Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác đối thoại với nhân dân. Đối thoại giữa nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ngày 18/02/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 11-QĐi/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân đảm bảo dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền; sao cho trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch luôn lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để phủ nhận thành tựu, thực tiễn các giá trị lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng về dân chủ, nhân quyền với những luận điệu như kích động vấn đề dân tộc thiểu số; xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền trên lĩnh vực tôn giáo, ngăn cản tự do ngôn luận, tự do hội họp; lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, sơ hở, thiếu sót trong quản lý, điều hành đất nước hoặc những vấn đề bức xúc, khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết để lôi kéo, kích động nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh trật tự, xã hội... Mặt khác, chúng tung hô, cổ vũ, cường điệu hóa các giá trị dân chủ tư sản “kiểu Mỹ” và phương Tây, tuyệt đối hóa quyền con người với luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, quốc gia”… Chúng xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trực tiếp nhất là quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta hiện nay, đặc biệt là những nội dung liên quan đến phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh ở miền núi, đến chính sách dân tộc; thổi phồng những thiếu sót của ta trong quá trình thực hiện các chính sách đó ở địa phương... nhằm vô hiệu hóa sự lãnh đạo của tổ chức đảng, của chính quyền địa phương để chúng dễ bề nắm dân, khống chế dân.
Vì vậy, tăng cường đối thoại với nhân dân người đứng đầu là biện pháp quan trọng để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bởi lẽ:
1. Thông qua đối thoại giúp cấp ủy, chính quyền truyền tải đúng, chính xác và đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân. Qua đó, nhân dân hiểu đúng chủ trương, chính sách; nâng cao ý thức pháp luật, góp phần thực hiện có hiệu quả cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”
2. Đối thoại với nhân dân là kênh quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp lắng nghe, tiếp nhận những kiến nghị, phản ánh, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân; là cách để kiểm nghiệm trên thực tế đường lối, chính sách, pháp luật bởi vì sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân chính là thước đo tính đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả của đường lối, chính sách, pháp luật trên thực tế. Điều này cũng góp phần nâng cao trách nhiệm công dân trong thực hiện chính sách, pháp luật của nhân dân.
3. Đối thoại với nhân dân là biện pháp để cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên hiểu dân, gần dân, thấy được nhu cầu, mong muốn, khó khăn của dân. Có thể thấy, đối thoại chính là cầu nối đưa chính quyền đến gần nhân dân, đề nhân dân hiểu và tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý nhà nước. Niềm tin đó tạo nên sức đề kháng cho mỗi người dân trước những luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch.
4. Tăng cường đối thoại với nhân dân là cách để tránh bệnh quan liêu, xa dân, “quan cách mạng” của cán bộ, đảng viên. Thông qua đối thoại nhằm hiện thực hóa nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên với nhân dân, đó là hiểu đồng cảm với nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, tạo nên thành trì vững chắc mà nhân dân là nền tảng để đấu tranh và ngăn chặn có hiệu quả những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
5. Tăng cường đối thoại với nhân dân là tăng cường sự gắn bó, củng cố niềm tin, tạo cơ hội để nhân dân được kiến nghị, phản ánh trực tiếp với cấp ủy, chính quyền, được tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân.
Tăng cường đối thoại với nhân dân góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và mỗi cán bộ viên. Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối thoại cần chú trọng một số giải pháp:
1. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, của mỗi cán bộ, đảng viên về đối thoại với nhân dân
Cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, vai trò của đối thoại, đó chính là diễn đàn trao đổi, thảo luận dân chủ để đi đến thống nhất và tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Thông qua hoạt động tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, các cấp ủy, chính quyền đã từng bước thay đổi nhận thức, phương thức lãnh đạo, điều hành, quản lý; ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được nâng lên, hệ thống chính trị vào cuộc giải quyết các vấn đề, vụ việc nhanh hơn, các chính sách ban hành phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống thực chất hơn.
2. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và thực hiện đúng quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước
Cấp uỷ, chính quyền các cấp cần quan tâm đến nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động để truyền tải chủ trương, chính sách, pháp luật đến với nhân dân. Chú ý đến những định hướng của Đảng về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, những chính sách, pháp luật mới có tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân. Mặt khác, đối thoại với nhân dân cần tập trung vào những vấn đề bức xúc, tồn đọng trong nhân dân chưa được giải quyết; những nội dung mới có liên quan đến thực hiện chủ trương, chính sách, chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước và địa phương.
Phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị - xã hội để tuyên truyền, vận động, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân tham gia vào thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, như xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá mới, giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn...
3. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu và của mỗi cán bộ, đảng viên trong tiếp xúc, đối thoại và giải quyết ý kiến của nhân dân khi tham gia đối thoại
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần chủ động đưa nội dung tiếp xúc, đối thoại vào chương trình công tác hàng năm; kịp thời ban hành các văn bản tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ quan chức năng chuẩn bị các nội dung, điều kiện đảm bảo để tổ chức tiếp xúc, đối thoại đạt hiệu quả.
Những người được phân công, giao nhiệm vụ tham gia đối thoại trực tiếp với nhân dân phải tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ và cảm thông với khó khăn, vất vả của nhân dân, phát huy dân chủ, tạo bầu không khí thoải mái, chân thành, cởi mở để nhân dân bày tỏ quan điểm, thái độ của mình. Người thực hiện nhiệm vụ đối thoại cần nắm chắc những quan điểm, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước để giải thích, hướng dẫn nhân dân thực hiện với tinh thần, thái độ cầu thị, khiêm tốn, giản dị; coi trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong tiếp xúc, đối thoại, cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu phải thấy được và chịu trách nhiệm chính trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về những quyết định của mình. Do đó, cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu cần giải thích, trả lời những ý kiến băn khoăn, thắc mắc của nhân dân một cách thấu đáo, đúng pháp luật, không bao biện, né tránh trách nhiệm.
4. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, phát huy truyền thống và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống của nhân dân để đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, tiếp tục nêu cao truyền thống đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại với nhân dân
Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi những kết luận của hội nghị đối thoại với nhân dân. Trên cơ sở đó, thời biểu dương, khen thưởng bộ phận, lực lượng làm tốt việc thực hiện kết luận của hội nghị đối thoại nhân dân; chấn chỉnh, xử lý đối với bộ phận làm chưa tốt, thực hiện không nghiêm kết luận của hội nghị đối thoại nhân dân.