Thứ nhất, thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC
Hằng năm, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC trên địa bàn; các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện rà soát, đánh giá TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý theo ngành, lĩnh vực, đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06). Tích cực thực hiện cắt giảm quy định, điều kiện kinh doanh, phân cấp giải quyết TTHC nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; rà soát TTHC được phân cấp, ủy quyền; thực hiện phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống…Qua rà soát, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền ban hành của tỉnh là 11 thủ tục, trong đó, năm 2023 đã thực hiện rà soát và bãi bỏ 01 TTHC, năm 2025 các sở, ngành thuộc tỉnh tiếp tục rà soát, đề xuất bãi bỏ 07 TTHC (02 TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Nội vụ và 05 TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Xây dựng).
Thứ hai, công bố, công khai đầy đủ, kịp thời, chính xác các TTHC
Giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 331 quyết định công bố TTHC/danh mục TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của các sở, ban, ngành của tỉnh với 10.236 TTHC/Danh mục TTHC (công bố mới 5.223 TTHC; bãi bỏ, thay thế 5.031 TTHC). Đến thời điểm ngày 30/5/2025, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh là 1.935 TTHC. Các TTHC sau khi công bố đều được cập nhật, tích hợp, công khai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và được các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức niêm yết đầy đủ tại Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả của cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC, công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của đơn vị. Chỉ đạo các cơ quan có liên quan tổ chức tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh trên Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và đăng tải công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đúng quy định với 277 phản ánh, kiến nghị (trong đó 135 phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, 142 phản ánh, kiến nghị về hành vi hành chính).
Thứ ba, thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC
UBND tỉnh chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất như: phòng làm việc, trang thiết bị, ứng dụng phần mềm một cửa điện tử kết nối Cổng dịch vụ công (DVC) của tỉnh với Cổng DVC quốc gia. Thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành (đất đai, tư pháp…). Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện chuyển giao cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận phần công việc như: hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC; triển khai thanh toán phí, lệ phí TTHC qua QR-Code tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, Bộ phận một cửa các cấp. UBND tỉnh đang chỉ đạo một số sở, ban, ngành thực hiện thí điểm giao doanh nghiệp bưu chính công ích tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.
Giai đoạn 2021-2025, số TTHC thực hiện tại cấp tỉnh là 1.486 TTHC, số TTHC thực hiện tại cấp huyện là 323 TTHC, số TTHC thực hiện tại cấp xã là 126 TTHC, trong đó: Số TTHC do Trung ương quy định là 2.022 TTHC; số TTHC do tỉnh ban hành là 10 TTHC. Số TTHC liên thông cùng cấp là 73 thủ tục, số TTHC liên thông giữa các cấp chính quyền là 59 thủ tục. Từ năm 2021 đến 20/5/2025, tổng số hồ sơ tiếp nhận là 3.641.615 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,72%.
Thứ tư, đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường mạng giúp giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang cung cấp 911 dịch vụ công trực tuyến và được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (trong đó 740 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 171 dịch vụ công trực tuyến một phần). 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của tỉnh. Tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp trên cổng dịch vụ công Quốc gia là 338 DVC (đạt 100%); tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 53%; tỷ lệ TTHC có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 71,5%. Tỷ lệ số hoá hồ sơ đạt 87,15%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 87,4%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt 93,7%. Việc đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường mạng đã và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hoạt động hành chính công của tỉnh Thái Nguyên.
Thứ năm, triển khai có hiệu quả Quyết định 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử
Trên cơ sở kết quả định kỳ hằng tháng trên Công dịch vụ công Quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC và đề xuất, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, góp phần giảm chi phí thực hiện TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Năm 2021, tiếp nhận là 968.107 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,68%; năm 2022, tiếp nhận là 946.181 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,88%; năm 2023, tiếp nhận 711.383 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99,78; năm 2024 tiếp nhận 686.036 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,78%. Từ đầu năm 2025 đến ngày 30/5/2025 tiếp nhận 329.908 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,46%. Kết quả tính đến ngày 20/5/2025 điểm tổng hợp tỉnh Thái Nguyên đạt 87,9/100 điểm; xếp thứ 01/63 tỉnh, thành phố trên bảng xếp hạng.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, giai đoạn 2021-2025 việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại tỉnh Thái Nguyên vẫn còn một số hạn chế tồn tại sau: việc thực hiện các TTHC liên thông còn hạn chế; vẫn còn tình trạng quá hạn trong giải quyết TTHC, hồ sơ trả quá hạn tập trung vào lĩnh vực đất đai, tư pháp, xây dựng... ở cả cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến phát sinh chưa cao; hạ tầng truyền dẫn tại địa bàn vùng sâu, vùng xa chưa đồng bộ, việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân còn gặp nhiều khó khăn; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự thuận lợi cho người dân, tổ chức.
Hiện nay, đứng trước những yêu cầu mới về việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gắn với chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cải cách TTHC không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên mà còn trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và hiệu quả trong quản lý nhà nước. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thực hiện công tác cải cách TTHC, tỉnh Thái Nguyên cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao hiệu quả thực hiện TTHC liên thông và giảm thiểu tình trạng hồ sơ giải quyết quá hạn. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp xử lý quy trình liên thông giữa các đơn vị liên quan, đặc biệt trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, hộ tịch. Nghiên cứu cần xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo tiến độ giải quyết hồ sơ theo thời gian thực. Hệ thống này phải có khả năng tự động thông báo cho cán bộ, lãnh đạo đơn vị khi hồ sơ có nguy cơ trễ hạn. Đồng thời, cần phân tích dữ liệu để xác định “điểm nóng” về hồ sơ trễ hạn nhằm có giải pháp điều chỉnh nhân lực, quy trình phù hợp. Tăng cường kiểm tra đột xuất, thanh tra chuyên đề và áp dụng cơ chế đánh giá, xử lý trách nhiệm rõ ràng nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Hai là, đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Đa dạng hóa phương thức thanh toán điện tử, tích hợp các ví điện tử phổ biến (MoMo, ZaloPay, VNPT Pay) và kết nối với các ngân hàng vào hệ thống dịch vụ công của tỉnh. Triển khai chính sách khuyến khích như miễn, giảm lệ phí cho người dân sử dụng thanh toán trực tuyến. Quan tâm đến người dân vùng sâu, vùng xa nơi hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ thông qua chính sách đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông, mở rộng mạng cáp quang, phủ sóng 4G/5G ổn định. Tiếp tục đầu tư đồng bộ trang thiết bị, phương tiện làm việc tại trung tâm hành chính công cấp xã. Nghiên cứu thành lập các “tổ hỗ trợ sử dụng dịch vụ công” tại cấp xã với nòng cốt là đoàn viên thanh niên, cán bộ công nghệ thông tin trẻ nhằm hướng dẫn, hỗ trợ người dân, đặc biệt là người lớn tuổi tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến một cách hiệu quả.
Ba là, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Từng bước đơn giản hóa các bước đăng ký, đăng nhập, kê khai thông tin và theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ. Đẩy nhanh tiến trình tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia (dân cư, đất đai, bảo hiểm, hộ tịch…) và hệ thống giải quyết TTHC. Điều này giúp người dân không phải khai báo lặp lại thông tin, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và giảm thiểu sai sót. Bổ sung các chức năng mới như: tra cứu tiến độ hồ sơ, gửi thông báo kết quả qua email, điện thoại, đặt lịch hẹn nộp hồ sơ, phản ánh kiến nghị, tư vấn trực tuyến…nhằm gia tăng trải nghiệm của người dân khi sử dụng dịch vụ. Định kỳ triển khai khảo sát mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với từng TTHC, từng địa phương, từng lĩnh vực cụ thể. Kết quả khảo sát cần được công bố công khai và làm căn cứ đánh giá thi đua, khen thưởng, xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị có chỉ số hài lòng thấp hoặc không cải thiện qua các năm.
Giai đoạn 2021-2025, công tác cải cách TTHC tại tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, đòi hỏi các cấp chính quyền cần nỗ lực đổi mới mạnh mẽ hơn, hướng tới xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch, số hóa và lấy người dân làm trung tâm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030;
2. Quyết định số 4020/QĐ-UBND ngày 16/12/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Chương trình cải cách hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025;
3. Báo cáo số 119/BC-UBND ngày 14/6/2025 của UBND tỉnh Thái Nguyên về tổng kết Chương trình cải cách hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2026 - 2030;
4. Báo cáo số 49/BC-SNV ngày 29/4/2025 của Sở Nội vụ tỉnh phân tích kết quả Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên năm 2024.
Hồ Sĩ Bách
Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật