Tìm hiểu về cách mạng giải phóng dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ năm - 03/03/2022 04:20
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi"1. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Mục tiêu cao nhất và cuối cùng của cách mạng giải phóng dân tộc chính là giải phóng nhân dân khỏi áp bức bóc lột, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Bài viết dưới đây đề cập tới những luận điểm về cách mạng giải phóng dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, qua đó rút ra những kinh nghiệm đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
1. Những nội dung cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc
Một là, phải giành độc lập dân tộc. Một nước bị thực dân đế quốc xâm lược, thống trị, nếu không giành lại được độc lập thì sẽ không bao giờ có tự do, con người của dân tộc đó sẽ không bao giờ được giải phóng. Vì thế, sớm chứng kiến cảnh nước mất độc lập, mọi ngả đường cứu nước đều đi đến ngõ cụt, Nguyễn Tất Thành từ lúc ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911) cho đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cũng chỉ có một khát vọng cháy bỏng là độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Điều này lý giải cho cảm xúc Người tiếp thu bản Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê nin (7/1920) với tâm trạng vui mừng, phấn khởi đến phát khóc và reo lên: “Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!...”. Vậy là Người đã tìm được con đường giải phóng đất nước, nhân dân - con đường cách mạng vô sản. Bằng sự chủ động, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc, tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập và ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã xác định rõ con đường cách mạng Việt Nam là: "chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"2.
 Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920. Ảnh tư liệu
Hai là, giải phóng con người, giải phóng nhân dân khỏi áp bức bất công. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Ngày 10/01/1946, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành độc lập. Chúng ta đã tranh được rồi… Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”3. 
Căn cứ thực tiễn, bối cảnh đất nước Việt Nam, xuất phát điểm là một nước làm nông nghiệp, lực lượng bị áp bức bóc lột là quần chúng nhân dân lao động, cụ thể là nông dân. Đây chính là dân tộc, nếu giải phóng dân tộc đương nhiên là giải phóng nhân dân lao động. Quan điểm giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, đây là sáng tạo của Hồ Chí Minh so với quan điểm của Quốc tế cộng sản.
 Ba là, con đường, cách thức thực hiện thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc.
Kế thừa, phát triển tư tưởng của V.I.Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường của cách mạng vô sản, Người khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản"4. Khi xác định con đường cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường cách mạng vô sản thì ngay từ đầu những năm 1920 của thế kỷ XX, Người đã nhận thức đúng đắn và giải quyết sáng tạo mối quan hệ dân tộc và giai cấp trong cách mạng dân tộc dân chủ. Đây chính là sự sáng tạo trong tư duy lý luận Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam.
Cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Trong tác phẩm "Đường cách mệnh", Người nhấn mạnh: Muốn sự nghiệp giải phóng dân tộc thành công thì "Trước hết phải có Đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công", "Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin"5.
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (02/1951), Người khẳng định: Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó là Đảng của dân tộc Việt Nam. Khi chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa luận điểm này vẫn được Người nhắc lại và chỉ đạo toàn bộ công tác của Đảng. Đặc biệt, trong Bài nói chuyện với cán bộ và đảng viên lâu năm ngày 09/02/1961, Người nói: "Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị"6. Từ luận điểm đúng đắn đó mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực sự gắn bó máu thịt với giai cấp, với nhân dân, với dân tộc trong mọi giai đoạn, mọi thời kỳ phát triển của cách mạng Việt Nam.
Cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Trong phong trào Cộng sản quốc tế đã có quan điểm cho rằng: Thắng lợi của cách mạng thuộc địa phụ thuộc trực tiếp vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc. Với quan điểm này đã làm giảm tính chủ động, sáng tạo của các phong trào cách mạng ở thuộc địa. Tại Đại hội V Quốc tế cộng sản (6/1924), Người đã phân tích: Vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các nước thuộc địa. Vận dụng công thức của Mác: Sự nghiệp giải phóng của giai cấp công nhân phải là sự nghiệp của bản thân giai cấp công nhân, Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm: Công cuộc giải phóng anh em (tức nhân dân thuộc địa) chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em. Người đã nhận định: Cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà còn có thể giành thắng lợi trước.
Cách mạng giải phóng dân tộc phải được thực hiện bằng con đường bạo lực, kết hợp lực lượng chính trị của quần chúng với lực lượng vũ trang trong nhân dân. Các báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ, Hồ Chí Minh đã đề cập khả năng một cuộc khởi nghĩa vũ trang Đông Dương. Cuộc khởi nghĩa vũ trang đó theo Hồ Chí Minh phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải một cuộc nổi loạn. Luận điểm này của Người, bắt nguồn từ sự phân tích sâu sắc về vai trò của quần chúng nhân dân, về bản chất phản động của chính quyền thực dân, bài học kinh nghiệm của dân tộc Việt Nam, của cách mạng Nga và từ sự thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Từ sự nhận thức đúng đắn đó cùng với sự lãnh đạo của Đảng ta, Cách mạng tháng Tám đã nổ ra và thành công năm 1945, chính quyền đã về tay nhân dân.
Bốn là, cách mạng giải phóng dân tộc phải hướng tới xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa mà hình thức cao nhất là xã hội xã hội cộng sản.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII (1991), Đảng ta xác định mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam gồm 6 đặc trưng cơ bản. Đến Đại hội XI của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định thành 8 đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Rõ ràng những đặc trưng đó hướng tới lấy con người làm trung tâm, động lực, mục tiêu của sự phát triển. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: "Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân", "Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"7.
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc trong bối cảnh hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay, cách mạng giải phóng dân tộc chính là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, tiến hành thắng lợi sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nói cách khác chính là tiến tới hiện thực hoá quan điểm xây dựng đất nước với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng.
Song, để hiện thực hoá được mục tiêu trên, cần nắm vững quan điểm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp; về vai trò, sức mạnh của quần chúng; về mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới; về phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân… Đồng thời giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề dân chủ, an sinh xã hội.
Từ quan điểm Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc và những thắng lợi đạt được của quá trình hiện thực hoá tư tưởng ấy, trong công cuộc bảo vệ, đổi mới toàn diện đất nước hiện nay cần nắm vững một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.
Thứ hai, luôn lấy dân là gốc, con người là mục tiêu và là động lực của mọi sự phát triển. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, là người làm nên lịch sử; quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra chế độ xã hội mới, là chủ nhân của sự nghiệp cách mạng, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 
Thứ tư, giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, phù hợp thực tiễn và đặt lợi ích quốc gia dân tộc, quyền lợi của nhân dân lên trên hết./.
 Th.S Hoàng Công Tuấn
   Khoa xây dựng Đảng
------------------------
Tài liệu tham khảo
1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.88.
2) Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb.CTQG - Sự thật, H.2011, tập 3, tr.8
3) Sđd, t.4, tr.175.
4) Sđd, t.1, tr.9.
5) Sđd, t.2, tr.289.
6) Sđd, t.13, tr.275.
7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.1, tr.173.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập95
  • Hôm nay26,245
  • Tháng hiện tại150,075
  • Tổng lượt truy cập20,632,468
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây