Huấn luyện cán bộ qua nghiên cứu tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ hai - 06/12/2021 06:25
Năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, với bút danh XYZ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” dùng làm tài liệu học tập cho cán bộ, đảng viên, các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức lý luận, nâng cao phẩm chất đạo đức, tác phong của người cán bộ cách mạng trong tình hình, nhiệm vụ mới. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc huấn luyện cán bộ. Người cho rằng “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(1).
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ lãnh đạo xã và Ban Chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc năm 1961
Trong công tác huấn luyện cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu mục đích của huấn luyện cán bộ phải toàn diện, hết sức thiết thực, hiệu quả. Mục đích là để trang bị cho cán bộ có kiến thức toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm vào những kiến thức sát với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ; phương pháp, cách thức huấn luyện phải tùy từng đối tượng cán bộ, từng nội dung huấn luyện để có cách thức, phương pháp huấn luyện cụ thể sao cho thích hợp, hiệu quả. Đặc biệt, huấn luyện nghề nghiệp, cần “Phải thực hành khẩu hiệu: làm việc gì học việc ấy. Vô luận ở quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, tổ chức, tuyên truyền, công an, v.v., cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc ở môn ấy”(2). Huấn luyện chính trị, tập trung huấn luyện thời sự và chính sách. Đây là việc làm bắt buộc với tất cả mọi lĩnh vực chuyên môn. Nó vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài vừa phải tiến hành đều đặn hằng ngày. Huấn luyện văn hóa, việc huấn luyện này rất quan trọng. Nội dung huấn luyện là những thường thức nhưng rất phong phú: lịch sử, khoa học tự nhiên, xã hội, chính trị, cách viết báo cáo. Trong quá trình tổ chức, cần lưu ý là “phải theo trình độ văn hóa cao hay thấp mà đặt lớp, chứ không theo cấp bậc cán bộ cao hay thấp”(3). Đây thực sự là một cách tổ chức lớp rất khoa học, nhằm thực hiện đúng mục tiêu huấn luyện là trang bị thường thức văn hóa cho những cán bộ còn non kém về văn hóa. Đối với huấn luyện lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu phương pháp huấn luyện lý luận cán bộ: Một là, “chỉ đem lý luận khô khan nhét cho đầy óc họ. Rồi bày cho họ viết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Nhưng đối với việc thực tế, tuyên truyền, vận động, tổ chức, kinh nghiệm chỉ nói qua loa mà thôi. Thế là lý luận suông, vô ích”(4). Từ đó, Hồ Chí Minh phê bình, nhắc nhở “dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được”(5). Hai là “Trong lúc học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế. Lúc học rồi, họ có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị, có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là lý luận thiết thực, có ích”(6). Do đó, học lý luận đòi hỏi phải gắn liền lý luận với thực tiễn, lý luận phải ở trong thực tiễn và thường xuyên xuất phát từ nhu cầu nhận thức và cải tạo thực tiễn. Mặt khác, phải đặt lý luận trong sự tổng kết thực tiễn để bổ sung và phát triển lý luận mới.
Những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ được nêu trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta. Về nội dung và cách huấn luyện rất phù hợp với hoàn cảnh mà nhân dân ta đang tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, công tác huấn luyện cán bộ đặt ra những yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn mới của cách mạng nước ta.
Để tiếp tục thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Đảng ta đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về xây dựng Đảng, trong đó Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, thực sự đi vào cuộc sống; những nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII phù hợp với những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với mục tiêu “Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Nghị quyết đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có một số giải pháp mới, mạnh mẽ, như “Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị”(8). Như vậy, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ lý luận, chính trị của cán bộ, đảng viên là yếu tố rất quan trọng và cần thiết. Vì vậy, mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn.
Việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” có ý nghĩa vô cùng quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua Ban Giám hiệu Nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng, phương pháp công tác, tác phong làm việc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ giảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý; tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên với những phẩm chất chính trị của người chiến sỹ cộng sản, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống, lề lối làm việc, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao./.
Th.S Hoàng Công Tuấn
   Khoa xây dựng Đảng
------------------------
Tài liệu tham khảo
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.309.
(2) Sđd, tập 5, tr.309-310.
(3), (4) Sđd, tập 5, tr.311.
(5) Sđd, tập 5, tr.309.
(6) Sđd, tập 5, tr.311-312.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập120
  • Hôm nay18,595
  • Tháng hiện tại544,270
  • Tổng lượt truy cập21,026,663
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây