Đến nay, cả tỉnh đã có 91 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó 88 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Như vậy, về cấp xã, tỉnh đã hoàn thành trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đề ra. Về cấp huyện, có 3/9 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỉnh Thái Nguyên là tỉnh được Trung ương đánh giá dẫn đầu trong 14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc về thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Có được những kết quả trên là nhờ sự sự nỗ lực phấn đấu của các lực lượng xã hội, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân đặc biệt là sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, sáng tạo và năng động của Đảng bộ, chính quyền các cấp trong việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù thể hiện bằng những nội dung rất cụ thể:
Một là, cơ chế hỗ trợ kinh phí và vật tư xây dựng kết cấu hạ tầng NTM
Về mặt kinh phí, trong giai đoạn 2011-2015 tỉnh đã hỗ trợ cho các xã điểm 02 tỷ đồng/xã, xã còn lại 600 triệu đồng/xã (thực hiện từ năm 2013). Giai đoạn 2016-2020: hỗ trợ cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, bình quân 04 tỷ đồng/ xã; các xã xây dựng NTM kiểu mẫu: 02 tỷ đồng/xã; xã đạt chuẩn NTM: 300 triệu đồng/xã; xã còn lại: 400 triệu đồng/xã. Đồng thời tỉnh cũng huy động hệ thống các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn hỗ trợ cho người dân vay vốn tín dụng trên 44.767 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Về vật tư xây dựng, trong giai đoạn từ 2012-2019 hỗ trợ 583.200 tấn xi măng phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng NTM.
Hai là, cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua triển khai các dự án, đề án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM
Tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà, giai đoạn 2017-2020; Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2017-2020; Đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020 (Đề án 2037); Đề án Mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2019-2025… Bên cạnh đó, hằng năm bố trí khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ các mô hình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết theo chuỗi giá trị tạo hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp.
Ba là, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh
Cụ thể hóa chủ trương hỗ trợ, ưu đãi nhằm khuyến khích đối với các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh tại các Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 12/8/2016, số 05/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND ngày 12/12/2016 của UBND tỉnh về ban hành quy định chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 với những nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Doanh nghiệp thực hiện đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm sản và thực phẩm tại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020, thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng theo đơn giá bồi thường, giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh ban hành tại thời điểm triển khai dự án, nhưng tối đa không quá 02 tỷ đồng/dự án; Doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được ngân sách hỗ trợ 30% chi phí nhưng không quá 01 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị trong hàng rào dự án. Hỗ trợ 50% chi phí giết mổ nhưng không quá 0,8 tỷ đồng/dự án, không vượt định mức: 35.000 đồng/con đối với lợn, dê; 100.000 đồng/con đối với trâu, bò; 1.500 đồng/con đối với gia cầm. Thời gian hỗ trợ cho doanh nghiệp trong 02 năm đầu, kể từ khi nhà máy hoạt động có sản phẩm…
Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã cũng đã ban hành một số cơ chế riêng của địa phương để hỗ trợ như: hỗ trợ một phần kinh phí mua vật liệu chủ yếu (đá, cát, xi măng, ống cống,…) làm đường giao thông nông thôn (thị xã Phổ Yên, huyện Định Hóa, Võ Nhai); thành lập Quỹ xây dựng nông thôn mới (huyện Định Hóa, Võ Nhai); hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa xóm (thị xã Phổ Yên, huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình, Võ Nhai,…); hỗ trợ nâng cấp cải tạo nghĩa trang xóm, liên xóm (huyện Võ Nhai); hỗ trợ xây dựng gia đình NTM, xóm NTM kiểu mẫu (Tp. Sông Công, huyện Định Hóa); hỗ trợ lập hồ sơ thiết kế đối với các công trình kết cấu hạ tầng đơn giản như giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa xóm (Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai, Đồng Hỷ,…).
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh vẫn còn một số những hạn chế như sau: chưa có cơ chế đặc thù cho những dự án hạ tầng do nhiều nguồn vốn cùng đầu tư; một số chính sách khi áp dụng trong thực tế chưa phù hợp nhưng chậm được điều chỉnh, bổ sung nên phát huy hiệu quả chưa cao; chưa có chính sách ưu tiên cụ thể, phù hợp đối với xã có điểm xuất phát thấp, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Thiếu quy định, hướng dẫn cụ thể để cộng đồng dân cư tham gia xây dựng, giám sát các dự án đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dự án, tiết kiệm chi phí.
Trong thời gian tới, để phát huy tốt hơn nữa hiệu quả của việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đem lại trong xây dựng NTM, tỉnh Thái Nguyên cần tập trung thực hiện một số những giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, Văn phòng Điều phối nông thôn mới, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức mình phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu để Tỉnh có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở các địa bàn khó khăn; đồng thời tăng cường nghiên cứu xây dựng các các văn bản hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở tháo gỡ kịp thời khó khăn. Bên cạnh đó đẩy mạnh chương trình các xã đã về đích NTM hỗ trợ các xã còn lại, tiếp thêm nguồn lực giúp địa phương khó khăn về đích.
Thứ hai, phân loại các xã theo hướng xác định rõ đặc điểm để có cơ chế đặc thù hỗ trợ bởi vì những xã này có chung xuất phát điểm thấp nhưng lại có đặc điểm riêng khác nhau. Do tính chất đa dạng, phức tạp, chênh lệch về trình độ phát triển nên không thể áp dụng một cách rập khuôn các cơ chế, chính sách đặc thù mà phải xây dựng ban hành từng nội dung hỗ trợ và ưu đãi cụ thể cho phù hợp.
Thứ ba, cần có chính sách hỗ trợ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm nông thôn mới các cấp (nhất là cấp xã), trong đó cần tính đến phương án bố trí cán bộ chuyên trách (Ví dụ: Một phó chủ tịch phụ trách về nông thôn mới) để có điều kiện pháp lý trong định hướng chỉ đạo và điều hành nông thôn mới trong thời gian tới.
Thứ tư, bên cạnh hỗ trợ của Tỉnh, các địa phương cũng cần chủ động hơn trong việc đẩy mạnh xã hội hóa, để huy động được nhiều nguồn lực; đồng thời cần tính toán tránh dàn trải, tránh đầu tư bình quân tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm khuyến khích đầu tư theo chế độ ưu tiên tiến độ đăng kí thực hiện các tiêu chí nhằm mang lại hiệu quả cao nhất (Ví dụ: Đối với một số công trình như trường học, nhà văn hóa, điện chiếu sáng…thuộc cấp xã quản lí nên miễn hoặc giảm phần đối ứng trong xây dựng vì trong cùng một thời gian không thể huy động sức dân cho nhiều công trình). Đồng thời tổ chức giám sát, kiểm tra chặt chẽ ngay từ cấp cơ sở tạo điều kiện để nhân dân thực hiện và phát huy tinh thần làm chủ theo đúng với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” đảm bảo sử dụng nguồn lực và ưu đãi từ những cơ chế, chính sách đặc thù đem lại đúng mục đích và hiệu quả thiết thực, đem lại niềm tin cho người dân.
Thứ năm, cấp Tỉnh tăng cường tiến hành thanh tra, kiểm tra đôn đốc, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá tác động, hiệu quả, việc thực hiện từng cơ chế, chính sách đặc thù qua đó rút kinh nghiệm, kịp thời đề xuất phương án để triển khai tốt hơn./.
Th.S Hồ Sĩ Bách
Khoa Nhà nước và pháp luật
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn