Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động đánh giá giảng viên tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên

Chủ nhật - 19/02/2023 22:14
Đánh giá là khâu quan trọng trong công tác quản lý đội ngũ viên chức nói chung và giảng viên tại các trường chính trị. Đánh giá giảng viên trường chính trị cấp tỉnh có thể hiểu là việc các chủ thể thực hiện theo quy trình, nội dung, phương pháp đã được quy định nhằm làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao cho giảng viên trường chính trị cấp tỉnh theo các tiêu chí nhất định.
Đây cũng là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với giảng viên trường chính trị cấp tỉnh. Thông qua đánh giá quá trình làm việc, cống hiến của giảng viên, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, lãnh đạo Nhà trường sẽ hiểu rõ về mỗi cá nhân cũng như từng tập thể trong đội ngũ giảng viên của Nhà trường. Từ kết quả của việc đánh giá đó, Ban Giám hiệu Nhà trường cũng sẽ có các quyết định phù hợp trong việc quản lý, sử dụng, đãi ngộ, bố trí, cất nhắc, đào tạo, bồi dưỡng cũng như khen thưởng, kỷ luật... đối với các giảng viên.
Việc đánh giá chính xác, khách quan còn là cơ sở vững chắc để đào tạo và sử dụng hợp lý và phát triển đội ngũ giảng viên của Nhà trường, đồng thời tạo ra động lực mạnh mẽ, động viên mỗi giảng viên cống hiến tâm sức, trí tuệ và năng lực của bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển chung của Nhà trường. Ngược lại, đánh giá không đúng, không chính xác, thiếu tính khách quan sẽ dẫn đến việc sử dụng giảng viên một cách tùy tiện, làm mất đi động lực phấn đấu chính đáng của từng cá nhân, thậm chí còn có thể gây xáo trộn về tâm lý của cả một tập thể, gây nên sự trầm lắng và trì trệ trong công việc chung của Nhà trường.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, các nghị quyết của Đảng qua các kỳ Đại hội đều nhấn mạnh quan điểm: “Cần có quan điểm và phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ một cách khoa học, khách quan, công tâm”[1]. Tiếp đó, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX cũng tiếp tục khẳng định “Đánh giá và sử dụng cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu; có phương pháp khoa học, khách quan, công tâm, theo quy trình chặt chẽ, phát huy dân chủ, dựa vào tập thể và nhân dân để tuyển chọn lấy cán bộ”.
Xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt đó, việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác đánh giá viên chức nói chung và giảng viên trường chính trị cấp tỉnh nói riêng là việc làm hết sức quan trọng. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức về sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác đánh giá đối với đội ngũ giảng viên các trường chính trị ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Từ sự thống nhất trong nhận thức sẽ tiến tới thống nhất trong hành động, trong việc triển khai xây dựng và thực hiện công tác đánh giá, góp phần khắc phục tình trạng đánh giá qua loa, hình thức như vẫn thường diễn ra ở các cơ quan, đơn vị như hiện nay.
Việc đổi mới về nhận thức trong công tác đánh giá đối với giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên cần phải bắt đầu từ việc thay đổi cách tiếp cận quan điểm, tư duy về đánh giá giảng viên, có thể tiếp thu chọn lọc cách tiếp cận quản lý, quản trị hiện đại được sử dụng trong quản trị ở khu vực tư. Cách tiếp cận quản trị hiện đại với mục đích đánh giá là để phát triển cá nhân và tổ chức. Thống nhất quan điểm trong Nhà trường về việc sử dụng kết quả đánh giá trong việc cung cấp thông tin cho công tác lập kế hoạch, quy hoạch phát triển đội ngũ giảng viên của Nhà trường, đồng thời là đầu vào quan trọng cho công tác quản trị nhân lực của Nhà trường nói chung và giúp bố trí, sử dụng giảng viên đúng chỗ, đúng lúc, đúng năng lực sở trường, giúp đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết thôi việc, đề bạt theo quy hoạch, kế hoạch và giúp đãi ngộ, khen thưởng đối với các giảng viên một cách hợp lý.
Nhận thức về yêu cầu, tầm quan trọng của công tác đánh giá trong xây dựng đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên cần phải coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của toàn thể cán bộ, viên chức, giảng viên trong Nhà trường. Có như thế mới tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của tất cả các cấp lãnh đạo của Nhà trường và cán bộ, giảng viên trong việc quyết tâm đổi mới triệt để trong hoạt động đánh giá nhằm đáp ứng yêu cầu của quản lý đối với đội ngũ viên chức, giảng viên Nhà trường.
Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đối với toàn thể cán bộ, viên chức, giảng viên và người lao động của Nhà trường, giúp họ hiểu được tầm quan trọng, những thay đổi trong cách tiếp cận về đánh giá nhân sự hiện đại, hiểu được bản chất của các tiêu chí và phương pháp đánh giá đối với đội ngũ giảng viên. Đồng thời, nhận thức được trách nhiệm cá nhân và của đồng nghiệp, từ đó tham gia đánh giá một cách tích cực, dân chủ, khách quan đối với bản thân cũng như đồng nghiệp trong khoa, phòng của Nhà trường.
Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền, phổ biến cũng có thể cần tập trung vào các nội dung liên quan đến các nghiệp vụ đánh giá. Bởi lẽ, chỉ khi nắm vững được các phương pháp đánh giá mới, các mục tiêu, nội dung, yêu cầu quy trình, thủ tục tiến hành và phải vận dụng một cách thành thạo thì các nội dung liên quan tới việc đổi mới tiêu chí, phương pháp đánh giá mới có thể thực sự đi vào thực tiễn, và mới có hi vọng đạt được kết quả, hiệu quả như mong muốn.
Nguyễn Đình Chung
Phó Trưởng phòng QLĐT và NCKH
 

[1] Ban Chấp hành TW Đảng (1997), Nghị quyết số 03-NQ/HNTW khóa VIII ngày 18/6/1997 về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập64
  • Hôm nay14,758
  • Tháng hiện tại490,758
  • Tổng lượt truy cập21,660,875
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây