Nâng cao nhận thức về sự cần thiết hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị

Thứ hai - 02/12/2024 21:13
Hệ thống chính trị là một chỉnh thể gồm các đảng chính trị, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội hợp pháp được liên kết với nhau trong một hệ thống tổ chức nhằm tác động vào các quá trình của đời sống xã hội, để củng cố, duy trì và phát triển chế độ đương thời phù hợp với lợi ích của chủ thể giai cấp cầm quyền.
Mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị Việt Nam là cơ cấu tổ chức tổng thể hệ thống chính trị. Mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị Việt Nam về cơ bản ổn định từ năm 1945 đến nay và được cơ cấu từ 3 khối (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội)
Đổi mới hệ thống chính trị, hoàn thiện mô hình tổng thể hệ thống chính trị nước ta là một đòi hỏi khách quan và đây là một chủ trương đúng của Đảng. Các nghị quyết của Đảng về đổi mới hệ thống chính trị, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X “Về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28-5-2013, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở”, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã được triển khai thực hiện nghiêm túc và thu được những kết quả quan trọng bước đầu.  Kết luận số 50-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 28/12/2023 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đánh giá: Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị  đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chưa đầy đủ, sâu sắc, quyết tâm thực hiện chưa cao, còn máy móc, chưa gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; chưa gắn sắp xếp tổ chức bộ máy với tinh giản biên chế theo vị trí việc làm và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thu hút nhân tài. Chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, tổ chức vẫn còn trùng lặp, chồng chéo, chưa phù hợp, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động....
Vì vậy, Đảng ta chủ trương: Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị; xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới.
Hệ thống quan điểm của đảng về đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị đều nhất quán nhiệm vụ: Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổng thể cơ bản, ổn định lâu dài của hệ thống chính trị ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, từng bước đổi mới, tổ chức lại hệ thống chính trị theo mô hình tổng thể. Đại hội XIII của Đảng xác định “Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị; xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới”.
Để hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể HTCT ở Việt Nam, trong thời gian tới, cần chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết là thống nhất, nâng cao nhận thức về sự cần thiết hoàn thiện tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong tình hình mới. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong hệ thống của Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan truyền thông đại chúng trong tuyên truyền về xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị
Những nội dung được chú trọng trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị Việt Nam là: Xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị Việt Nam là một quá trình phức tạp, lâu dài, phản ánh sự phù hợp với điều kiện lịch sử, văn hóa và chính trị của đất nước; Hoàn thiện mô hình tổng thể hệ thống chính trị trong tình hình mới phải khẳng định vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam; phải thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí của Nhà nước trong hệ thống chính trị, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị TW 6 khóa XII, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Đề án số 09-ĐA/TU và Kế hoạch số 79- KH/TU, căn cứ quy định tại các Nghị định của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy, chính sách tinh giản biên chế và hướng dẫn của Bộ, ngành, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức triển khai thực hiện với quyết tâm cao, tích cực, đồng bộ, đến nay đã đạt được kết quả tích cực: Tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh đã được rà soát, sắp xếp, kiện toàn theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó; tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, sau sắp xếp đã đi vào hoạt động, từng bước ổn định, bảo đảm thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ cấp ủy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, thực thi công vụ trên các lĩnh vực.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, hoàn thiện mô hình tổng thể hệ thống chính trị,  cần chú trọng vào những giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm, quyết tâm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và các chủ trương, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối để bảo đảm thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế theo quy định của Đảng và Nhà nước, xây dựng, hoàn thiện văn bản chỉ đạo về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Ba là, đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.
Bốn là, tổ chức triển khai các biện pháp đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc của cơ quan hành chính các cấp trên môi trường số.
Trần Thị Thanh Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm54
  • Hôm nay35,428
  • Tháng hiện tại415,537
  • Tổng lượt truy cập22,173,418
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây