Thứ nhất, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt, triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của cơ quan Trung ương về chính sách đối với người có uy tín
Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; qua đó, các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc đã được phổ biên tới cán bộ chủ chốt các xóm, bản, người có uy tín, người dân tộc thiểu số tiêu biểu như Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 31/5/2018 về triển khai thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 và Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 07/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết đinh số 18/2011/QĐ-TTg về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-UBDT-BTC ngày 10/01/2014 của Ủy ban Dân tộc - Bộ Tài chính về quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện chính sách đối ngoại với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 và Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 07/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 22/4/2015 về triển khai thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Thứ hai, quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện chính sách đối với người có uy tín
UBND tỉnh đã quan tâm cân đối và phân bổ kinh phí hợp lý cho cơ quan làm công tác dân tộc để đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách cho người có uy tín. Tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với người có uy tín giai đoạn 2011-2020 là 25,783 tỷ đồng, trong đó: ngân sách Trung ương là 16, 811 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 8, 972 tỷ đồng cho các hoạt động như: tổ chức hội nghị cung cấp thông tin, tập huấn, bồi dưỡng; cấp báo; học tập kinh nghiệm; thăm hỏi, tặng quà; đón tiếp người có uy tín; công tác khen thưởng.
Thứ ba, thực hiện tốt chế độ, chính sách và các nội dung khác đối với nguời có uy tín theo quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
UBND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn, chế độ chính sách đối với người có uy tín đến huyện, thành phố, thị xã để triển khai thực hiện, việc tổ chức bình xét người có uy tín tại cơ sở được tiến hành dân chủ, công khai, đúng quy định; tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá đưa khỏi danh sách và bình chọn, xét công nhận bổ sung người có uy tín được tiến hành một năm/một lần vào tháng 12 hằng năm. Kết quả cụ thể giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 có 8.962 người được công nhận là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, riêng năm 2021 có 834 người đuợc công nhận. Đồng thời, tỉnh cũng luôn quan tâm, thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người có uy tín như: tổ chức hội nghị cung cấp thông tin, tham quan học tập; thăm hỏi ốm, đau, nằm viện; thăm hỏi gia đình người có uy tín gặp khó khăn do thiên tai, bố, mẹ, vợ chồng, con, bản thân người có uy tín qua đời…; tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các dân tộc và công tác biểu dương, khen thưởng người có uy tín. Cụ thể: 10.238 lượt người có uy tín được nhận không thu tiền 02 đầu báo (gồm Báo Thái Nguyên, Báo Dân tộc và Phát triển). Tỉnh đã tổ chức 65 hội nghị cung cấp thông tin cho 5.336 lượt người có uy tín tham gia, đồng thời tổ chức 07 cuộc bằng các hình thức cung cấp thông tin khác cho 653 lượt người có uy tín tham gia; mở 38 cuộc tập huấn, tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm cho 934 lượt người; tổ chức 93 đợt thăm hỏi tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán đối với 9.696 lượt người; 538 lượt người uy tín được thăm hỏi, hỗ trợ nguời khi ốm đau; 124 lượt nguời người có uy tín được thăm hỏi khi có thân nhân qua đời; 224 nguời có uy tín tiểu biểu xuất sắc được các cấp khen thưởng.
Có thể khẳng định giai đoạn 2011-2021, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng thực hiện tốt chính sách đối với đội ngũ người có uy tín. Qua đó góp phần động viên, tạo điều kiện thuận lợi để họ phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được việc tổ chức thực hiện chính sách đối với người có uy tín cũng có một số những hạn chế còn tồn tại sau: nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở về vai trò, vị trí của người có uy tín chưa thực sự đầy đủ, chưa thấy hết tầm quan trọng của việc phát huy vai trò của người có uy tín trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương do vậy việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chưa thực sự chặt chẽ và cụ thể; ở một số địa phương công tác bình xét, đánh giá lại người có uy tín sau một năm còn mang tính hình thức; chính sách đối với người có uy tín hiện nay chủ yếu là thăm hỏi, động viên do vậy chưa thực sự khích lệ người có uy tín gắn bó trách nhiệm, phát huy vai trò của mình. Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và phát huy vai trò của người có uy tín trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong thời gian tới cần triển khai, thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ có hiệu quả chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ để động viên, khích lệ người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở địa bàn dân cư.
Hai là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật liên quan như: Luật Hòa giải ở cơ sở; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của tỉnh; các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc để người có uy tín nắm vững, vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện.
Ba là, Tăng cường việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có uy tín tham gia các hoạt động góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bốn là, Thường xuyên tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin, lớp tập huấn kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, kinh phí đi lại, chế độ bảo hiểm y tế cho những người có uy tín một cách phù hợp để người có uy tín có điều kiện phát huy vai trò trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.
Năm là, Đẩy mạnh việc phát hiện, nhân rộng nêu các gương người có uy tín điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực và kịp thời biểu dương, khen thưởng những người có uy tín có thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất, vận động đồng bào tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm tạo phong trào thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh.