Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại và hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cống hiến của Người thể hiện ở nhiều mặt, trong đó nổi bật là việc xác lập hệ thống quan điểm về văn hóa và xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam. Tháng 8/1943, trong phần cuối của tập Nhật ký trong tù (Mục đọc sách) Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”1. Trong quan niệm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận văn hóa theo nghĩa rộng nhất, đó là toàn bộ những giá trị vật chất và những giá trị tinh thần mà loài người đã sáng tạo ra, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống, đòi hỏi của sự sinh tồn và cũng là mục đích cuộc sống của loài người. Quan niệm này khắc phục được nhận thức phiến diện về văn hóa trong lịch sử và hiện tại, coi văn hóa là lĩnh vực tinh thần, văn học, nghệ thuật, hoặc là giáo dục, phản ánh trình độ học vấn.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của văn hóa, ngay sau khi nước nhà độc lập, Hồ Chí Minh với cương vị là Chủ tịch nước, đã bắt tay ngay vào việc chỉ đạo, thiết kế, xây dựng nền văn hóa dân tộc, đó là nền văn hóa mới mang tính dân tộc, khoa học và đại chúng. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc chính là xây dựng tính dân tộc cho nền văn hóa. Tính dân tộc của nền văn hóa được Hồ Chí Minh biểu đạt bằng nhiều khái niệm như đặc tính dân tộc, cốt cách dân tộc, nhằm nhấn mạnh đến chiều sâu bản chất của văn hóa dân tộc, giúp phân biệt, không nhầm lẫn với văn hóa của các dân tộc khác. Người cho rằng, để được như vậy phải trau dồi cho văn hóa, văn nghệ có tinh thần thuần túy Việt Nam, phải lột tả cho hết tinh thần dân tộc, đó là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần độc lập, tự cường, mình vì mọi người, cần kiệm liêm chính,... Bản sắc văn hóa dân tộc được nhìn nhận qua hai lớp quan hệ. Về nội dung, đó là lòng yêu nước, thương nòi; tinh thần đoàn kết; tinh thần độc lâp, tự cường, tự tôn dân tộc,... Về hình thức, cốt cách văn hóa dân tộc biểu hiện ở ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lễ hội, cách suy nghĩ, hành động,... Bản sắc văn hóa dân tộc chứa đựng những giá trị lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam là phải trân trọng, giữ gìn, phát huy, phát triển những giá trị của văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn lịch sử.
Theo Hồ Chí Minh, nội dung giáo dục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phải bắt đầu từ giáo dục lịch sử và phải đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục lịch sử cho mọi tầng lớp nhân dân: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Hiểu lịch sử dân tộc tức là hiểu được sự sinh tồn, sự sống, sự sáng tạo văn hóa của dân tộc tích lũy qua quá trình lịch sử, từ đó mỗi người trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đó trong điều kiện lịch sử mới. Giữ gìn bản sắc dân tộc không có nghĩa là nền văn hóa khép kín. Giữ gìn bản sắc nhưng đồng thời phải tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho nền văn hóa của dân tộc. Người chỉ rõ: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”. Như vậy, mục đích của việc tiếp thu văn hóa nhân loại là để làm giàu cho văn hóa Việt Nam, xây dựng văn hóa Việt Nam hợp với tinh thần dân chủ. Nội dung là tiếp thu toàn diện bao gồm Đông, Tây, kim, cổ. Tiêu chí tiếp thu là cái gì hay, cái gì tốt ta học lấy. Lấy văn hóa dân tộc làm gốc, đó là điều kiện, cơ sở để tiếp thu văn hóa nhân loại.
2. Công tác giáo dục ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho học viên Trường chính trị tỉnh Thái Nguyên
Hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định việc “giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” là vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa đầy mâu thuẫn và phức tạp ngày nay. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là chiến lược phát triển bền vững quốc gia, là nhiệm vụ chung của toàn xã hội trong đó giáo dục giữ vai trò quan trọng nhất. Những chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã tạo hành lang pháp lý cho các đầu tư tài chính vào di tích, lễ hội ở địa phương. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để giữ gìn, lưu truyền bản sắc văn hóa dân tộc trong tỉnh.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có dân số trên 1,3 triệu người, có 51/54 dân tộc anh em cùng sinh sống và làm việc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 384.000 người (chiếm xấp xỉ 30% dân số). Là vùng đất trung du miền núi, Thái Nguyên kế thừa được tinh túy văn hóa đồng bằng sông Hồng, cũng như sự đặc sắc của văn hóa các dân tộc miền núi. Với những đặc trưng này, Thái Nguyên cũng có những nét văn hoá đặc thù, giàu bản sắc và đa dạng. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê đưa vào danh mục, trong đó, 23 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tiêu biểu như: múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay (huyện Phú Lương), Lễ hội Núi Văn - Núi Võ (huyện Đại Từ), Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu..., trong đó nhiều di sản phi vật thể được gắn với điểm du lịch cộng đồng để thu hút du khách. Cùng với hệ thống di tích, 189 lễ hội trải khắp địa bàn tỉnh được tổ chức định kỳ hàng năm. Mỗi địa phương đều có những lễ hội truyền thống riêng và mang tính chất đặc trưng, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân, đó là: Lễ hội Cầu mùa của đồng bào dân tộc Sán Chay ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương; Câu lạc bộ hát Soọng Cô tại huyện Đồng Hỷ....
Tuy nhiên, cũng như tình hình chung của nhiều địa phương trong cả nước, dưới áp lực của sự phát triển kinh tế xã hội dẫn đến những thay đổi tập quán sinh sống, nhiều lễ hội truyền thống của địa phương đã biến mất, hoặc mai một dần mà không có khả năng phục hồi (nếu có chăng thì rất ít). Ngoài nguy cơ mai một của các yếu tố phi vật thể, yếu tố vật thể trong các di tích cũng có nguy cơ hư hại dần theo thời gian, dưới ảnh hưởng khắc nghiệt của thời tiết và những hạn chế về nhận thức của con nguời. Một bộ phận người dân, đặc biệt là bộ phận thanh thiếu niên bị ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai từ nước ngoài, xa rời giá trị văn hóa dân tộc, du nhập lối sống phương Tây, tạo ra thách thức lớn đối với việc thực hiện vai trò giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Mặt khác, các thế lực xấu không ngừng lôi kéo, dụ dỗ quần chúng nhân dân xa rời chính sách của Đảng và Nhà nước, mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm luật pháp dẫn đến khó khăn trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống .
Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc ở tỉnh Thái Nguyên, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên với chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho toàn tỉnh đã luôn quan tâm giáo dục, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc cho đội ngũ học viên của Trường. Nhà trường đã chú trọng yêu cầu giảng viên bám sát khung chương trình do Học viện Chính trị quốc gia ban hành, cập nhật thường xuyên các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; các chỉ thị, đề án của tỉnh về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Chú trọng tăng cường các chuyên đề báo cáo thực tế về tình hình bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động nghiên cứu thực tế cho học viên tại các khu di tích lịch sử, các khu bảo tồn văn hoá trong và ngoài tỉnh để học viên có cơ hội ôn lại lịch sử truyền thống vẻ vang của dân tộc và giao lưu học hỏi về kinh nghiệm bảo tồn, phát triển văn hoá trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc cho học viên, Nhà trường cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ giảng viên trong quá trình giảng dạy cần chú ý khai thác các nội dung sau:
- Giáo dục đạo đức mới: cụ thể là giáo dục phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, “tình yêu thương con người, sống tình nghĩa”. Phân tích, làm rõ nội hàm của những phẩm chất đạo đức này được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.
- Giáo dục lối sống mới: đó là lối sống có lý tưởng, hoài bão, văn minh, kết hợp hài hòa truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại. Sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc cho phù hợp với đời sống hiện tại.
- Giáo dục phong cách sống, phong cách làm việc: sống khiêm tốn, giản dị, yêu lao động, biết quý trọng thời gian, cởi mở, chân tình, độ lượng, khoan dung. Trong làm việc cần giáo dục tác phong quần chúng, tác phong dân chủ, khoa học. Đặc biệt chú ý việc nêu gương, nói đi đôi với làm.
- Giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa trường Đảng. Truyền thống, bản sắc văn hóa trường Đảng là một hệ thống các giá trị văn hóa trường Đảng được tạo nên bởi sự bồi đắp và chia sẻ những giá trị mang tính chuẩn mực về tri thức, niềm tin, lý tưởng, hành động, đạo đức… Những giá trị này mang tính đặc trưng và bản sắc riêng, phản ánh môi trường giáo dục cán bộ đặc thù, mang tính ổn định và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực cho học viên, Nhà trường cần chú trọng đẩy mạnh phổ biến Quy định về ứng xử văn hóa cho học viên ban hành kèm theo Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Học viên nhà trường phải nỗ lực cố gắng tuân thủ nghiêm túc nội quy, quy chế; thực hiện nghiêm túc các quy định về ứng xử văn hóa, duy trì và phát huy văn hoá Trường Đảng; nỗ lực học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị.
Trong quá trình giảng dạy, giảng viên chú ý liên hệ những vấn đề chung của tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng với các nội dung sinh hoạt, học tập cụ thể của học viên, cũng như phong tục, tập quán của các dân tộc Việt Nam đặc biệt các dân tộc có trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú ý liên hệ với việc thực hiện các nội quy, qui chế hiện hành nhằm giúp học viên rèn luyện lối sống, phong cách sống văn minh, xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực, nâng cao ý thức trách nhiệm của học viên trong quá trình học tập, rèn luyện. Việc gắn nội dung giáo dục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với việc thực hiện các qui định, qui chế của Nhà trường là cần thiết để gắn lý luận với thực tiễn, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của học viên, đáp ứng yêu cầu của từng loại hình đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường, phù hợp với tầm nhìn và giá trị cốt lõi mà Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên hướng đến.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một nội dung quan trọng trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh. Nội dung này đã được Đảng ta cụ thể hóa thành đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, việc giáo dục nội dung này cho học viên Trường Chính trị Thái Nguyên là rất cần thiết, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trần Thị Thanh Huyền