Một số vấn đề về xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng

Thứ sáu - 10/12/2021 02:52
Xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết thực chất là xây dựng Đảng về chính trị, là vấn đề quan trọng đối với mỗi cấp ủy Đảng. Trong quá trình xây dựng đường lối, nghị quyết đòi hỏi không thể lấy ý chí chủ quan áp đặt mà phải trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, trên cơ sở khoa học cơ sở thực tiễn. Từng cấp, từng ngành, các đơn vị khác nhau sẽ có nghị quyết của cấp mình nhưng cái đích cuối cùng là phải thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phải có hiệu quả cao để góp phần thực hiện mục tiêu: dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xác định nghị quyết đúng là vấn đề trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng, gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, đòi hỏi phải dựa trên cơ sở khoa học. Lênin khẳng định “không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng” và “chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sỹ tiên phong”[1]. Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Vì vậy, xây dựng đường lối của Đảng phải xuất phát từ cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở vận dụng nguyên lý, lý luận đó vào điều kiện cụ thể, phải thấy hết được điều kiện khách quan và chủ quan, thấy rõ được tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn cụ thể mà xây dựng nghị quyết.
Muốn hiểu rõ thực tiễn, các cấp ủy Đảng phải đi sâu đi sát quần chúng, lắng nghe ý kiến quần chúng, nắm vững tâm tư nguyện vọng của quần chúng, đó là cơ sở để đề ra đường lối, nghị quyết đúng, làm cho đường lối, nghị quyết đề ra phải xuất phát từ nhân dân và trở lại phục vụ nhân dân; đồng thời nâng cao trình độ tổng kết thực tiễn, tổng kết tổ chức thực hiện đường lối, nghị quyết để thấy những mục tiêu, yêu cầu đường lối, nghị quyết đề ra, những mục tiêu chưa đạt, những vấn đề mới nẩy sinh trong quá trình tổ chức thực tiễn, nhằm điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh đường lối, nghị quyết.
Để xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng một cách hiệu quả, cần:
Thứ nhất, về xây dựng nghị quyết
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành nghị quyết của Đảng. Ban hành nghị quyết khi thật sự cần thiết, hợp lý, thiết thực, ngắn gọn, khả thi. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, giám sát chặt chẽ việc cụ thể hoá, thể chế hoá, tổ chức thực hiện nghị quyết; coi trọng kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận của Đảng, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Đảng. Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới ”[2] Để thực hiện tốt nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đòi hỏi phải tuân thủ qui trình xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết theo nội dung:
Phải xác định rõ tính chất, yêu cầu, định hướng của nghị quyết. Mặt khác, phải xem xét nghị quyết đó là loại nào để tìm ra vấn đề cốt lõi trong xây dựng nghị quyết.
Sau khi tìm ra vấn đề cốt lõi của nghị quyết phải tiến hành tổ chức lực lượng gồm nhiều bộ phận như: Bộ phận khảo sát, thu thập và xử lý thông tin trong và ngoài nước về vấn đề được đặt ra; bộ phận tổng kết thực tiễn trên tất cả các mặt trong phạm vi của nghị quyết.
Phải tiến hành hội thảo, thảo luận trên cơ sở văn bản gửi trước hoặc chọn vấn đề thảo luận tranh thủ ý kiến của các nhà khoa học trên các lĩnh vực và phát huy trí tuệ, sự sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân để đề ra được nghị quyết đúng đắn.
Khi có nghị quyết phải tiến hành tổ chức làm điểm, trên cơ sở đó tổng kết, rút kinh nghiệm và bổ sung hoàn chỉnh để triển khai thực hiện.
Để ra được một nghị quyết đúng cần dựa vào các cơ sở sau đây: Nghị quyết của cấp uỷ cấp trên; Nghị quyết đại hội của đảng bộ từ đầu nhiệm kỳ; Những vấn đề do thực tiễn đang đặt ra đối với địa phương, đơn vị; nhu cầu, lợi ích chính đáng (cả trước mắt và lâu dài) của nhân dân; Điều kiện thực tế và xu hướng phát triển của địa phương, đơn vị.
Thứ hai, về tổ chức thực hiện nghị quyết
 Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, mọi đường lối, nghị quyết của Đảng được thực hiện không chỉ bằng nỗ lực của cán bộ, đảng viên mà chính bằng sức mạnh của toàn dân, điều này đã được lịch sử chứng minh qua các thời kỳ cách mạng. Để đường lối, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống với hiệu quả cao cần làm tốt một số khâu sau:
Một là, tổ chức nghiên cứu, quán triệt nghị quyết
Trên cơ sở nắm vững chỉ tiêu, biện pháp của nghị quyết, nắm vững đường lối chính sách của Đảng một cách cụ thể, đảng viên, cán bộ, các tổ chức đảng tuyên truyền nghị quyết trong nhân dân, công khai các nghị quyết, chương trình hành động của cấp uỷ, của tổ chức đảng. 
Muốn nhân dân nắm vững được nội dung cơ bản của đường lối, nghị quyết thì lựa chọn nội dung và hình thức tuyên truyền thích hợp. Yêu cầu ngắn gọn (tập trung vào những vấn đề cốt lõi, phân tích sâu những vấn đề trực tiếp liên quan đến địa phương, đơn vị), dễ hiểu, dễ nhớ, để nhân dân dễ thực hiện. Ngoài việc phổ biến nghị quyết, điều quan trọng là hành động gương mẫu thực hiện của mỗi cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng. Trên cơ sở đó, mà khẳng định tính đúng đắn, tính thuyết phục của đường lối, nghị quyết.
Hai là, phải vận dụng đường lối, nghị quyết một cách sáng tạo.
Trên cơ sở nội dung cơ bản của đường lối, nghị quyết đòi hỏi mỗi đơn vị phải từ thực tiễn của địa phương, đơn vị mình vận dụng một cách sáng tạo để xây dựng chương trình hành động. Những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đưa ra có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, không dập khuôn, máy móc đồng thời hết sức thận trọng.
Ba là, tổ chức lực lượng thực hiện nghị quyết.
Vấn đề quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng là tổ chức lực lượng. Để thực hiện tốt những yêu cầu của đường lối, nghị quyết của Đảng, vấn đề quan trọng là phải có đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực để thực hiện và tổ chức thực hiện nghị quyết đó. Muốn vậy, phải phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng trong cấp uỷ; bố trí cán bộ cho đúng người, đúng việc; xây dựng quy chế làm việc; phát động phong trào hành động trong quần chúng. Thì việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng mới đạt hiệu quả cao.
Đội ngũ cán bộ phải biến nghị quyết thành hành động cách mạng của nhân dân, cho nên cán bộ phải trực tiếp hướng dẫn nhân dân, cùng làm với dân, gương mẫu thực hiện trước dân, thực hiện phương châm nói cho dân nghe, nghe dân nói, hướng dẫn cho dân làm.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra.
Đường lối, nghị quyết dù đúng đắn đến đâu vẫn có yếu tố chủ quan của con người, có nhiều vấn đề có thể chưa đánh giá hết, hoặc có vấn đề mới nảy sinh, nên trong quá trình thực hiện phải tăng cường công tác kiểm tra. Kiểm tra không những để uốn nắn những lệch lạc, chệch hướng mà còn kịp thời phát hiện những vấn đề mới để bổ sung đường lối, chính sách. Đảng ta đã khẳng định: Lãnh đạo phải có kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo.
Năm là, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.
Trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng, các địa phương, đơn vị định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá đúng hiệu quả của nghị quyết, những mặt đã làm được, những mặt chưa làm được, từ đó đề ra chủ trương mới, nhằm thực hiện đường lối, nghị quyết có hiệu quả hơn và có những mặt bổ sung cho những nghị quyết sau. Như vậy, việc tổng kết, bổ sung,... diễn ra liên tục trong quá trình tổ chức thực hiện cũng như khi thực hiện xong một đường lối, nghị quyết.
Tóm lại : Trên cơ sở những bài học thành công và chưa thành công trong xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối, nghị quyết, Đảng ta khẳng định: Để có một đường lối nghị quyết đúng đòi hỏi phải giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng; phải giữ vững tư duy độc lập và sáng tạo; phải kiên định lập trường chính trị, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước; phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tốt khẩu hiệu: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; dân giám sát, dân thụ hưởng, phát huy cao độ vai trò sáng tạo và sức mạnh của toàn dân trong xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng nhằm thực hiện mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Cần chú trọng từ khâu xây dựng nghị quyết đến tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, có như vậy, nghị quyết của Đảng mới được xây dựng và đi vào cuộc sống một cách có chất lượng, hiệu quả.
Đặng Triệu Hùng
Khoa Xây dựng Đảng
--------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2018): Giáo trình cao cấp lý luận chính trị - Xây dựng Đảng, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội.

[1] V.I.Lênin Toàn tập, tập 6, NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr 32. 
 
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, Nxb CTQG, H, 2021, tr 199.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập96
  • Hôm nay26,245
  • Tháng hiện tại150,058
  • Tổng lượt truy cập20,632,451
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây