Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam.
Việc chọn ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.
Đến năm 2021, Ngày sách Việt Nam được đổi tên là Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và phát triển bản thân.
Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, nó còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Con số tham khảo về tình trạng đọc sách ở một số quốc gia như sau: Tại các nước phát triển như Pháp, Nhật trung bình mỗi người dân đọc 20 quyển/năm; người dân Singapore đọc 14 quyển/năm; người dân Malaysia đọc 17 quyển/ năm; người dân Trung quốc 5 quyển/năm; người Việt Nam đọc 4 quyển/năm trong đó đa phần là sách giáo khoa. Do vậy, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập là rất thiết thực.
Hưởng ướng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 05/4/2022 về việc tổ chức Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2022, sẽ được tổ chức, triển khai các hoạt động bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tiễn; nội dung hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, sáng tạo và an toàn, đồng thời thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. Trong điều kiện dịch bệnh có diễn biến phức tạp, có thể đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến và hình thức phù hợp khác.
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 tỉnh Thái Nguyên dự kiến sẽ có một số hoạt động như: Tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc” theo từng chủ đề; tổ chức các câu lạc bộ về sách, phát động, nhân rộng mô hình; Tủ sách gia đình; tủ sách dòng học, tủ sách cơ quan, trường học; hướng dẫn kỹ năng đọc sách; Tổ chức Triển lãm sách; quyên góp sách, trang thiết bị đọc sách tặng trẻ em nghèo, hỗ trợ các thư viện vùng sâu, vùng xa; tổ chức không gian giới thiệu sách của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành; ký tặng sách; hiến tặng sách…
Sự ra đời của Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam vô cùng ý nghĩa, nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển thói quen đọc sách của mỗi người dân, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét văn hóa tốt đẹp.
Đào Thị Dung
Phòng TC, HC, TT, TL