Để giảng dạy có chất lượng, hiệu quả các nội dung “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng” trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị hiện hành, giảng viên cần lưu ý những điểm cơ bản sau:
Một là, Trong giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, phần nghiệp vụ công tác đảng ở cơ sở năm 2017, tại bài 1 “Tổ chức cơ sở đảng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng” chưa đưa khái niệm tổ chức cơ sở đảng mà đưa ra quy định chung về tổ chức cơ sở đảng. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị xuất bản năm 2021 có bổ sung khái niệm tổ chức cơ sở đảng “Tổ chức cơ sở đảng là các đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở được lập ở đơn vị hành chính, sự nghiệp, kinh tế hoặc công tác có từ ba đảng viên chính thức trở lên, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy cấp trên cơ sở”. Từ khái niệm trên, Giảng viên luận giải để giúp học viên hiểu về tổ chức cơ sở đảng, phân biệt về các hình thức tổ chức và các loại hình của tổ chức cơ sở đảng.
Hai là, giáo trình cũ không luận giải về khái niệm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Giáo trình mới bổ sung khái niệm được trình bày tại mục “1.2.1.1. Khái niệm năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng”. Từ khái niệm này, bằng những kiến thức lý luận và thực tiễn, giảng viên cần phân tích làm rõ khái niệm năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng để giúp cho học viên nhận thức đúng nội hàm khái niệm về năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng.
Tại mục “1.2.2.1. Quan niệm sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng”. Từ quan niệm đã đưa ra trong giáo trình, giảng viên cần luận giải, làm rõ quan niệm về sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng giúp cho học viên có thể hiểu sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được biểu hiện ở sự trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng trước khó khăn, thách thức; đấu tranh không khoan nhượng sự phá hoại của các thế lực thù địch; đoàn kết thống nhất, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, trình độ năng lực của cán bộ đảng viên và tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng. Đồng thời, phân tích những nội dung sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng để học viên nắm vững và thực hiện những nội dung đó.
Ba là, giáo trình cũ không có phần thực trạng, giáo trình mới bổ sung phần thực trạng tại mục “2. Thực trạng năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng”. Đây là những nội dung được xác định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khi giảng phần này, giảng viên cần lưu ý làm rõ những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân của ưu điểm và nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng để học viên nắm vững thực trạng đó. Đồng thời hướng dẫn, gợi ý giúp học viên liên hệ với thực trạng năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ, chi bộ nơi công tác.
Bốn là, về phương hướng, giải pháp. Giáo trình cũ nêu phương hướng theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Giảng viên cần chủ động cập nhật, bổ sung “Phương hướng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng” theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đó là “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân của cán bộ, đảng viên”(1). Từ phương hướng trên, giúp học viên nhận thức đúng đắn và thực hiện bốn giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, cụ thể:
Đối với giải pháp thứ nhất “Tiếp tục củng cố, kiện toàn mô hình tổ chức cơ sở đảng gắn với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên”. Trong giải pháp này, giảng viên cần trình bày, phân tích để học viên nắm được luận điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng gắn với tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII trong củng cố, kiện toàn mô hình tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn; cơ quan, đơn vị sự nghiệp theo ngành, địa phương một cách hợp lý. Đồng thời, giảng viên nên dẫn dắt, giới thiệu để học viên liên hệ với văn bản của Tỉnh ủy Thái Nguyên như: Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 15/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, giai đoạn 2021-2025”; Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 06/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về “Tăng cường công tác quản lý đảng viên và nâng cao chất lượng phát triển đảng viên, giai đoạn 2021-2025”.
Đối với giải pháp thứ hai “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Đại hội XIII của Đảng xác định “Củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên”. Giảng viên cần trình bày những nội dung trong giải pháp này, đồng thời hướng dẫn cho học viên nghiên cứu, thực hiện tốt các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy như: Tiếp tục thực hiện Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 06/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ.
Đối với giải pháp thứ ba “Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở”. Trong giải pháp này, giảng viên cần trình bày, phân tích để học viên nắm vững và thực hiện tốt những giải pháp để nhằm củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nơi công tác. Đồng thời gợi ý giúp học viên liên hệ với thực tiễn công tác tại cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở.
Đối với giải pháp thứ tư “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đối với tổ chức cơ sở đảng”, giảng viên cần gợi mở cho học viên thực hiện tốt giải pháp này nên bám sát các quyết định, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về tổ chức cơ sở đảng để chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với đảng bộ, chi bộ cơ sở.
Trên cơ sở các giải pháp nêu trên, giúp cho học viên có khả năng vận dụng kiến thức đó vào hoạt động thực tiễn, nhất là thực tiễn công tác xây dựng Đảng, có kỹ năng tham mưu về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng; nhận thức đầy đủ, sâu sắc sự cần thiết nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng./
ThS. Hoàng Công Tuấn
Khoa Xây dựng Đảng
------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tập II, tr.229-230.-