Tìm hiểu một số yếu tố bảo đảm thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay

Thứ sáu - 30/12/2022 03:02
Quan điểm, tư tưởng về quyền con người được thể hiện trong triết học, chính trị học, pháp luật, luật lệ tôn giáo, văn hóa học… ở cả phương Đông và phương Tây. Đối với luật học, tư tưởng về quyền con người gắn liền với sự ra đời của nhà nước và pháp luật. Qua nhiều giai đoạn phát triển của xã hội, nhận thức về quyền con người ngày càng được mở rộng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã xác định nội dung trọng tâm để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới: “Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển”.

Thực tế hiện nay, trên thế giới tồn tại hơn 50 khái niệm về quyền con người. Đối với Việt Nam, một số khái niệm về quyền con người cũng được các chuyên gia, cơ quan nghiên cứu nêu ra bên cạnh các khái niệm quyền con người của Liên Hợp Quốc (UN). Từ đó, có thể tiếp cận khái niệm quyền con người như sau: Quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế. Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam và điều này được thể hiện rõ trong bản Tuyên ngôn độc lập và trong Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 Điều 14 đã khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trên cơ sở quan điểm của Đảng về quyền con người, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thiết thực nhằm hiện thực hóa quyền con người trong cuộc sống. Để hiện thực hóa và phát huy các giá trị của quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa xã hội cần thiết phải có các yếu tố bảo đảm, đó là những điều kiện, tiền đề cần thiết cho việc bảo đảm thực hiện trên thực tế các quyền con người, đó là:
Trước hết, về chính trị: quyền con người gắn liền với độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Quyền con người chỉ được bảo đảm thực hiện khi dân tộc đó được sống trong độc lập, tự do, không bị áp bức nô dịch. Một đất nước bị nô lệ thì người dân không thể có tự do, dân chủ, không thể nói đến việc thực hiện quyền con người. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm quyền của mỗi người gắn chặt và không tách rời với quyền dân tộc, cho nên Bác đã đấu tranh đòi quyền con người cho cả dân tộc, điều này đã được thể hiện rõ trong Tuyên ngôn độc lập do Người soạn thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945. Vì vậy, điều kiện tiên quyết để đảm bảo thực hiện quyền con người là các quốc gia, dân tộc phải được sống trong môi trường hòa bình, độc lập, giữ vững ổn định chính trị của đất nước. Khi đã giành được độc lập thì phải bảo vệ vững chắc nền độc lập ấy, đồng thời xây dựng hệ thống chính trị với các thiết chế chính trị dân chủ là điều kiện quan trọng về chính trị để chăm lo, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hai là, về pháp luật: pháp luật có vai trò rất quan trọng để bảo vệ và thực hiện quyền con người. Pháp luật là phương thức hữu hiệu có giá trị bắt buộc trên quy mô toàn xã hội, tất cả thành viên trong xã hội phải tuân thủ, phục tùng các quy định của pháp luật. Những quan điểm, định hướng về tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người sẽ rất khó thực hiện nếu không được thể chế hóa thành pháp luật và được bảo vệ bằng pháp luật. Pháp luật là công cụ để  Nhà nước thực hiện và bảo vệ quyền con người, xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện quyền con người, là cơ sở để công dân đấu tranh bảo vệ quyền lợi của họ.
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ đối với cơ quan thực thi quyền lập pháp là: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Đó là định hướng  của Đảng trong việc tạo lập cơ sở pháp lý để thực hiện và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Cho nên, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người là một nội dung quan trọng trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, đáp ứng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp năm 2013 là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Quốc hội cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy bảo vệ quyền con người. Bên cạnh đó, Việt Nam còn tích cực tham gia các công ước quốc tế về quyền con người. “Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên Hợp Quốc về quyền con người; phê chuẩn, ra nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản”.
Ba là, về kinh tế: quyền con người muốn được thực hiện đầy đủ và chất lượng cần thiết phải có điều kiện về vật chất, kinh tế ngày càng phát triển sẽ tạo ra cơ sở vật chất cần thiết nhằm đảm bảo thực hiện tốt hơn các quyền con người trên thực tế. Tuy nhiên, không có nghĩa khi điều kiện về kinh tế chưa phát triển thì các quyền con người không được đảm bảo thực hiện. Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền con người, đang nỗ lực phát triển kinh tế tạo điều kiện thực hiện quyền con người ngày càng tốt hơn. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong đó, thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Đó chính là định hướng quan trọng mà Đảng đã xác định nhằm xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đúng nghĩa ở nước ta. Xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường sẽ có nhiều tác động mang tính tích cực đến bảo đảm quyền con người, trước hết là cải thiện điều kiện về kinh tế, xã hội để thúc đẩy, bảo đảm và giải quyết vấn đề về quyền con người; thúc đẩy công tác bảo đảm quyền con người ở nước ta tiếp cận ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn luật pháp, chuẩn mực quốc tế.
Bốn là, về văn hóa xã hội: mỗi thành viên trong xã hội chính là chủ thể thực hiện quyền con người, vì thế họ phải có trình độ nhận thức về các quyền của bản thân và các vấn đề xã hội khác để tự bảo vệ các quyền của mình. Chính vì vậy, thực hiện quyền con người chịu sự tác động rất lớn vào sự phát triển của nền văn hóa, giáo dục,  trình độ dân trí của con người trong một quốc gia. Quyền con người là quyền tự nhiên, vốn có của mỗi con người với tư cách là một thành viên trong gia đình nhân loại, được nhà nước tôn trọng, bảo vệ nhưng con người phải có ý thức, năng lực để thực hiện các quyền vốn có của bản thân, chống lại mọi hành vi xâm phạm từ các chủ thể khác trong xã hội. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa sức mạnh con người Việt Nam là các định hướng đúng đắn mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định, để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, tạo tiền đề để mỗi cá nhân thực hiện quyền con người.
Thực hiện bảo đảm quyền con người là một nội dung phong phú và có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi quốc gia và đây cũng là mục tiêu cơ bản của Liên Hợp Quốc. Đảng, Nhà nước ta luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, đã tạo mọi điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, pháp luật để bảo vệ và thực hiện tốt các quyền con người ở nước ta. Với những nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước quyền con người sẽ tiếp tục đảm bảo thực hiện ở mức tốt nhất nhằm đáp ứng nhu  cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân trong công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Nguyễn Mạnh Chiến 
Phó trưởng phòng TC, HC, TTTL

---------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII, Nxb chính trị quốc gia-Sự thật, H.2016; H.2021.
- Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dưng phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011).
- Hiến pháp năm 2013.
- Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị, Nxb Lý luận chính trị, H.2021.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập159
  • Hôm nay28,189
  • Tháng hiện tại436,272
  • Tổng lượt truy cập16,385,357
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây