Tìm hiểu về nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ hai - 14/02/2022 04:46
Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Người luôn coi trọng thực hiện tự phê bình và phê bình. Theo Người việc thực hiện nguyên tắc này thành nền nếp, thường xuyên, mục đích để nhằm quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Bài viết dưới đây đề cập tới một số thái độ của cán bộ, đảng viên đối với khuyết điểm và thái độ trong tự phê bình và phê bình, qua đó chỉ ra biện pháp tự phê bình và phê bình hiệu quả, thiết thực, góp phần đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Bác Hồ nói chuyện với đảng viên mới Đảng bộ Hà Nội (ngày 14/5/1966). Ảnh: Tư liệu
Tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay thực chất là chúng ta trở lại đích thực với tư tưởng Hồ Chí Minh trong những hoàn cảnh và điều kiện mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ "Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “cũng la lết quả dưa”"1. Do vậy, đối với người mắc sai lầm khuyết điểm là người mang bệnh trong mình. Đã có bệnh thì phải trị bệnh cứu người. Không chữa bệnh để lâu bệnh càng nặng. Nhưng không phải ai cũng nhận thức được điều đó; cũng có người nhận thức được nhưng không làm được, không dám dùng thuốc đắng hoặc tự mổ xẻ mình. Có người uống thuốc nửa vời. Có người khuyên người khác uống thuốc thì giỏi, nhưng tự mình không dám uống v.v… Những người có bệnh thì phải chữa, người chưa có bệnh thì phải phòng bệnh, vì phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tuyệt đối không được giấu bệnh, không dám uống thuốc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: làm người khó ai tránh khỏi khuyết điểm, thiếu sót, điều quan trọng là thái độ của những người cộng sản ra sao trước những lỗi lầm mắc phải. Do đó, nghiêm túc tự phê bình và phê bình là một thang thuốc hay nhất để cho Đảng ta tiến bộ, là cách làm để giữ uy tín của Đảng và người lãnh đạo. Hồ Chí Minh khẳng định: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sữa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính"2.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ "Thái độ mỗi người đối với những khuyết điểm của Đảng ta cũng khác nhau". Cách đối với các khuyết điểm thường có như: "Bọn phản động thì lợi dụng những khuyết điểm và tô vẽ thêm để phá hoại Đảng ta. Lợi dụng những sai lầm và khuyết điểm đó, để đạt mục đích tự tư tự lợi của họ. Đó là thái độ của đảng viên và cán bộ đầu cơ"…, đối với "Thái độ đúng là phân tích rõ ràng, cái gì đúng, cái gì là sai", "Không làm cách máy móc nhưng khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến bộ"3. Đó là những thái độ thường thấy đối với khuyết điểm của Đảng và với những người có khuyết điểm. Những thái độ đúng sai, tốt xấu ra sao, theo Người, "bọn phản động và bọn đầu cơ là địch nhân lọt vào trong Đảng để phá hoại. Vì vậy chúng ta phải hết sức đề phòng. Mỗi khi trong Đảng có khuyết điểm thì chúng ta phải tìm cách chớ để cho ai lợi dụng. Đó là phận sự của mỗi một đảng viên chân chính…"4.
Từ những chỉ dẫn trên có thể thấy việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là cốt để giúp cán bộ nâng cao tư tưởng cách mạng, củng cố lập trường, rửa gột khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Sửa chữa khuyết điểm, đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí như việc đánh giặc trên mặt trận tư tưởng và chính trị. Muốn giành thắng lợi ở mặt trận này, trước hết phải đánh thông tư tưởng để xóa bỏ những lo ngại không đúng ở một số hạng người như: "Một sự nhịn, chín điều lành, kiểm thảo lẫn nhau làm gì. Tự nhận sai lầm mình sợ mất thể diện, mất uy tín, sợ bị phạt. Chỉ trích lỗi của người sẽ mất đoàn kết. Ai tham ô, lãng phí mặc ai, mình không tham ô lãng phí thì thôi. Nói thật mất lòng, sẽ bị bầu bạn ghét, bị cấp trên trù"5. Đánh thông tư tưởng cũng nhằm sửa chữa những ý nghĩ sai lầm như: "Tham ô là có tội, song lãng phí chỉ là một khuyết điểm. Những người có công với cách mạng thì tham ô, lãng phí chút đỉnh, cũng nên tha thứ cho họ. Nước ta nghèo, không có gì mà tiết kiệm. Cơ quan ta không có gì mà lãng phí. Không phải cơ quan kinh tế tài chính, thì không có gì mà tham ô, lãng phí"6. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra tự phê bình và phê bình có 3 thái độ khác nhau: "Những người giác ngộ chính trị cao thì tự phê bình rất thật thà và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm. Khi phê bình người khác, các đồng chí ấy thành khẩn, nhẫn nại, giúp đỡ họ sửa chữa. Đối với những kẻ sai lầm rất nặng mà lại không chịu sửa đổi, thì họ đấu tranh không nể nang. Chúng ta phải học tập tinh thần và tác phong của các đồng chí ấy. Có một số người thì phê bình, giáo dục mấy cũng cứ ỳ ra, không chịu sửa đổi. Đối với hạng người này, chúng ta cần phải nghiêm khắc, phải mời họ ra khỏi Đảng, để tránh "con sâu làm rầu nồi canh". "Thái độ của một số đông cán bộ là: Đối với người khác thì phê bình đúng đắn, nhưng tự phê bình thì quá ôn hòa. Các đồng chí ấy không mạnh dạn công khai tự phê bình, không vui lòng tiếp thu phê bình nhất là phê bình từ dưới lên, không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của mình, thường tìm những khó khăn khách quan để tự biện hộ. Đối với người khác thì các đồng chí ấy rất "mác xít", nhưng đối với bản thân mình thì mắc vào chủ nghĩa tự do. Nói chung, các đồng chí ấy rất trung thành với Đảng, với nhân dân; nhưng tư tưởng và tác phong chưa thuần, đang mang một ba lô chủ nghĩa cá nhân hoặc nặng hoặc nhẹ. Họ sợ mất "thể diện", mất "uy tín". Họ quên rằng không thực hiện tự phê bình và phê bình, thì nhiều khuyết điểm nhỏ sẽ cộng thành khuyết điểm to, nó sẽ rất tai hại cho công tác. Chúng ta phải giúp đỡ các đồng chí này. Các tổ chức của Đảng cần mở rộng dân chủ nội bộ, thực hiện thường xuyên tự phê bình và phê bình nhất là phê bình từ dưới lên. Toàn thể đảng viên, trước hết là các cán bộ phụ trách phải làm gương mẫu tự phê bình và phê bình"7. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thái độ của cán bộ, đảng viên đối với những khuyết điểm và thái độ trong tự phê bình và phê bình là vô cùng bổ ích và cần thiết trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên có thái độ tự phê bình và phê bình đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ có quyết tâm tự làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao phó cho mình và một mục đích toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng cần nâng cao nhận thức về vai trò, tính chất của tự phê bình và phê bình; xác định đúng nội dung, lựa chọn đúng hình thức, thể hiện thái độ và phương pháp tự phê bình và phê bình đúng đắn, thiết thực.
Đảng ủy Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên tới các chi bộ trực thuộc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ. Các chi bộ triển khai sinh hoạt chuyên đề năm 2022, lựa chọn nội dung trọng tâm phù hợp để đảng viên được cập nhật thông tin kịp thời, được học tập, nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đối với đảng viên, cần thực hiện nghiêm túc các quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tâm lý ngại tự phê bình và phê bình, né tránh, lựa chiều khi phê bình người khác. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực chuyên môn, làm cho cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, có khát vọng cống hiến, đề cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Trường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao./.
                   Th.S Hoàng Công Tuấn
  Khoa Xây dựng Đảng
* Tài liệu tham khảo
(1), (2). Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb.CTQG Sự thật, H, 2011, t.5, tr.301.
(3), (4). Sđd t.5, tr.304-305.
(5). Sđd t.7, tr.358-359.
(6). Sđd t.7, tr.358.
(7). Sđd t.9, tr.521-522.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập109
  • Hôm nay15,813
  • Tháng hiện tại541,488
  • Tổng lượt truy cập21,023,881
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây