Một vài suy nghĩ về giảng dạy tốt lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên hiện nay

Thứ sáu - 09/12/2022 02:13
Giảng dạy tốt là mục tiêu của giảng viên nói chung và giảng viên giảng dạy lý luận chính trị nói riêng. Tuy nhiên, khi triển khai công việc để có giờ giảng dạy lý luận chính trị tốt lại mang tính lịch sử và đánh giá giờ giảng tốt lại phụ thuộc rất nhiều vào quan niệm của người đánh giá. Trong những năm vừa qua các kỳ thi giảng viên dạy giỏi, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức cũng đã đưa ra các tiêu chí cụ thể để đánh giá một giờ giảng tốt. Bởi vậy, giờ giảng của một giảng viên nhiều khi ngoài việc được đánh giá bằng các tiêu chí cụ thể theo quy định, lại được đánh giá ở các mức độ khác nhau do cảm nhận của đối tượng người học (học viên).
Bởi vậy, thế nào là một giảng viên lý luận chính trị giảng dạy tốt? Cần triển khai các công việc gì để có giờ giảng tốt? Các tiêu chí để đánh giá một giảng viên giảng dạy tốt là như thế nào, với đối tượng học viên là các cán bộ đi học? Việc triển khai các công việc cụ thể gắn với điều kiện thực tế giảng dạy hiện nay (phương pháp mới, công cụ giảng dạy mới, tình hình giảng dạy trực tuyến trong đại dịch Covid-19 vừa qua…) có ý nghĩa quan trọng đối với thực tiễn giảng dạy lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên.
Trước hết, cần xác định rõ đối tượng học viên của Nhà trường. Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên với chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn - nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Do vậy, học viên của Nhà trường có nhiều điểm khác biệt so với sinh viên, học viên của các cơ sở đào tạo khác, học viên của Trường hiện đang làm việc, công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, họ có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, quan hệ xã hội và công tác. Trình độ nhận thức và học thức của học viên ngày càng được nâng cao, nhiều học viên có trình độ đại học và trên đại học. Đa số học viên muốn trao đổi những vấn đề thực tế mới nảy sinh trong cuộc sống; thường mạnh dạn nêu vấn đề và thảo luận; muốn tranh luận tìm ra cái đúng, cái sai. Những đặc điểm này của học viên là một lợi thế cần được khai thác trong giảng dạy. Tuy nhiên, bên cạnh đó một số học viên khi đi học cũng chỉ xác định học để hoàn thiện hệ thống văn bằng, chứng chỉ, hoặc xác định vừa đi học vừa đi làm, chịu nhiều áp lực từ công việc cơ quan, từ áp lực công việc gia đình nên chỉ đến lớp học để điểm danh, ngồi đủ giờ giảng. Một số học viên lớn tuổi hơn trong lớp, khả năng tiếp nhận thông tin chậm, sức ì tâm lý lớn, ít tập trung chú ý, ngại phát biểu, ngại chia sẻ… Điều này đã tác động không nhỏ tới việc học tập của cá nhân học viên cũng như tác động tới giờ giảng của giảng viên.
Thứ hai, xác định các hoạt động để có giờ giảng tốt. Theo quan điểm truyền thống trước đây, đó là dạy học lấy hoạt động của giảng viên làm trung tâm. Quan điểm này nhấn mạnh tới quá trình truyền đạt thông tin từ giảng viên đến học viên. Do đó, việc giảng dạy tốt phụ thuộc vào giảng viên và mang dấu ấn cá nhân người giảng viên. Giảng viên là chủ thể truyền đạt kiến thức cho người học. Kiến thức của giảng viên càng sâu rộng; sử dụng các phương tiện dạy học càng thông thạo, giảng bài càng lưu loát thì càng được đánh giá dạy tốt bấy nhiêu. Khi đánh giá giờ giảng, người theo quan điểm này thường tập trung vào lượng tri thức truyền đạt cho người học; vào số lượng và đặc điểm của các phương tiện cũng như cách sử dụng các phương tiện dạy học của giảng viên. Có thể khẳng định, trình độ và khả năng của giảng viên khi họ cố gắng đưa ra những kiến thức mới và khó, sâu và rộng, khả năng sử dụng nhiều và tốt các phương tiện dạy học chỉ là điều kiện cần cho dạy tốt. Người giảng viên dạy tốt khác với người nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu ở chỗ, người nghệ sĩ làm cho người xem thán phục tài nghệ của mình nhưng không ai thực hiện được; người giảng viên giỏi là người làm cho người học biết cách làm được như mình. Thực tế đã chứng minh, những gì chúng ta tự nói ra được, tự làm được, hoặc có hướng dẫn thì học viên sẽ hiểu kỹ hơn, nhớ lâu hơn và tất nhiên, có nhiều hứng khởi hơn.
Theo quan điểm hiện đại ngày nay, lấy hoạt động học của học viên làm trung tâm, chủ yếu đề cao hoạt động học của học viên. Theo họ, một giờ giảng tốt có quan hệ tỷ lệ thuận với hoạt động tích cực của người học. Người học càng tích cực, càng hăng hái, càng sôi nổi thì giờ giảng đó càng được đánh giá cao. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: để đo một giờ giảng tốt thì rất cần học viên tích cực, sôi nổi, cùng hợp tác, song điều này cũng chưa phải là mục tiêu của một giờ giảng tốt mà cũng chỉ là điều kiện để đi đến mục tiêu. Nếu hoạt động học tập tích cực của học viên mà thiếu sự hướng dẫn, tổ chức, điều khiển của giảng viên để đi đến mục tiêu dạy học thì cũng không thể gọi là giờ giảng tốt được. Trên thực tế đã có những giảng viên đưa ra nhiều câu hỏi phát vấn người học, tổ chức các hoạt động thảo luận nhóm hay tích hợp các hoạt động vui chơi để tạo bầu không khí thoải mái trong giờ giảng không gắn liền với nội dung dạy học và cũng không phục vụ cho các mục tiêu của dạy học đề ra.
Thứ ba, dạy học là một hoạt động phức tạp. như chúng ta đều biết, giảng dạy lý luận chính trị bao gồm nhiều yếu tố. Song, yếu tố quan trọng nhất để đánh giá hoạt động này cần dựa vào mục tiêu dạy học, sự nỗ lực của cả giảng viên và học viên để đạt mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, với mục tiêu đã xác định, có thể có nhiều con đường và biện pháp để đạt mục tiêu. Vấn đề cần trả lời các câu hỏi tiếp theo là: hoạt động dạy học được diễn ra trong điều kiện, hoàn cảnh nào, thái độ của học viên ra sao và hoạt động học tập của học viên có phù hợp với mục tiêu giảng dạy hay không. Cụ thể trong một giờ giảng, người giảng viên giảng dạy tốt là một giảng viên làm cho học viên muốn học (tác động được vào nhu cầu và hứng thú người học); biết cách học (có phương pháp học tích cực, phù hợp) và giờ học đó phải đạt mục tiêu dạy học đề ra.
Vấn đề, làm cho học viên muốn học. Điều quan trọng trong giảng dạy là người giảng viên làm cho học viên nhận thức được sự cần thiết của môn học, bài học, từ đó hình thành nhu cầu, hứng thú và trách nhiệm trong học tập. Điều này đòi hỏi giảng viên phải là người có kiến thức lý luận và thực tiễn phong phú, nhất là những kiến thức thực tiễn liên quan trực tiếp đến địa phương làm minh chứng cho bài giảng, có hiểu biết sâu sắc về bài giảng, về môn học, đồng thời phải có hiểu biết về phương pháp sư phạm, giao tiếp tốt, hiểu biết đối tượng học viên… Khi giảng viên giảng dạy bằng phương pháp giảng dạy tích cực, học viên sẽ thấy họ được học chứ không phải bị học. Học viên được chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình liên quan tới công việc thực tế học viên đang làm; đồng thời với việc bổ sung kiến thức, kinh nghiệm không chỉ từ giảng viên mà còn từ chính các học viên trong lớp. Khi đó họ sẽ hào hứng được học, được sáng tạo, được làm. Vì thế, làm cho người học muốn học, hứng thú với việc học được coi là một đặc điểm của giảng viên dạy tốt. Đánh giá giờ giảng cần thiết phải dựa vào hứng thú học tập và sự tham gia tích cực của học viên. Tiếp theo, làm cho học viên biết cách học. Hoạt động học tập là hoạt động có mục tiêu cụ thể. Một giờ giảng mà các học viên hứng thú và nhiệt tình học tập không thôi chưa đủ. Muốn đạt được kết quả, người giảng viên phải biết tổ chức các hoạt động học tập để khai thác kiến thức, kinh nghiệm của học viên, dẫn dắt họ tìm tòi thông tin, gia công, chế biến, thông tin, đi sâu tìm hiểu bản chất vấn đề học tập, biết tự khám phá, phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa kiến thức và tự rút ra những kiến thức mới, phát triển những kỹ năng nghề nghiệp. Chuyển người học từ việc học có hướng dẫn sang tự phát hiện, tự học cho người học. Và sau cùng, làm cho hoạt động học tập đạt được mục tiêu học tập đã đề ra. Bên cạnh việc chú ý tác động vào nhu cầu, hứng thú của người học; tổ chức, hướng dẫn học viên có phương pháp học tập hiệu quả thì việc đạt được mục tiêu học tập đã đề ra chỉ còn là vấn đề thời gian. Cùng một nội dung học tập có thể hướng đến các kết quả khác nhau và nhằm phục vụ các mục tiêu khác nhau. Để đánh giá một giờ giảng của giảng viên, điều cần thiết nhất là phải xác định xem các mục tiêu dạy học có đạt được hay không.
Dạy học là một hoạt động phức tạp, chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Để đánh giá một giờ giảng thành công cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, khi đánh giá giờ giảng của giảng viên theo cách tiếp cận dạy học hướng vào người học, cần căn cứ vào những biến đổi của học viên trong quá trình thực hiện giờ học. Giảng viên giảng tốt là giảng viên thu hút được sự chú ý, sự tham gia tích cực của học viên vào quá trình học tập. Trên cơ sở có sự tham gia tích cực, chủ động mà họ sẽ tiến hành những hoạt động học tập một cách có kết quả. Theo cách hiểu đó, người giảng viên dạy tốt là người giảng viên làm cho học viên muốn học, có phương pháp học và học đạt mục tiêu đề ra. Thiết nghĩ, với cách tiếp cận trên có thể vẫn còn mang tính khái quát cao, cần tiếp tục trao đổi, nghiên cứu, cụ thể hóa thành các tiêu chí để có thể đánh giá một cách chính xác, khách quan và khoa học hơn.
Nguyễn Mạnh Chiến
Phó Trưởng phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập118
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm117
  • Hôm nay13,308
  • Tháng hiện tại538,983
  • Tổng lượt truy cập21,021,376
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây