Tăng cường giáo dục giá trị di sản văn hóa dân tộc cho học viên qua hoạt động nghiên cứu thực tế tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên

Thứ sáu - 27/09/2024 04:20
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, văn hóa và các di sản văn hóa ngày càng được nhắc đến một cách rộng rãi với nhiều hình thức phong phú. Văn hóa nói chung và các di sản văn hóa nói riêng đang có vai trò, sứ mệnh quan trọng đặc biệt đối với mỗi quốc gia bởi sức lan tỏa mạnh mẽ và tác dụng to lớn trong việc xây dựng, giáo dục lòng tin, làm sâu sắc và thắt chặt hơn các mối quan hệ chính trị và kinh tế của các thành viên trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau.
Luật Di sản Việt Nam quy định: Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia. Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.
Di sản văn hóa trong đời sống người Việt là kết tinh của nền văn hóa Việt Nam, là cầu nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai về phương diện văn hóa - hồn cốt dân tộc, là tác nhân truyền bá, kích thích lòng yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc; là động lực để tạo sức mạnh bảo tồn, duy trì và phát triển di sản văn hóa của cha ông để làm mạnh, làm giàu thêm cho non sống đất nước. Tăng cường giáo dục về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc sẽ giúp học viên biết thưởng thức đánh giá; biết trân trọng giữ gìn, biết tự hào và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của từng di sản văn hóa mà thế hệ ông cha chúng ta đã không tiếc máu xương, mồ hôi và nước mắt dựng xây và giữ gìn. Qua đó nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm công dân của mình, hiểu được quyền và nghĩa vụ thụ hưởng, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa của Việt Nam, từ đó sẽ tham gia tích cực vào đời sống văn hóa chung của nhà trường, xã hội và cộng đồng. Việc giáo dục di sản văn hóa giúp cho học viên tích lũy thêm được các giá trị văn hóa quý giá của dân tộc trong hành trang cuộc sống của mình, đó sẽ là cơ sở văn hóa nền tảng giúp cán bộ, đảng viên quảng bá ra thế giới những giá trị văn hóa tốt đẹp, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể điển hình mang hồn cốt và tinh hoa dân tộc Việt, đồng thời có năng lực tiếp thu tinh hóa văn hóa nhân loại để làm giàu thêm bản sắc văn hóa của nước nhà.
Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về Quy chế  quản lý đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức các chuyến nghiên cứu thực tế cho học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng với nhiều địa điểm trong và ngoài tỉnh. Qua hoạt động thực tế học viên được nghiên cứu các mô hình, điển hình, tìm hiểu các cách làm hay, làm mới của địa phương, tham quan các cơ sở sản xuất kinh doanh, tham gia các hoạt động văn hóa – xã hội, được nghiên cứu trao đổi về hoạt động của chính quyền, đoàn thể cơ sở, nghe báo cáo thực tế do địa phương chuẩn bị.... Từ năm 2020 đến nay, nhà trường đã tổ chức đưa khoảng 7.000 học viên các lớp đi tham quan nghiên cứu thực tế, trong đó học viên Trung cấp lý luận chính trị chiếm hơn 60%. Việc tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế là hoàn toàn phù hợp với phương châm “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn với thực tiễn” và đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của học viên. Nghiên cứu thực tế là cơ hội và điều kiện tốt để học viên được thâm nhập thực tiễn, được tìm hiểu một cách sâu sắc về thực tế các mô hình, điển hình xây dựng, phát triển kinh tế - Văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh ở một số địa phương, cơ sở. Đặc biệt, qua nghiên cứu thực tế giúp học viên có thêm những tư liệu, kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở sau này. Tuy nhiên việc nghiên cứu thực tế của một số lớp vẫn còn mang tính chất tham quan, việc giáo dục giá trị văn hóa di sản tại địa điểm thực tế còn hạn chế, địa điểm nghiên cứu thực tế chưa thực sự đa dạng. Ý thức, trách nhiệm của số ít học viên trong việc tham gia đi nghiên cứu thực tế chưa cao, chưa có sự tìm tòi trước khi về địa phương, cơ sở đến nghiên cứu thực tế. Do đó, để nâng cao hiệu quả giáo dục giá trị di sản văn hóa cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là: Nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên nhà trường và học viên về ý nghĩa của giáo dục giá trị di sản.
Giáo dục giá trị di sản cho là một nội dung được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo chỉ đạo thực hiện tại các cơ sở giáo dục nhiều năm nay. Mục đích của việc giáo dục di sản là để giúp học viên hiểu biết về giá trị của các di sản, qua đó giáo dục ý thức gìn giữ, bảo vệ các di sản, đồng thời góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học, hướng tới việc phát triển toàn diện cho người học. Do vậy, Nhà trường, các khoa phòng chuyên môn, các giảng viên tham gia hướng dẫn học viên nghiên cứu thực tế cần quan tâm hơn đến giáo dục giá trị di sản cho học viên. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên.
Hai là:Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, học viên trong hoạt động nghiên cứu thực tế.
- Giáo viên chủ nhiệm lớp phải quán triệt đến học viên quy định về hoạt động nghiên cứu thực tế trong khóa học, trao đổi, định hướng nội dung, địa điểm, hình thức đi nghiên cứu thực tế. Chủ động phối hợp với phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, phòng Tổ chức, Hành chính, Thông tin, Tư liệu xây dựng kế hoạch, nội dung của hoạt động thực tế, đảm bảo cho học viên được quan sát, được tìm hiểu và tham gia vào hoạt động tại địa phương.
- Các khoa chuyên môn căn cứ đối tượng học viên, địa điểm, nội dung thực tế để phân công giảng viên tham gia hướng dẫn thực tế phù hợp. Giảng viên hướng dẫn phải lựa chọn những nội dung phù hợp để trao đổi, định hướng cho học viên trong quá trình thực tế, hướng dẫn học viên cách tiếp cận các vấn đề thực tiễn, tăng cường nội dung giáo dục giá trị di sản tại địa phương cho học viên: Cung cấp thông tin, định hướng tiếp cận các giá trị văn hóa, cách thức bảo tồn, phát huy và khai thác giá trị các di sản... để học viên được trải nghiệm, học hỏi.
-  Ban Giám hiệu chỉ đạo các khoa, phòng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết, báo cáo tình hình cụ thể của hoạt động thực tế. Tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên.Chú trọng tăng cường phản hồi thông tin với địa phương, cơ sở nơi nghiên cứu; quan tâm, chỉ đạo việc đa dạng hóa hoạt động nghiên cứu thực tế.
- Đối với học viên: Trong quá trình đi nghiên cứu thực tế học viên phải thực sự nghiêm túc tiếp thu kiến thức thực tế để phục vụ học tập và công tác. Trong quá trình làm việc, nghe báo cáo, tham quan các mô hình, các di tích, di sản học viên cần có ý thức tôn trọng, lắng nghe, ghi chép đầy đủ các nội dung ý kiến, đề xuất, kiến nghị từ cơ sở. Khi kết thúc đợt nghiên cứu thực tế, mỗi học viên phải nghiêm túc đầu tư thời gian và công sức hoàn thành bài viết thu hoạch.
Ba là: Cần tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học viên khi tổ chức đi nghiên cứu thực tế.
Cần có sự đa dạng hơn trong hình thức, nội dung trải nghiệm thực tế cho học viên. Khi xây dựng kế hoạch đưa học viên đến thực tế tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các di sản văn hóa, học viên phải được tham gia, trao đổi, thảo luận những vấn đề quan tâm chứ không chỉ thụ động đón nhận, hoặc đi xem cho vui mà không hiểu di sản đó sinh ra từ đâu, có giá trị như thế nào, cách thức bảo tồn, phát huy và khai thác các di sản của địa phương ra sao, hiệu quả thế nào....
Tăng cường cho học viên tiếp xúc với lễ hội, các hoạt động tín ngưỡng, phong tục văn hóa tại địa phương, giúp học viên có những trải nghiệm thực tế. Khi tham gia trực tiếp vào việc giữ gìn di sản văn hóa, học viên sẽ thấy yêu và trân trọng văn hóa truyền thống, trân trọng và biết ơn các thế hệ trước, qua đó nâng cao sẽ có ý thức giữ gìn và bảo vệ di tích, di sản văn hóa lịch sử trên quê hương.
Bốn là: Tăng cường liên kết giữa nhà trường với các địa điểm thực tế, trung tâm văn hoá di sản.
Để giáo dục giá trị di sản cho học viên hiệu quả thì cần đẩy mạnh sự kết nối, hợp tác giữa các địa phương, các trung tâm di sản với nhà trường để xây dựng chương trình thực tế phù hợp với yêu cầu: phối hợp lựa chọn chương trình, các sản phẩm cụ thể phù hợp với các đối tượng học viên. Đồng thời phải có không gian văn hóa thích hợp để học viên được tham gia hoạt động sáng tạo. Việc xây dựng chương trình giáo dục di sản cho các đối tượng học viên các lớp phải được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Năm là: Lồng ghép nội dung giáo dục về di sản văn hóa trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, các bài kiến thức bổ trợ, thực tiễn kinh nghiệm địa phương.
Lựa chọn nội dung giáo dục về di sản văn hóa để lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chuyên đề của học viên, các bài kiến thức bổ trợ, thực tiễn kinh nghiệm địa phương sẽ góp nâng cao ý thức cho học viên về việc họ chính là chủ nhân hưởng thụ và bảo vệ, phát huy giá trị của các di sản văn hóa của đất nước, của địa phương. Thông qua các hoạt động giáo dục tại nhà trường, giảng viên có điều kiện hướng dẫn cho học viên những cách thức, biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của chính địa phương. Đây cũng chính là hình thức thiết thực nhất và dễ tiếp thu nhất. Đây cũng là những dịp để học viên trao đổi, giới thiệu, quảng bá giá trị di sản của địa phương mình đến các bạn trong lớp. Ðưa giáo dục giá trị di sản vào hoạt động nghiên cứu thực tế, lồng ghép nội dung qua các phần học là cách làm hay, và phát huy được hiệu quả trên thực tế. Nhưng để nâng cao nhận thức về ý nghĩa di sản văn hóa, lịch sử đối với học viên, thì các hoạt động, các nội dung giáo dục di sản văn hóa cần được lựa chọn phù hợp với từng đối tượng học viên và từng loại hình lớp học.
Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá kết tinh đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Hội nhập quốc tế tạo nên nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức, trong đó có thách thức về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Chính vì vậy, giáo dục di sản văn hóa dân tộc cho các thế hệ học viên Nhà trường việc làm cần thiết, có ý nghĩa vô cùng to lớn vì trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay là phải biết bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống.
Trần Thị Thanh Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập44
  • Hôm nay35,428
  • Tháng hiện tại415,638
  • Tổng lượt truy cập22,173,519
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây