Hướng về lễ Tết Thanh minh

Thứ sáu - 01/04/2022 07:13
Mặc dù được sinh ra và lớn lên ở thành phố, nhưng cả họ nội, họ ngoại tôi đều ở vùng miền núi phía Bắc. Bố tôi người Nùng (Bình Gia, Lạng Sơn), mẹ tôi người Tày (Định Hóa, Thái Nguyên), nên từ bé anh, chị, em tôi đã được bố mẹ thường xuyên cho về thăm quê và biết đến cũng như tham gia rất nhiều phong tục, tập quán đặc sắc như: Lễ cấp sắc cho thầy Tào người Nùng; Lễ hội Lồng Tồng (Định Hóa); nghe hát Sli của người Nùng; hát Then người Tày, … Đặc biệt, hằng năm cứ rạng sáng mùng 3 tháng 3 Âm lịch là cả nhà tôi lại hành trình về quê nội Lạng Sơn mang theo đồ lễ và dụng cụ để tham gia nghi thức tảo mộ cho những người thân đã khuất. 
photo1641206169059 16412061692721794547640

Nếu như đồng bào Kinh và nhiều dân tộc khác thường thực hiện nghi thức tảo mộ vào dịp Tết Nguyên đán hoặc Rằm Tháng bẩy, thì đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở vùng núi phía Bắc như gia đình chúng tôi lại chọn đúng ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch, bởi Tết Thanh minh mang nhiều ý nghĩa như nhà thơ Nguyễn Du đã viết: “Thanh minh trong tiết tháng ba, lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”. Sau khi thắp nhang xin phép, những ngôi mộ sẽ được con cháu phát cỏ dại, quét dọn sạch sẽ và trang trí lại những cây nêu treo dải băng bằng giấy màu được cắt tỉa cầu kỳ; các thành viên trong gia đình sẽ cùng bày mâm lễ đã chuẩn bị sẵn để dâng cúng người đã khuất. Trong mâm cỗ cúng tổ tiên của người Nùng không có bánh trôi như người Kinh, mà thay vào đó là các đặc sản địa phương như: thịt lợn quay mắc mật, thịt vịt quay, thị gà trống thiến, hoa quả bánh kẹo, tiền vàng, rượu và không thể thiếu món xôi đỏ đen hoặc xôi ngũ sắc làm từ các loại lá cây rừng. Đây là một nét văn hóa truyền thống đã được truyền qua nhiều thế hệ; là dịp để con cháu hướng về gia đình, tổ tiên, cội nguồn, thể hiện lòng thành kính của người sống với người đã khuất. Vào dịp này, trong gia đình, dòng tộc, dù ai đi học, đi công tác, lập nghiệp xa nhà, ở khắp mọi miền cũng cố gắng trở về nơi quê cha, đất tổ để được gặp gỡ nhau, cùng nhau về chăm sóc mộ phần của ông bà tổ tiên; mong ông bà, tổ tiên phù hộ, độ trì cho con cháu trong dòng tộc mình có sức khỏe, tài lộc, hạnh phúc, đoàn kết và yêu thương nhau.
Năm nay, chỉ còn chưa đầy 01 tháng nữa là đến Tết Thanh Minh. Mặc dù dịch bệnh phần lớn đã được kiểm soát và mọi hoạt động sản xuất cũng như nhịp sống của người dân đang dần trở lại bình thường, dù mọi thành viên trong gia đình ai cũng mong muốn được trở về quê hương trong dịp này, nhưng để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, gia đình tôi vẫn xác định sẽ nghiêm chỉnh thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc hạn chế tối đa tập trung đông người và thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, cũng như hướng dẫn của chính quyền địa phương để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất. 
Khác với mọi năm, thay vì tất cả các thành viên trong gia đình thì có thể gia đình tôi sẽ chỉ cử đại diện, mang lễ về quê thực hiện nghi thức tảo mộ hoặc gửi lễ về cho người thân ở quê giúp gia đình thắp hương, đồng thời thực hiện cúng lễ tại gia. Tất nhiên, với việc không được trực tiếp tảo mộ bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên, không được gặp gỡ đông đủ các thành viên trong dòng tộc như mọi năm, mỗi người sẽ không khỏi có đôi chút tiếc nuối và trống vắng. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến tâm của mỗi người khi đều hướng đến cái thiện, biết tôn kính và tưởng nhớ đến tổ tiên, người thân đã khuất. 
Khi dịch bệnh đã được kiểm soát, đảm bảo an toàn, gia đình tôi sẽ lại trở về quê tảo mộ và hít thở thật sâu, cảm nhận không khí trong lành, linh thiêng của vùng rừng núi Đông Bắc./.
ThS. Hứa Thị Minh Hồng
Khoa NN&PL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập83
  • Hôm nay19,673
  • Tháng hiện tại397,896
  • Tổng lượt truy cập16,820,702
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây