Quản lý nhà nước về môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay

Thứ hai - 26/07/2021 06:32
Thái Nguyên là một tỉnh có nhiều lợi thế và tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lí, địa hình và thời tiết thuận lợi, tạo điều kiện cho tỉnh Thái Nguyên sớm phát triển các ngành công nghiệp và đa dạng các ngành kinh tế. Do đó, phát huy tiềm năng, lợi thế và chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, tính đến thời điểm hiện tại, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được 250 dự án đầu tư, trong đó có 123 dự án FDI và 127 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký gần 8,8 tỉ USD và trên 16.140 tỉ đồng.
Trong số 250 dự án được cấp phép đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có 160 dự án đi vào hoạt động, tạo ra giá trị sản xuất chiếm trên 90% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, riêng trong quý I năm 2021, có 14 dự án được cấp phép đầu tư mới, trong đó có 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 10 dự án vốn đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký trên 347 triệu USD và trên 643 tỉ đồng. Điều này góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 11,1%, trong đó công nghiệp 16,3%, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp. Tỷ lệ đô thị hóa cao (36%) với tổng dân số khoảng 667.981 người chiếm 51% dân số toàn tỉnh (1.290.945 người). Tuy nhiên môi trường của tỉnh Thái Nguyên cũng đang ngày càng diễn biến phức tạp trước sức ép của quá trình phát triển và gia tăng khối lượng lớn các loại chất thải có thành phần, tính chất nguy hại. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2011-2015, lượng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh ước khoảng 100 tấn/ngày (không bao gồm đất, đá thải, bùn thải từ hoạt động tuyển khoáng); hơn 400 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, nước thải công nghiệp phát sinh khoảng 35.000 m3/ngày nhưng đến giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi ngày phát sinh hơn 800 tấn rác thải sinh hoạt, hơn 83.000 m3 nước thải sinh hoạt, trên 100.000m3 nước thải công nghiệp, khoảng 1.500 tấn chất thải rắn công nghiệp, 460 tấn chất thải nguy hại, hơn 2.000m3 nước thải chăn nuôi cùng khối lượng lớn khí thải công nghiệp chưa được thống kê.

Do đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường đối với các dự án đầu tư luôn được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay. Thông qua việc thực hiện nghiêm túc cải cách thủ tục hành chính, kịp thời chuẩn hóa, công bố bộ thủ tục hành chính về môi trường và ban hành quy trình nội bộ với các hướng dẫn cụ thể rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, rút ngắn về thời gian (hiện có 7/13 số thủ tục về môi trường được rút ngắn về thời gian thực hiện từ 13-33% thời gian), đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đã giúp doanh nghiệp hoàn thành thủ tục môi trường được thuận lợi, góp phần nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường (BVMT), xử lý chất thải và thu hút đầu tư. Trong giai đoạn 2016-2020, số thủ tục hồ sơ về môi trường được giải quyết hơn 3438 hồ sơ (có 838 hồ sơ TTHC môi trường cấp tỉnh; hơn 2600 TTHC môi trường cấp huyện), trong đó số các dự án hoàn thành thủ tục xác nhận hoàn thành công trình BVMT là 97/292 dự án (số các dự án thuộc đối tượng phải xác nhận hoàn thành công trình BVMT sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt), đã góp phần giảm thiểu các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường. Về cơ bản các hồ sơ TTHC được thực hiện đúng tiến độ, chỉ có số ít chậm tiến độ là do những dự án đó phức tạp, năng lực tư vấn kém, chất lượng báo cáo thấp. Đối với các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, các dự án tái chế, xử lý chất thải công nghiệp có quy mô lớn và các dự án có mức đầu tư trên 10 tỷ đồng đã được UBND tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến; chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn, triển khai thực hiện thủ tục đầu tư theo đúng quy định. Đặc biệt đối với các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm cao, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xem xét và yêu cầu chủ đầu tư báo cáo làm rõ các giải pháp về công nghệ và bảo vệ môi trường. Các tiêu chí về sự phù hợp quy hoạch được chú trọng xuyên suốt quá trình thẩm định dự án cũng như thẩm định hồ sơ môi trường. Tổ chức các cuộc họp liên thông giữa các sở, ngành, địa phương trong thẩm định đề xuất dự án, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kiểm tra thực địa khu vực thực hiện dự án. Kiện toàn lại Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM với việc mời các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý có kinh nghiệm tham gia Hội đồng để nâng cao chất lượng thẩm định và rút gọn quy trình thực hiện. Vì vậy, chất lượng báo cáo ĐTM đã được nâng cao cùng với những quy định về chất lượng và kiểm soát hồ sơ ngày càng chặt chẽ.
Tuy nhiên, trên thực tế sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc giải quyết vấn đề môi trường chưa chặt chẽ, nhất là việc hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp, chủ đầu tư phải thực hiện các TTHC về môi trường theo quy định; sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể có nơi, có lúc chưa thực sự tích cực, còn đặt mục tiêu phát triển kinh tế cao hơn mục tiêu bảo vệ môi trường, chưa kiên quyết trong việc yêu cầu các doanh nghiệp, Khu, Cụm công nghiệp thực hiện thủ tục hồ sơ về môi trường theo đúng quy định pháp luật và đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung; chưa chủ động, tích cực trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về môi trường thuộc phạm vi quản lý. Vì vậy, trong thời gian tới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về môi trường đối với các dự án đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên để vừa đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường vừa phát triển KT-XH địa phương cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quy định việc thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ 01/01/2022).

Hai là, các cơ quan chức năng chủ động, đôn đốc hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện thủ tục về môi trường ngay khi bắt đầu tiếp cận đầu tư; công bố công khai các quy trình, hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ba là, nâng cao năng lực cán bộ quản lý môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hằng năm, tổ chức đào tạo, huấn luyện về kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn, pháp luật cho cán bộ, công chức; nâng cao năng lực tham mưu thực hiện các nhiệm vụ môi trường tại địa phương; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý.
 Bốn là, tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt khi thẩm định dự án đầu tư, đảm bảo các yêu cầu về khoảng cách an toàn môi trường, đảm bảo các yêu cầu về an ninh, quốc phòng và các điều kiện về ổn định trật tự xã hội. Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo ĐTM các dự án đầu tư; tập trung đánh giá sức chịu tải môi trường tại khu vực thực hiện dự án, tính khả thi, hiệu quả các công trình biện pháp xử lý nước thải, bụi, khí thải. Ưu tiên lựa chọn dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, sàng lọc và kiên quyết không lựa chọn các dự án có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nguyên nhiên liệu lớn, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao, không có biện pháp khả thi xử lý nguồn thải, không phù hợp quy hoạch, không bảo đảm khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường đến các công trình xung quanh. Kiên quyết xử lý vi phạm, đình chỉ các dự án đi vào hoạt động khi chưa có đầy đủ công trình biện pháp BVMT.
Năm là, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương trong công tác thẩm định hồ sơ môi trường; tăng cường giải quyết trực tuyến đối với các thủ tục môi trường; tiếp tục rà soát, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung quy trình nội bộ trong lĩnh vực môi trường cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và điều kiện thực thi ở tỉnh.
Sáu là, cơ quan chức năng cần tổ chức trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, ưu tiên sử dụng các giải pháp giao lưu trực tuyến nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay.
Tóm lại, quản lý nhà nước về môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay là một nội dung quan trọng, cấp bách đảm bảo quy định pháp luật về kinh tế, bảo vệ môi trường cũng như sự chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các dự án đầu tư hướng tới mục tiêu phát triển tỉnh Thái nguyên bền vững, xanh, sạch, đẹp.
Th.S Hứa Thị Minh Hồng
Khoa NN&PL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập85
  • Hôm nay16,150
  • Tháng hiện tại283,939
  • Tổng lượt truy cập16,706,745
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây