Tư tưởng khoan dung của Hồ Chí Minh được thể hiện ở lòng yêu thương, cảm thông, chia sẻ, rộng lượng… đối với con người. Khi đánh giá hay nhận xét một con người, Người cho rằng, trong xã hội có người tốt, cũng có người chưa tốt. Với những người chưa tốt thì trong họ cũng có phần tốt cho nên ta luôn phải khoan dung, cảm hóa họ để làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân, còn phần xấu sẽ dần dần bị mất đi. Làm được như vậy xã hội sẽ có nhiều người tốt.
Trước hết, đối với những người Việt Nam lầm đường, lạc lối, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở đồng bào, đồng chí phải khoan dung với họ. Nguời chủ trương kiên trì giáo dục, thuyết phục, cảm hóa và tạo mọi điều kiện để họ quay trở về với lẽ phải, với cách mạng. Người viết: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu nguời cũng có người thế này nguời thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng phải có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối làm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”. Hồ Chí Minh luôn tha thiết và kêu gọi những người lầm đường lạc lối trở về với cách mạng, trở về với dân tộc như một người con trở về với gia đình. “Tôi mong rằng các người hay mau tỉnh ngộ. Và tôi cam đoan rằng, Tổ quốc, đồng bào và chính phủ bao giờ cũng khoan hồng. Một khi các người đã trở về với Tổ quốc thì các người sẽ được hoan nghênh rộng rãi như những người con đi lạc mới về”.
Theo Người, đối với những ai đã từng làm việc trong chế độ cũ ta nên dùng chính sách cảm hóa, khoan dung. Người viết: “Đối với quan lại cũ, trừ những bọn đại gian, đại ác, chính phủ Cộng hòa ta cũng tỏ một độ lượng không để tâm moi ra những tội cũ đem ra làm án mới làm gì”. Cụ thể, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thông qua tấm lòng khoan dung nên Hồ Chí Minh đã cảm hóa được nhiều nhân sỹ, trí thức và các những vị quan đã từng làm việc trong chế độ cũ một lòng một dạ đi theo cách mạng như Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Thượng thư Nguyễn Văn Tố, Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Luật sư Bộ trưởng Phạm Anh,…Đặc biệt, Hồ Chí Minh còn mời được cả cựu hoàng Bảo Đại làm cố vấn tối cao cho Chính phủ. Đối với các chức sắc tôn giáo, Hồ Chí Minh đã mời linh mục Lê Hữu Từ tham gia cố vấn đoàn của Chính phủ cách mạng lâm thời, mời giáo chủ Phật giáo Hòa hảo Huỳnh Phú Sổ tham gia Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ…
Hồ Chí Minh không chỉ khoan dung đôi với những người Việt Nam có sai lầm, khuyết điểm mà Người còn khoan dung với cả những người nước ngoài, kể cả với những nguời lĩnh Pháp, lính Mỹ đã gây ra những đau thương cho dân tộc Việt Nam. Người luôn nhắc nhở đồng bào ta nêu cao tinh thần chính nghĩa, nhân đạo, khoan dung với tù binh và kiều dân Pháp. Người đề nghị nhân dân Việt Nam: phải bảo vệ sinh mệnh và tài sản các ngoại kiều và đối đãi tử tế với tù bình. Năm 1950, khi đi thăm tù binh sau Chiến dịch Biên giới, thấy một đại úy quân y Pháp đang run lên vì rét, Người đã cởi chiếc áo đang mặc trao cho anh ta. Sau đó, Người giải thích với mọi người trong đoàn: anh ta là tù bình, lại đang bị thương, trời thì rét. Cho họ cái áo để mặc cũng phải.
Không những thế, trước cái chết của những người lính Pháp bởi chiến tranh (mặc dù đây là cuộc chiến cho chính phủ họ gây ra), Hồ Chí Minh cũng cảm thấy đau xót, thương cảm. Người viết: “Than ôi, trước lòng bác ái thì máu Pháp hay máu Việt đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”. Tinh thần khoan dung của Người còn vượt ra khỏi giới hạn đối với các tù bình và người lính Pháp bị chết trong cuộc chiến tranh, hướng đến sự hòa bình, hữu nghị và hợp tác trong tương lai. Trong bức thư gửi các tù binh Pháp, Người viết: “Tôi mong một ngày rất gần đây, hai dân tộc Pháp - Việt có thể cùng cộng tác trong vòng hòa bình và thân ái để mưu cầu hạnh phúc chung cho hai dân tộc. Trong khi chờ đợi, các bạn hãy yên lòng và sống dưới sự che chở của chúng tôi cho đến khi hết chiến tranh, khi đó, các bạn sẽ được tự do”. Đối với người lĩnh Mỹ bị đưa sang chiến đấu và chết tại Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi lấy làm đau lòng khi nhân dân Việt Nam bị giết hại mà tôi cũng rất buồn khi lính Mỹ bị chết. Tôi thông cảm với nỗi đau buồn của cha mẹ họ”.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, tinh thần khoan dung của Hồ Chí Minh hoàn toàn không phải là một sách lược tạm thời mà là dự tiếp nối và phát triển giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, tư tưởng khoan dung của Hồ Chí Minh đã và đang được Đảng ta kế thừa và phát triển trong điều kiện của đất nước có nhiều thay đổi to lớn trên tất cả các lĩnh vực, trở thành một trong những giải pháp quan trọng để củng cố khối đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc. Tư tưởng đó là một trong những yếu tố góp phần giúp cho Đảng ta, dân tộc ta thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc sau chiến tranh. Để rồi khi kết thúc cuộc chiến “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã không có “tắm máu” như kẻ thù đã tuyên truyền trước đó.
Hiện nay, đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng và Nhà nước coi đó là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là cầu nối cho tình hữu nghị, tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước; là nhân tố quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước. Trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là từ khi đất nước đổi mới, Đảng, Chính phủ đã chủ động triển khai nhiều chủ trương, chính sách như: gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ; đem lại hòa bình, ấm no, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t4, tr.280-281
2. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t5, tr.249
3. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t4, tr.49
4. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t4, tr.510
5. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t4, tr.542
6. Ngày 12/01/1967, Hồ Chí Minh nói trong khi tiếp một số người Mỹ đến thăm Việt Nam