Đẩy mạnh chuyển đổi số tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên

Thứ năm - 23/06/2022 04:01
Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số là một yêu cầu tất yếu khách quan trong giai đoạn hiện nay. Nhận thức rõ điều đó, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên sớm triển khai thực hiện và đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy – học tại nhà trường.

Xác định được chuyển đổi số đối với nhà trường trong giai đoạn hiện nay là ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, hình thành các mô hình giáo dục thông minh; số hóa tài liệu, giáo trình; phát triển hệ thống đào tạo trực tuyến, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường từ rất sớm đã chỉ đạo các giảng viên ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giáo án và giảng dạy trên lớp, viết bài nghiên cứu khoa học, quản lý học viên. 100% giảng viên có giáo án word và giáo án Powerpoint.
Trường đã sớm đầu tư hệ thống wifi ở khu nhà hiệu bộ và các phòng học, trang web của Trường sớm được thành lập và được nâng cấp thường xuyên. Lịch công tác, lịch giảng các lớp, chương trình học toàn khóa cũng như điểm thi các môn học của các lớp thuộc các hệ đào tạo, bồi dưỡng được cập nhật trên trang quản lý văn bản và trang web Nhà trường một cách kịp thời. Nhiều giảng viên đã biết chủ động, sáng tạo tạo các video hoặc cắt ghép, lồng các video, ảnh tư liệu vào bài giảng làm cho bài giảng sinh động hơn.
Những năm gần đây, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học. Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quá trình tập huấn giảng viên từ năm 2020 đến nay hầu hết được thực hiện theo hình thức trực tuyến trên phần mềm Microsoft Teams do Học viện Chính trị quốc gia Chí Minh tổ chức. Ngay khi có công văn số 494-CV/HVCTQG của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc “Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các trường chính trị cấp tỉnh” cho phép và hướng dẫn các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo bằng hình thức trực tuyến”, nhà trường có văn bản báo cáo và xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về thực hiện giảng dạy trực tuyến. Nhà trường cũng đã chỉ dạo giảng viên thực hiện giảng dạy trực tuyến đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian dịch bệnh căng thẳng trên nền tảng Google Meet.
Các khoa, phòng tổ chức giảng thử để rút kinh nghiệm trước khi giảng trên lớp. Các giảng viên trong thời gian ngắn nhưng đã chủ động, thành thạo sử dụng phần mềm và giảng dạy trực tuyến. Các khoa hình thành kho giáo án trên tảng số do khoa quản lý. Quá trình quản lý lớp học trực tuyến được nhà trường tổ chức chặt chẽ với sự tham gia của Ban giám hiệu, Ban thanh tra, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên lên lớp. Đây cũng là một điểm thuận lợi cho quá trình quản lý lớp học trực tuyến so với trực tiếp. Tùy vào tình hình thực tiễn mà Nhà trường linh hoạt trong thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến, trực tiếp, kết hợp trực tiếp - trực tuyến.
Để giảng viên có thể tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của nhà nước một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, qua đó nâng cao tính thực tiễn, tính thời sự cho các bài giảng nhằm nâng cao chất lượng các bài giảng, nhà trường đã trình UBND tỉnh xin thành lập phòng họp trực tuyến.
Quá trình dạy - học trên nền tảng số đã tạo điều kiện cho các giảng viên, học viên vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh đồng thời hoàn tốt kế hoạch dạy - học. Học viên vừa tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt là với học viên ở xa. Trong giảng dạy, nhiều giảng viên đã tạo các liên kết website, youtube, video, hình ảnh sinh động vào bài giảng, tạo nên sự sinh động, phong phú cho bài giảng và hứng thú cho học viên.
Thời gian tới, Nhà trường sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy - học và quản lý học viên để vừa đáp ứng quá trình đào tạo, bồi dưỡng trong tình hình mới vừa góp phần chuyển biến nhận thức thông qua đó giúp học viên tăng cường ứng dụng chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị. Nhà trường đang tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ cơ sở hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ dạy - học; phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng và hoàn thiện phần mềm riêng cho trường theo mô hình trường học thông minh, ứng dụng những thành tựu mới nhất của khoa học công nghệ và đảm bảo an toàn thông tin mạng vào quá trình đào tạo bồi dưỡng ở trường.
Hiểu đúng về chuyển đổi số, đánh giá đúng thực trạng, xác định và dự báo đúng các thách thức về vấn đề đặt ra để xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số hợp lý nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo có ý nghĩa quan trọng. Chuyển đổi số đối với trường chính trị cần được xem là giải pháp lâu dài mang tính chiến lược, gắn với những cải cách mạnh mẽ, triệt để trong giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo, bồi dưỡng chứ không phải là giải pháp tình huống ứng phó với Covid-19. Trong chuyển đổi số thì quan trọng nhất không phải công nghệ, cũng không phải là đầu tư kinh phí mà chính là quyết tâm chính trị cao nhất của người đứng đầu và nhận thức sẵn sàng thay đổi của đội ngũ viên chức giảng viên trong các nhà trường.
ThS. Nguyễn Thị Giang
Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập96
  • Hôm nay12,718
  • Tháng hiện tại413,069
  • Tổng lượt truy cập16,835,875
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây