Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên

Thứ năm - 27/10/2022 03:20

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của nhân dân Việt Nam. Người suốt đời cống hiến, hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc cho nhân dân và hòa bình toàn nhân loại. Lúc sinh thời khi nói về vai trò của thanh niên, Người khẳng định: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” ; “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”. Trước lúc ra đi về cõi vĩnh hằng, Người đã căn dặn rằng “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục dạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”.
Hiện nay, cả nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo đà vững chắc cho Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực thì việc đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị cho thế hệ thanh niên - những nguời chủ tương lai của nước nhà có vai trò quan trọng, góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, hoàn thiện nhân cách người thanh niên Việt Nam vừa hồng vừa chuyên, đủ đức đủ tài để gánh vác được trọng trách mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã tin tưởng giao phó.
Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của quá trình hội nhập, những tư tưởng văn hóa lai căng, trái với thuần phong mỹ tục, trái với đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam, bằng cách này hay cách khác len lỏi và xâm nhập vào một bộ phận thanh niên, làm cho họ phai nhạt về lý tưởng cách mạng; thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của nước ta; một số bộ phận thanh niên có lối sống ích kỷ, thực dụng, đua đòi, hám vật chất, thờ ơ, bàng quan, vô cảm trước cuộc sống, trước tình hình chính trị xã hội của đất nước,...Những vấn đề trên ngày càng trở nên nổi cộm, là một vấn đề quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta phải quan tâm.
Chính vì vậy, bên cạnh công tác giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng tri thức khoa học thì Đảng ta cần phải tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên để bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước, yêu Chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Để thế hệ thanh niên hiện nay thật sự trở thành những người vừa hồng vừa chuyên, có đủ đức, đủ tài, có bản lĩnh chính trị vững vàng để thật sự xứng đáng với cương vị là những nguời chủ tương lai của đất nước.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề giáo dục lý luận chính trị, Bác đã chỉ rõ mục đích của việc học tập lý luận chính trị: “Học để sửa chữa tư tưởng; Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng; Học để tin tưởng vào Đoàn thể, Nhân dân, tương lai của dân tộc, tương lai của cách mạng; Học để mà hành; Học với hành phải đi đôi”.
Theo Bác, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin, để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm và nói cần phải đi đôi với làm. Người yêu cầu thanh niên phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học lập trường, quan điểm và phương pháp cách mạng để vận dụng sáng tạo và việc giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng.
Bác xác định nội dung giáo dục lý luận Mác - Lênin cho thanh niên là phép biện chứng duy vật, là những nguyên lý phổ biến trong học thuyết khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Căn cứ vào từng thời kỳ cách mạng, xuất phát từ các mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra. Người căn dặn khi xác định nội dung cơ bản trong giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên phải phù hợp với tình hình và nhiệm vụ của mỗi thời kỳ cách mạng. Người chỉ rõ: để học tập lý luận chính trị có hiệu quả cần phải có thái độ, động cơ học tập đúng đắn, đồng thời phải có phương pháp học tập hiệu quả, phải gắn lý luận với thực tiễn công tác, thực hành đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước. Phải nghiên cứu công việc thực tế. Lúc học rồi có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm công việc thực tế, có thể trở thành người tổ chức và lãnh đạo. Đồng thời Bác phê phán phương pháp giáo dục lý luận khô khan, lối học theo cách máy móc giáo điều; học thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác - Lênin, khi gặp thực tế thì hoặc là máy móc hoặc là lúng túng, lời nói và việc làm thường không nhất trí. Đó là do học chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng không học tinh thần Mác - Lênin, học để trang sức, chứ không phải để vận dụng vào công việc cách mạng.
Đối với những tài liệu cơ bản trong giáo dục lý luận để hình thành tri thức lý luận cho thanh niên. Theo Bác, trước hết phải lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc. Nhưng tài liệu phải lựa chọn, xếp đặt lại, vì trình độ người học không đều nhau, cần có tài liệu thích hợp cho từng đối tượng. Ngoài những tài liệu gốc về chủ nghĩa Mác - Lênin còn có những tài liệu thiết thực. Đó là những kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại. Những kinh nghiệm đó đem ra trau dồi, gom góp lại, đúc kết thành bài học, rút ra các kết luận lý luận. Một nguồn quan trọng để giáo dục tri thức lý luận là những chỉ thị, nghị quyết, luật, lệnh của Đảng, Chính phủ.
Theo Hồ Chí Minh, giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên cần phải đảm bảo những nguyên tắc, đó là: phải thể hiện được tính Đảng trong giáo dục; nguyên tắc lý luận gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành, nói đi đôi với làm; Phải xác định trọng tâm, trọng điểm trong quá trình giáo dục; Phải coi nguyên tắc tự học là quan trọng. Bác dạy: “Một phương pháp đặc thù trong công tác giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên, theo Nguời là: “Phải liên hệ vào dư luận xã hội, lực lượng của Chính phủ để ngăn ngừa những cái gì có thể ảnh hưởng xấu đến thanh niên”.
Việc giáo dục thanh niên phải có sự phối hợp, liên hệ chặt chẽ giữa trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên. Người chỉ rõ trách nhiệm: trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa.
Hiện nay cả nước tích cực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung lực lượng để hoàn thành thắng lợi những mục tiêu mà nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Bước sang giai đoạn mới, tình hình kinh tế chính trị xã hội trong nước và quốc tế diễn biến khó lường. Các lực lượng phản động luôn dòm ngó, dùng mọi thủ đoạn, chiêu bài chính trị như diễn biến hòa bình, âm mưu bạo loạn lật đổ, kích  động, dụ dỗ, mua chuộc nhân dân ta, nhất là thanh niên - lực lượng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta xác định là những người chủ tương lai của đất nước, nhằm thực hiện âm mưu chính trị phản động chống phá Đảng và Nhà nước. Những vấn đề trên đã, đang và tiếp tục diễn ra hằng ngày, hằng giờ, đe dọa đến lợi ích quốc gia, đến hòa bình dân tộc, an ninh trật tự và an toàn xã hội của đất nước. Chính vì vậy, nhiệm vụ mới dặt ra cho tooàn Đảng, toàn quân, tooàn dân ta nói chung và thế hệ thanh niên Việt Nam nói riêng ngày càng nặng nề hơn nữa. Để có thể gánh vác trọng trách là những người chủ tương lai của nước nhà, thanh niên cần phải tích cực học tập rèn luyện, bồi dưỡng tri thức khoa học, rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ vững lập trường của một người thanh niên yêu nước trong thời đại mới. Để thực hiện tốt được điều đó, cần phải có sự tích cực quan tâm của Đảng và Nhà nước, phải tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, rèn luyện họ thành những nhân tố quyết định cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội./.

Tài liệu tham khảo
1. Thư gửi thanh niên và nhi đồng cả nước dịp Tết năm 1946
2. Thư của Bác Hồ gửi các bạn thanh niên vào ngày 17/8/1947
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 498
4. Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.6, tr.87.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 363.
Hồ Sĩ Bách - Trần Thị Thúy
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập65
  • Hôm nay14,758
  • Tháng hiện tại491,409
  • Tổng lượt truy cập21,661,526
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây