Xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ hai - 09/03/2020 22:44
Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện nhất quán từ lý luận đến thực tiễn. Đại đoàn kết là một mục tiêu, một nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Nhiệm vụ ấy được quán triệt trong mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, thể hiện trong lời phát biểu của Bác khi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam ngày 03-3-1951, Bác đã tuyên bố trước toàn thể dân tộc: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc ”. Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn của quá trình hội nhập ngày một sâu rộng, thì việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng mang tính thời sự và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung mang tính chiến lược trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam.
đk

Người nhận thức sâu sắc rằng, đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh mà còn là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới việc sống còn, thành bại, được mất trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù. Đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, đoàn kết mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay định cư ở nước ngoài thành một khối vững chắc trên cơ sở thống nhất về mục tiêu chung và những lợi ích căn bản.
Với chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở thống nhất lợi ích quốc gia dân tộc với quyền lợi cơ bản của các giai tầng; nòng cốt khối đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh công - nông - trí dưới sự lãnh đạo của Đảng, Người chỉ rõ, cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, dân cư ở các vùng miền khác nhau. Phát huy mặt tương đồng, hóa giải điểm khác biệt. Mẫu số chung để đại đoàn kết toàn dân tộc là: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, giàu mạnh: “Toàn dân đoàn kết nhất trí thì chúng ta nhất định xây dựng được nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, giàu mạnh”.
Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Người cho rằng, trước hết, cần tuyên truyền, vận động nhân dân. Thứ hai, phải chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Về Nhà nước, Đảng phải làm cho Nhà nước thật sự là của dân, do dân, vì dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là cầu nối gắn kết Đảng, Nhà nước với nhân dân. Coi đoàn kết là lẽ sống, đạo lý của Đảng, của dân tộc ta trong dựng nước và giữ nước, mỗi cán bộ, đảng viên phải coi đoàn kết là một đức tính cơ bản của người cách mạng. Ai không có khả năng tập hợp, đoàn kết quần chúng và các đồng chí của mình thì không thể làm cách mạng, không thể làm cán bộ. Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Nguyên tắc của đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết là tin vào dân, dựa vào dân vì lợi ích của dân để đoàn kết toàn dân, phát động các phong trào thi đua yêu nước trong lao động, học tập, sản xuất và chiến đấu. Thứ hai, đoàn kết lâu dài, rộng rãi, chặt chẽ, tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo. Thứ ba, đoàn kết trên cơ sở hiệp thương, dân chủ, chân thành, thẳng thắn, thân ái; đoàn kết gắn với đấu tranh, tự phê bình và phê bình. Thứ tư, đoàn kết trên cơ sở kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc. Phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người, trân trọng “phần thiện”, dù nhỏ nhất ở mỗi con người để tập hợp, quy tụ rộng rãi mọi lực lượng.
Song song với việc xây những đức tính tốt để đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, phải chống những cái xấu, những căn bệnh gây chia rẽ, mất đoàn kết. Phải chống bệnh hẹp hòi, phải chống chủ nghĩa cá nhân. Do chủ nghĩa cá nhân mà cán bộ, đảng viên sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa; tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành; tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, xa rời thực tế, quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời kiên tâm thực hiện đại đoàn kết. Bản thân Người cũng chính là hình ảnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo Bác, để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, thì toàn Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên cần có phong cách lãnh đạo: “Kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”.
Quán triệt sâu sắc, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, Đảng ta khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam là sự liên kết, gắn bó tất cả các thành viên các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác, người đã nghỉ hưu và mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài thành một khối vững chắc, ổn định, lâu dài nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong khối đại đoàn kết đó, giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức là lực lượng nòng cốt, đông đảo nhất, đồng thời là cơ sở vững chắc của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua khối liên minh này, Đảng, Nhà nước có thể tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân lao động khác tham gia quản lý nhà nước, làm chủ xã hội, làm cho lợi ích giai cấp gắn chặt với lợi ích dân tộc, tạo đồng thuận cao trong xã hội. Vì vậy, Đảng ta chỉ rõ: “Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược của cách mạng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã đúc kết một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam là: “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta”.
Đại hội XII của Đảng đánh giá: Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đã đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước.
Để đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng thật sự là nguồn sức mạnh, là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Để tăng cường củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để các cấp, ngành, lực lượng nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu và cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay.
Các cấp ủy đảng và người đứng đầu thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Cần thực hiện triệt để Quy định số 101-QĐi/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương”. Cán bộ, đảng viên phải xung phong, gương mẫu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là về đoàn kết và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để nhân dân học và làm theo.
Hai là, giải quyết tốt quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và toàn xã hội. Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến cũ, các vùng chiến lược, vùng tôn giáo. Trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân; có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước.
Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân và tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở. Tăng cường công tác dân vận của chính quyền các cấp. Tích cực phối hợp giữa chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm công tác dân vận.
Bốn là, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên cần tham gia tuyên truyền sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch đang lợi dụng những khuyết điểm, hạn chế, sơ hở của các cấp chính quyền, của Đảng, Nhà nước và vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, nâng cao tinh thần cảnh giác, sự nhạy bén trong nhận diện và tích cực tham gia đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.
Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đảm bảo thế và lực cho đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Vũ Thị Nhàn
Khoa Lý luận cơ sở
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 10, tr. 576.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 611.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 50.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập84
  • Hôm nay23,299
  • Tháng hiện tại548,974
  • Tổng lượt truy cập21,031,367
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây