Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật

Thứ tư - 08/11/2023 19:32
Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL)  được hiểu là hoạt động có định hướng, có tổ chức, có chủ định nhằm đạt mục đích hình thành ở đối tượng được tác động tri thức pháp lý, tình cảm và hành vi phù hợp với đòi hòi của hệ thống pháp luật hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội và nâng cao trình độ văn hoá pháp lý của công dân.
Hoạt động PBGDPL thường xuyên chịu sự tác động, ảnh hưởng của nhiều yếu tố (chính trị, pháp lý, văn hóa, kinh tế…). Các yếu tố đó tác động, chi phối mạnh mẽ đến nội dung, phương pháp, chủ thể và đối tượng PBGDPL. Việc phân tích thấu đáo sự ảnh hưởng của các yếu tố là cơ sở khoa học, thực tiễn để xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này.
1. Yếu tố chính trị
Sự ổn định chính trị sẽ tạo điều kiện, cơ sở thuận lợi cho PBGDPL đạt được kết quả tốt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị - xã hội được ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, vai trò của nước ta trên trường quốc tế có uy tín ngày càng cao, thế và lực của đất nước ngày càng vững vàng. Đây là điều kiện nền tảng, là điểm tựa, là cơ sở nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân.
Vì vậy, Đảng Cộng Sản Việt Nam đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật. Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã nêu rõ: Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần được tăng cường thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn, nhằm làm cho cán bộ và nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, thông qua đó mà kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật. Xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong những năm tới, cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật tốt công tác này để góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Chấp hành trung ương về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW tiếp tục nhấn mạnh ý nghĩa tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục, pháp luật: Là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và của mọi người dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
2 Yếu tố pháp lý
Một hệ thống pháp luật hoàn thiện là điều kiện quan trọng cho công tác PBGDPL. Đối với nước ta, hệ thống pháp luật ngày càng được quan tâm xây dựng, củng cố và hoàn thiện, tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn chỉnh hơn để Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, đầy đủ và phù hợp, toàn diện, khoa học  là cơ sở để cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật có chất lượng. Nhà nước ta đã hình thành cơ chế đồng bộ, thống nhất, điều chỉnh toàn diện về công tác PBGDPL; trong đó xác định cụ thể trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, xây dựng nguồn lực, và các điều kiện bảo đảm hoạt động. Nhiều văn bản pháp luật đã đề cập đến việc tăng cường công tác PBGDPL như Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 07 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PBGDPL trong giai đoạn hiện nay; Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 7 tháng 01 năm 1998 của Thủ  tướng Chính phủ về việc ban hành  Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật … Đặc biệt, Luật phổ biến giáo dục pháp luật 2012; Nghị định 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Quyết định 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/9/ 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật; Quyết định25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Quyết định 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ...đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến căn bản, bền vững về chất lượng, hiệu quả của công tác này.
3.  Tổ chức cán bộ, cơ sở vật chất và phương tiện, kinh phí
Chất lượng, hiệu quả PBGDPL thể hiện trước hết ở việc xây dựng và kiện toàn về tổ chức, phát triển một hệ thống các cơ quan, tổ chức thực hiện PBGDPL theo hướng chuyên nghiệp.
Cùng với đó, cơ sở vật chất và các phương tiện phục vụ cho công tác PBGDPL cũng là một phần quan trọng không thể thiếu, giúp cho công tác PBGDPL được diễn ra thuận lợi, dễ dàng, có hiệu quả, chuyển tải kiến thức pháp luật một cách nhanh chóng.
Yếu tố kinh phí là một điều kiện bảo đảm vô cùng cần thiết. Ngoài nguồn ngân sách, để đảm bảo kinh phí cho GDPL, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động PBGDPL theo quy định của pháp luật. Hiện nay, cùng với việc củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác GDPL, kinh phí cho GDPL cũng được tăng cường, điển hình như: Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13 /3 /2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.Thông tư 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở... đã trao quyền chủ động cho các địa phương trong bố trí ngân sách hàng năm cho công tác PBGDPL, tạo điều kiện thuận lợi để PBGDPL được tiến hành dễ dàng và có hiệu quả hơn.
4. Kinh tế - xã hội
Về kinh tế: Chủ trương xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước đã đáp ứng được nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng cao của nhân dân, củng cố tình cảm và niềm tin của nhân dân vào đường lối đổi mới của Đảng. Dưới góc độ PBGDPL cho thấy ý thức pháp luật là một hình thái ý thức xã hội và bao giờ cũng chịu sự chi phối của tồn tại xã hội, bởi điều kiện kinh tế.  Kinh tế phát triển ổn định và bền vững có ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến nhiệm vụ PBGDPL là điều kiện thuận lợi giúp cho nhiệm vụ PBGDPL đạt chất lượng, hiệu quả.
Về văn hóa: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong giai đoạn nước ta thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế là điều kiện nâng cao ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý cho người dân. Môi trường văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là cơ sở vững chắc cho chủ thể PBGDPL xây dựng và lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp PBGDPL phù hợp với đối tượng.
Về giáo dục: Giáo dục và đào tạo được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng với mục tiêu tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục.  Dân trí được nâng cao là tiền đề cần thiết để người dân nâng cao ý thức pháp luật. Vì vậy, giáo dục là điều kiện thuận lợi và có tầm quan trọng mang giá trị cao đối với công tác PBGDPL.
Về xã hội: Kinh tế phát triển với mức tăng trưởng cao; an ninh chính trị và trật tự xã hội được giữ vững ổn định, tạo ra được nhiều mối quan hệ rất tốt đẹp. Chính sách an sinh xã hội, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xóa đói giảm nghèo...được hưởng ứng và nhân rộng trong nhân dân là môi trường thuận lợi nâng cao chất lượng công tác PBGDPL góp phần tạo dựng xã hội ổn định có kỷ cương, có trật tự.
5. Ý thức pháp luật của người dân
Ý thức pháp luật có vai trò quan trọng trong việc triển khai, pháp luật vào đời sống xã hội. Hiệu quả công tác PBGDPL phụ thuộc vào mức độ hiểu biết pháp luật của người dân. Đó chính là yếu tố tạo niềm tin vững chắc của người dân vào tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật. Ngược lại, thiếu hiểu biết pháp luật sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đảng, vào chính quyền. Ý thức  pháp luật của nhân dân chính là sự phản ánh trực tiếp thực tiễn đời sống pháp luật ở địa bàn dân cư và cũng chính là điều kiện cơ bản để lựa chọn nội dung, hình thức, chủ thể PBGDPL cho phù hợp.
Nguyễn Thị Hồng Mây
Trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập123
  • Hôm nay25,340
  • Tháng hiện tại536,967
  • Tổng lượt truy cập21,019,360
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây