chính trị và hoạt động của các cơ quan, đơn vị làm công tác dân vận theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tài liệu tham khảo: Báo cáo số 626-BC/TU, ngày 28 tháng 3 năm 2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về Tổng kết việc thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025”.
Lê Viết Chung
GVC Khoa Xây dựng Đảng