Hưởng ứng Ngày hội Đoàn kết toàn dân tộc (18/11//2019)

Thứ hai - 18/11/2019 02:47
Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế Đồng minh. Đây là hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Điều 11 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 2015) quy định: “Ngày 18 tháng 11 hằng năm là ngày Truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cũng là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng nhằm hình thành và phát triển sức mạnh to lớn của toàn dân trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc, của nhân dân. Theo Người, đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” [1].

Quán triệt sâu sắc, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, Đảng ta khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam là sự liên kết, gắn bó tất cả các thành viên các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng, miền của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác, người đã nghỉ hưu và mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài thành một khối vững chắc, ổn định, lâu dài nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược của cách mạng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã đúc kết một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam là: “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta” [2] ./.

 Với ý nghĩa quan trọng đó, hằng năm, ngày 18 tháng 11, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức rộng rãi ở tất cả các cộng đồng dân cư trên khắp mọi miền đất nước. Đây là một hoạt động rất ý nghĩa và thiết thực. Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ đem đến không khí đầm ấm của tình làng nghĩa xóm, tình yêu quê hương đất nước mà còn là thời gian, cơ hội để mọi người trong xã hội, mọi tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở cơ sở và khích lệ, động viên bà con, nhân dân nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, cùng nhau phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương, làng xóm, giúp nhau chia sẻ khó khăn để phát triển kinh tế gia đình.

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư hằng năm diễn ra với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng địa phương và thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và thực sự đã trở thành Ngày hội toàn dân, đây là hình thức tập hợp và biểu dương lực lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua thực tiễn nhiều năm cho thấy, chủ trương của Đảng đề ra và sự chỉ đạo thực hiện Ngày hội là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Ngày hội đã trở thành một nội dung quan trọng của công tác Mặt trận và ngày càng phát triển mạnh mẽ trong đông đảo quần chúng nhân dân trên khắp mọi miền đất nước Việt nam.

Về công tác tổ chức Ngày hội đại đoàn kết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đều có hướng dẫn các khu dân cư chuẩn bị nội dung và hình thức cụ thể để tổ chức Ngày hội một cách trang trọng, chu đáo và ý nghĩa. Ngày hội thường diễn ra 01 ngày, có thể bắt đầu từ ngày 01/11 ở các tổ dân phố, khu dân cư, các thôn bản trên toàn quốc và hầu hết đều có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo; Mặt trận tổ quốc và các sở, ban, ngành của tỉnh và địa phương. Trong Ngày hội, Ban Tổ chức của các địa phương tổ chức chương trình rất đa dạng và nhiều hình thức như: biểu diễn các tiết mục văn nghệ; chơi các trò chơi dân gian hoặc có thể trưng bày, giới thiệu những sản phẩm nông sản mới của địa phương… tùy theo đặc điểm, điều kiện thực tế của từng địa phương. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đồng thời tuyên truyền về các thành tựu của công cuộc đổi mới của đất nước và của địa phương. Đây cũng là dịp để biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phát động phong trào thi đua yêu nước những năm tiếp theo.

“Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở các cộng đồng dân cư năm nay (2019), nhân kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2019), được tổ chức vào thời điểm có nhiều ý nghĩa quan trọng, là thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn khởi thi đua hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời cũng là thời điểm tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ngày hội đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân ở các cộng đồng dân cư hưởng ứng và nhiệt tình tham gia. Theo phương châm này, cuộc vận động đã kết hợp hài hoà được nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân. Nhân dân được hưởng những thành quả từ chính công sức của mình, đồng thời thấy được vai trò của mình đối với cộng đồng, đã khơi dậy được tính tự giác, tinh thần làm chủ cuộc sống của mỗi người dân ở khu dân cư. Mỗi người dân khi tham gia Ngày hội đã ý thức được sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng, nhất là các cán bộ, đảng viên, công chức đang đương chức với khu dân cư mà mình sinh sống. Qua đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng phát triển mạnh mẽ và không ngừng được củng cố./.

 Nguyễn Thị Kim Ngân
Phòng QLĐT và NCKH
[1] Sđd, tập 13, tr.119
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 66.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập82
  • Hôm nay21,245
  • Tháng hiện tại546,920
  • Tổng lượt truy cập21,029,313
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây