Kinh nghiệm từ phương pháp và thói quen đọc sách báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ hai - 14/08/2023 22:12
Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tình yêu đặc biệt với sách báo từ rất sớm, ở Bác hình thành nhu cầu về văn hóa đọc sách báo. Có thể nói Người là hiện thân sinh động và cảm động về đọc sách và tự học. Việc tự học và đọc sách báo hằng ngày của Bác đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của đời sống và hoạt động. Đó là một tấm gương sống về giá trị và lựa chọn giá trị để dân tộc ta noi theo.

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 01/9/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Về văn hóa tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe radio lần đầu.”. Vậy mà Bác đã có một trí tuệ phi thường, một sự hiểu biết đáng khâm phục, đúng như nhà nghiên cứu Vasiliep đã nói: “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”. Để có được tầm hiểu biết ấy là nhờ Bác đã không ngừng học tập, đặc biệt là tự học. Với thế hệ thanh niên, việc đọc sách báo càng là cần thiết. Trong “Thư gửi các bạn thanh niên” ngày 12/8/1947, Bác viết: “Thanh niên là rường cột nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”. Khẳng định vai trò của thanh niên vô cùng to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Đất nước có phát triển được hay không là dựa vào thế hệ thanh niên. Vì vậy, bên cạnh việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lý tưởng cách mạng, lối sống cho thế hệ thanh niên thì việc nâng cao tri thức, trình độ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại là điều hết sức quan trọng. Việc đọc sách báo giúp thanh niên bổ sung những kiến thức còn thiếu, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, hoàn thiện bản thân cả về chân, thiện, mỹ. Khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm (vào ngày 09/12/1961), Người đã tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học…Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Nguyên lý và phương thức học của Bác được đúc kết trong câu: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”
          Từ thời niên thiếu với lòng ham hiểu biết, Bác đã rất say mê đọc sách báo với cách đọc và trí nhớ tuyệt vời. Theo Giáo sư Trần văn Giàu: “Hồ Chí Minh thời trẻ nổi tiếng là ham mê quốc sử, quốc văn. Truyện kể rằng, thuở nhỏ, học trò Nam Đàn hay rủ nhau xuống Vinh mua sách, sách nào mua không được thì cậu Cung đứng tại cửa hàng đọc kỳ hết mới đi về, đọc chưa hết thì hôm sau trở lại đọc nữa”
          Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác tự học từ sách báo, tạp chí để thu nhập kiến thức phục vụ công tác cách mạng. Người đọc nhiều và nhanh, nhất là sách của Mác, Lênin, sách của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước anh em, sách về đường lối cách mạng Việt Nam, sách của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, sách lịch sử của các đảng anh em, lịch sử các nước…Sách báo, tạp chí mà Bác đọc có nhiều thể loại, từ nhiều nguồn khác nhau gửi đến, trong đó có cả sách báo biếu của các tác giả, các tổ chức trong và ngoài nước. Người rất thích đọc những tác phẩm văn học, nghệ thuật, nhất là đề tài lịch sử dân tộc, nhiều cuốn còn ghi lại bút tích của Người. Có nhiều sách báo, tạp chí đọc xong, Người chuyển xuống cho văn phòng và dặn gửi tới những nơi cần sử dụng để mọi người đọc, học và làm theo sách báo.
          Đọc sách báo, tạp chí đã trở thành nhu cầu, một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những người từng làm việc và gần gũi đều có nhận xét, Bác rất ham đọc sách báo, tạp chí trong nước và quốc tế, khi xong công việc là đọc, công việc xong chưa đến giờ ngủ lại tranh thủ đọc, những mục cần đọc không bao giờ bỏ qua. Hằng ngày, Bác đọc một lượt các tờ báo xuất bản trong nước rồi tới đọc báo nước ngoài, gạch dưới các tin quan trọng, rồi giải quyết các công việc. Những tờ nhật báo, tuần báo, tạp chí ở Trung ương đều được Bác đọc hết  và gạch bút chì xanh đỏ vào những chỗ chú ý. Mỗi khi đi công tác xa nhà, những báo và tạp chí chưa đọc Người thường tự đọc hoặc đề nghị những người giúp việc đọc để cùng nghe. Hồi ở Việt Bắc, tuy tuổi đã cao, nhưng Bác vẫn tranh thủ đọc sách báo, tạp chí.
          Quá trình tìm hiểu về kinh nghiệm, phương pháp, thói quen đọc sách báo của Bác, mỗi chúng ta đều có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
          Trước hết, khi đọc phải có thái độ đúng, đọc rộng và có trọng tâm, trọng điểm    
Kinh nghiệm của Bác cho thấy, muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng; muốn nói và viết tốt phải tranh thủ thời gian để đọc được nhiều. Các loại sách báo, tài liệu trên thế giới và trong nước rộng lớn vô cùng nên phải cố gắng đọc rộng để mở mang kiến thức. Người từng dạy: “Muốn có nhiều tài liệu thì phải xem cho rộng. Xem báo Trung Quốc, báo Liên Xô, báo Anh, báo Pháp…xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy”. Để có nguồn tài liệu phong phú để đọc, Bác cũng chỉ dạy: “Tìm tài liệu cũng như những công tác khác, phải chịu khó. Có khi xem tờ báo này có vấn đề này, xem tờ báo khác có vấn đề khác, rồi góp 2, 3 vấn đề, 2, 3 con số làm thành tài liệu mà viết”
Muốn tiết kiệm thời gian và để không mất công đọc lại, Bác có kinh nghiệm ghi nhớ và thói quen ghi chép rất cẩn thận. Ví như, năm 1942, ngay trong cảnh bị đọa đầy ở nhà ngục Quảng Tây, Bác vẫn ghi chép những điều đọc và nghe được ở Mục đọc sách và Mục đọc báo ở cuối tập thơ Nhật ký trong tù.
Bác thường căn dặn: Tài liệu trọng tâm mà mỗi người dân đặc biệt là cán bộ, đảng viên bắt buộc phải đọc là các sách báo, ấn phẩm của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì “Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất”. Báo Đảng dạy chúng ta những điều cần biết, cần làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác, giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta. Bác nói: “Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc. Vì vậy, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán, cần phải xem báo Đảng”
Thứ hai, khi đọc phải có ghi chép, đánh dấu và phân loại
Những kiến thức từ sách báo, tài liệu rất rộng nên khi đọc phải có ghi chép và phân loại ngay các thông tin trong sách báo. Về kinh nghiệm đọc, Bác cho biết, tài liệu đã đọc phải ghi chép, so sánh, chọn lọc để ghi nhớ. Về cách ghi chép để nhớ, Bác căn dặn, những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được phải ghi chép lấy để làm tư liệu để nói và viết. Ví như, thấy gương người tốt, việc tốt, ghi bên cạnh dấu (0), chỗ nào cần lưu ý, đánh dấu(/), vấn đề nào chưa rõ, còn nghi ngờ đánh dấu (?), bài đã xem xong, vạch (//)…Với Bác, sách báo chính là “thuốc chữa tội ngu”, có thể thấy rằng cách đọc sách báo của Người thật đơn giản, dễ làm, nhưng rất hiệu quả, khoa học mà bất cứ ai cũng có thể học được ở Bác. Đặc biệt Bác còn sử dụng chữ Hán, Pháp, Anh, Nga làm ký hiệu bên lề trang sách báo, tài liệu đã đọc để ghi nhớ. Đối  với những bài, đoạn quan trọng, Bác còn ghi vào sổ, hoặc cắt dán làm tư liệu lưu giữ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra kinh nghiệm về phân loại tài liệu để đọc, rằng khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học chính trị, khoa học kinh tế, khoa học lịch sử,..Phải chia ra mà đọc dần dần  và phải theo nguyên tắc là kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau. Bác lấy ví dụ: Khoa học chính trị dùng sách vở, bài báo bàn về chiến lược, chiến thuật làm tài liệu lý luận, lấy lịch sử làm kinh nghiệm đấu tranh của Đảng  làm tài liệu thực tế. Khoa học kinh tế lấy kinh tế chính trị học làm tài liệu lý luận, lấy lịch sử nước ta làm tài liệu thực tế. Các môn khác cũng thế. Tài liệu đọc được phải phân loại, rồi tự kiểm tra kiến thức, đối chiếu, so sách, chọn lọc ra để làm tài liệu cho việc học tập của mình và làm tư liệu để nói và viết.
Thứ ba, phải có tư duy độc lập, phản biện
Bác Hồ căn dặn: “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng”.  “Đọc tài liệu phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề gì chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt ra câu hỏi “vì sao”?, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có phù hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ cho chín chắn”. Khi Bác đọc luận cương “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin, Bác đã phải “đọc đi đọc lại nhiều lần”, phân tích, cắt nghĩa thấu đáo mới hiểu được ý chính, nhờ đó mà trong số những  thanh niên yêu nước đang hoạt động tại Pháp đọc được luận cương của Lênin thì chỉ duy nhất có Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc  qua tác phẩm đó.
Thứ tư, học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn
Đọc sách báo, tài liệu để nâng cao kiến thức, kiến thức đó phải được đem áp dụng vào thực tế  mới có hiệu quả thiết thực vì Bác cho rằng: “Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Trong suốt cuộc đời mình Bác luôn chú trọng đem kiến thức qua sách báo vào thực tiễn cuộc sống. Bác đã từng nói: “Siêng xem sách và xem nhiều sách là một việc đáng quý” nhưng “dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”.  Thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng chứng minh rằng:  Nhờ sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam mà Bác đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi lầm than, ách nô lệ.
Nếu như đọc mà không áp dụng vào cuộc sống là đọc phù phiếm, Bác rất phê phán cách đọc này: “Có đồng chí học thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ tự cho mình là hiểu biết chủ nghĩa Mác - Lênin hơn ai hết. Song khi gặp việc thực tế thì họ làm máy móc, hoặc là lúng túng bởi nói và việc làm của họ không nhất trí. Họ học sách vở Mác - Lênin nhưng không học tinh thần Mác - Lênin. Học để trang sức, chứ không phải để vận dụng vào công việc cách mạng”.
Thứ năm, qua kinh nghiệm từ phương pháp và thói quen đọc sách báo của Bác Hồ, tôi tự rút ra một số kinh nghiệm từ việc đọc sách báo, tài liệu, cách xử lý tài liệu để cùng đồng nghiệp tham khảo, chia sẻ
Một là, đọc nhanh (đọc lướt) nhằm tìm hiểu một cách khái quát nội dung chung, các kiến thức từng phần sắp xếp theo từng đề mục của cuốn sách. Mục đích là giúp người đọc tìm được ý chính, nắm vững vấn đề. Người đọc cần nắm, ghi nhớ những thông tin nhanh khi đọc lướt các mục lục, các chương cụ thể để hiểu tổng quát nội dung cuốn sách. Bởi vậy, đọc lướt là một khâu quan trọng vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đọc sách báo, tài liệu
Hai là, đọc kỹ, sau khi đọc lướt, người đọc cơ bản nắm được khái quát nội dung sách báo, tài liệu. Đối với mỗi loại sách báo, tài liệu người đọc có thể đọc một lần hoặc nhiều lần, đọc nhanh hay đọc chậm đều phụ thuộc vào mục đích và khả năng của mỗi người. Đặc biệt sách kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, đòi hỏi giảng viên và học viên cần đọc nhiều lần để nắm chắc, hiểu sâu và ghi nhớ lâu hơn. Quá trình đọc đi đọc lại nhiều lần sách báo, tài liệu là rất cần thiết đối với giảng viên giảng dạy lý luận chính trị.
Ba là, tìm kiếm, khai thác thông tin trong sách báo, tài liệu. Đối với giảng viên tìm kiếm khai thác thông tin trong quá trình đọc là một công việc rất quan trọng, với mục đích là để lý giải, phân tích, chứng minh cho một luận điểm nào đó khi nghiên cứu và giảng dạy. Những số liệu ấy có sức thuyết phục rất lớn đối với học viên. Do đó, giảng viên phải ghi chép, khai thác sách báo, tài liệu chính thống đầy đủ, chính xác để phục vụ công tác giảng dạy. Vì vậy, ngoài giáo trình soạn giảng, người giảng viên phải đọc các loại sách báo, tài liệu tham khảo để tìm kiếm thông tin minh họa cho phù hợp với từng đối tượng khác nhau, có như vậy bài giảng mới sinh động đưa lý luận vào thực tiễn. Mặt khác, giáo trình lý luận chính trị có tính ổn định tương đối cao, trong một khoảng thời gian nhất định. Đồng thời các chủ chương, quan điểm của Đảng luôn luôn được bổ sung phát triển qua các hội nghị Trung ương, nhất là tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng quý, năm của tỉnh. Có thể khẳng định rằng, mức độ nông sâu của bài giảng, sức hấp dẫn đối với học viên được thể hiện qua rất nhiều khâu trong đó có việc chuẩn bị đầy đủ sách báo, tài liệu tham khảo là hết sức cần thiết để bổ sung vào bài giảng của mỗi giảng viên.
Nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách báo, tài liệu tham khảo, tạp chí chuyên ngành, trong những năm vừa qua, với sự quan tâm sâu sắc của Ban Giám hiệu. Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu đã bổ sung lượng lớn nguồn sách báo, tài liệu tham khảo phong phú, đa dạng phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị được nâng lên rõ rệt. Như vậy, có thể thấy rằng Thư viện Nhà trường là bộ phận không thể thiếu được, với vai trò là trung tâm sinh hoạt văn hóa, khoa học, phục vụ đắc lực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.
Từ tấm gương, phương pháp và thói quen  đọc sách báo của Bác đã giúp cho mỗi chúng ta rút ra những bài học thật thấm thía, sâu sắc. Từ đó,  mách bảo mỗi người cán bộ, giảng viên, nhất là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị cần phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc đọc sách báo, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, để biết, để hiểu, bổ sung kiến thức, vận dụng vào bài giảng và trong cuộc sống hằng ngày. Trong quá trình tự học, tự đọc, bản thân mỗi chúng ta cần vận dụng có hiệu quả một số bài học kinh nghiệm mà tác giả đã trình bày ở trên. Xã hội, thế giới con người luôn có sự chuyển biến không ngừng, nếu không chịu đọc sách báo, không chịu bổ sung, cập nhật, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thì mãi mãi chúng ta chỉ dậm chân tại chỗ, sẽ không bắt kịp sự đổi mới, phát triển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Về cách mạng Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh - H  Ủy ban khoa học xã hội, 1990
2. Hồ Chí Minh phát huy tinh thần cầu học, cầu tiến bộ - H  Sự thật 1960
3. Giáo sư Trần Văn giàu: Sự hình thành về cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB, Chính trị quốc gia Hà Nội, 1997
4. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB, CTQG, H, tập 4, tập 5, tập 8, tập 11
 
Nguyễn Mạnh Chiến, Phó trưởng phòng TC-HC-TT-TL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập80
  • Hôm nay14,758
  • Tháng hiện tại490,502
  • Tổng lượt truy cập21,660,619
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây