Chi đoàn thanh niên trường chính trị với việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội trong bối cảnh hiện nay

Thứ ba - 28/06/2022 00:02
Mạng xã hội mang lại nhiều giá trị tích cực, cho phép người dùng tìm kiếm thông tin, thể hiện bản thân và trải nghiệm cuộc sống; tương tác, gặp gỡ, giao lưu, gắn kết cộng đồng, trao nhận, chia sẻ tình cảm, truyền cảm hứng …
           Với phạm vi tiếp cận rộng rãi, tốc độ lan truyền nhanh và khó kiểm soát, việc sử dụng mạng xã hội có thể giúp lan tỏa những điều tốt đẹp nhưng cũng dễ bị lợi dụng gây ra nhiều hệ lụy: xuất hiện những hành vi nói xấu, bôi nhọ, tin giả tràn lan gây tổn hại nghiêm trọng uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, gây tổn hại về kinh tế, thương hiệu, các thế lực thù địch sử dụng mạng xã hội để tiến hành các hình thức, hoạt động chống phá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, gây phức tạp an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
          Để ngăn chặn, xử lý các hành vi sai trái, tiêu cực trên môi trường mạng nói chung và sử dụng mạng xã hội nói riêng, thời gian qua cơ quan chức năng đã quy định rất rõ trong một số luật và văn bản dưới luật. Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc đã đưa ra khuyến nghị chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.
            Bộ Quy tắc đã nêu rõ các hành vi, tính chất, đối tượng tham gia mạng xã hội với các nhóm: Quy tắc ứng xử chung; Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; Quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

            Nhận thức rõ đặc thù của Nhà trường là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị của tỉnh. Vì vậy với vai trò là cán bộ, giảng viên Nhà trường, mỗi đoàn viên trong Chi đoàn Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đều có ý thức khi tham gia mạng xã hội không chỉ với tư cách cá nhân, mọi hoạt động công khai trên mạng xã hội không chỉ tác động đến uy tín của bản thân mà còn là hình ảnh của Nhà trường. Do vậy, Chi đoàn Nhà trường cũng đã quán triệt sâu sắc tới các đồng chí đoàn viên thực hiện nghiêm túc các quy định, quy tắc ứng xử, mỗi phát ngôn, bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội phải gắn với thực hiện Bộ Quy tắc, Luật An ninh mạng năm 2018 và nội quy, quy định của Nhà trường.
          Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội trong thời gian tới, đoàn viên thanh niên Trường Chính trị khi tham gia mạng xã hội cần:
         Thứ nhất, mỗi đoàn viên phải tiếp tục ra sức học tập, trau dồi kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, âm mưu, thủ đoạn hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch, các cá nhân, tổ chức chống đối Việt Nam ở trong và ngoài nước. Từ đó hình thành cho mình một “nhãn quan” chính trị sắc bén, một tư duy phản biện khoa học, một phông văn hóa chuẩn mực và một nền tảng lý luận vững chắc để dễ dàng nhận diện các luận điệu sai trái, thù địch, thông tin tiêu cực, độc hại. Bởi vì những thông tin xấu, độc, những luận điệu sai trái, thù địch trên mạng xã hội có thể núp dưới nhiều vỏ bọc tinh vi, xảo quyệt khác nhau mà không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận diện được. Chính vì vậy, mỗi đoàn viên phải tự trang bị cho mình khả năng đề kháng và kĩ năng nhận diện với thông tin xấu độc, luận điệu tuyên truyền sai trái, thù địch khi tham gia mạng xã hội.
         Thứ hai, cần tìm hiểu kỹ về mục đích, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, về nội dung cơ bản của Bộ Quy tắc ứng xử; đồng thời tuân thủ nguyên tắc sử dụng mạng xã hội. Tại Điều 3, Bộ quy tắc ứng xử đã quy định rõ là quy tắc Tôn trọng, tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; quy tắc Lành mạnh; quy tắc An toàn, bảo mật thông tin và quy tắc Trách nhiệm. Ngoài ra, mọi hoạt động của đoàn viên thanh niên trong Chi đoàn Nhà trường trên mạng xã hội phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc và tuân thủ Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 ban hành Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
           Thứ ba, đoàn viên cần lựa chọn sử dụng mạng xã hội phù hợp, không sử dụng mạng xã hội chưa được phép hoặc không được phép hoạt động ở Việt Nam; không tải và sử dụng những ứng dụng mạng xã hội không rõ nguồn gốc và chỉ nên tải ứng dụng tại các nguồn tin cậy. Đồng thời, khi đăng ký tài khoản mạng xã hội nên đăng ký tên chính danh và đăng ký xác thực tài khoản với nhà cung cấp dịch vụ, đặt mật khẩu bảo vệ và tuyệt đối không chia sẻ mật khẩu cho người khác để tăng cường khả năng bảo mật và khắc phục sự cố khi cần.
          Thứ tư, về tiếp cận thông tin và hoạt động trên mạng xã hội. Khi sử dụng mạng xã hội, đoàn viên chi đoàn cần phát triển các kỹ năng xem xét, thu thập và xử lý thông tin trên mạng xã hội. Phải có sự chắt lọc thông tin từ hiểu biết và kinh nghiệm của mình, kiểm chứng để bảo đảm độ chính xác của thông tin, không tùy tiện, dễ dãi trong việc chia sẻ, dẫn lại các thông tin từ các trang khác mà chưa kiểm định hoặc từ những nguồn có thể bị mạo danh. Bảo đảm tính bảo mật, không làm lộ, lọt các thông tin cá nhân, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Nêu cao trách nhiệm công dân, bày tỏ thái độ, quan điểm cá nhân khi cần thiết, nhằm thúc đẩy những điều tích cực trên môi trường mạng.
           Thứ năm, về giao lưu, kết nối, tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội, nên thận trọng và tỉnh táo khi kết bạn, giao lưu cũng như tham gia các hội, nhóm, fanpage… cần tìm hiểu kỹ thông tin thông qua tìm hiểu thông tin cá nhân, xu hướng like, share thông tin để nhận định, đánh giá… tham gia các hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn đăng tải thông tin tích cực; hội, nhóm đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm lan tỏa thông tin tích cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng.
            Thứ sáu, cần tích cực tuyên truyền, phổ biến sự cần thiết thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đến với bạn bè, người thân, góp phần định hướng người dân tham gia mạng xã hội thực hiện đúng các quy tắc vừa được ban hành.
           Quán triệt và thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, mỗi người dân, người dùng Internet, người dùng mạng xã hội, nhất là đoàn viên thanh niên Trường Chính trị cần nghiên cứu, nắm chắc các quy định, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được đề cập trong Bộ Quy tắc trên gắn với thực hiện tốt Luật An ninh mạng năm 2018 góp phần lan tỏa, tôn vinh, biểu dương cái đẹp, điều tốt, sẵn sàng phê phán, đấu tranh, đập tan mọi quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, các biểu hiện tiêu cực trên mạng xã hội, chung tay xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, trong sạch và văn minh. 
Ma Thị Hồng Minh - Đoàn Mạnh Hiếu
Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập139
  • Hôm nay15,723
  • Tháng hiện tại541,398
  • Tổng lượt truy cập21,023,791
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây