Xây dựng đạo đức liêm chính trong phòng, chống tham nhũng

Thứ hai - 23/03/2020 03:33
Xây dựng đạo đức liêm chính là một trong những biện pháp phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã xác định: “Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử nhằm đảm bảo sự liêm chính của đảng viên, cán bộ, công chức là một trong những giải pháp đẩy mạnh phòng chống tham  nhũng, lãng phí”.
 “Liêm chính” không phải là thuật ngữ mới. Theo Từ điển Tiếng Việt: Liêm là không tham lam, trong sạch; chính là ngay thẳng, đúng đắn, trái với tà. Liêm chính là trong sạch và ngay thẳng  (Nguyễn Như Ý, Đại từ điển Tiếng, NXB Văn hóa thông tin, 1998 Hà Nội).
 Nhìn nhận dưới góc độ phòng, chống tham nhũng, tổ chức Minh bạch Quốc tế cho rằng: Liêm chính là những ứng xử và hành động theo các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức hoặc đạo lý được cá nhân cũng như tổ chức chấp nhận nhằm ngăn chặn tham nhũng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng đạo đức người cách mạng. Trong tác phẩm "Cần, kiệm, liêm, chính", Người đã coi “liêm”, “chính” là hai trong bốn đức của mỗi con người, mỗi cá nhân, đặc biệt là với cán bộ, “liêm" được hiểu là trong sạch, không tham lam, "chính" được hiểu là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn.   

Từ những cách lý giải trên, có thể hiểu đạo đức liêm chính là những nguyên tắc, chuẩn mực điều chỉnh hành vi và mối quan hệ của con người với nhau và với xã hội. Trong hoạt động công vụ đạo đức liêm chính là những chuẩn mực mà cán bộ, công chức phải tuân theo trong thi hành công vụ. Đạo đức liêm chính luôn hàm chứa yếu tố: Trung thực, kỷ luật, trách nhiệm, không vụ lợi và được biểu hiện cụ thể qua các yêu cầu:
Một là, thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả công việc; không thoái thác trách nhiệm của bản thân; không đổ lỗi cho người khác.
Hai là, không vụ lợi cá nhân và tránh xung đột lợi ích. Liêm chính đòi hỏi cán bộ, công chức phải luôn đặt lợi ích của cơ quan, của nhà nước lên trên lợi ích cá nhân. Không lợi dụng quyền hạn để làm những việc trái pháp luật nhằm mục đích vụ lợi, đặc biệt là, cán bộ, công chức công tác trong các lĩnh vực dễ dẫn đến xung đột lợi ích.
Ba là, có ý thức trách nhiệm bảo vệ, tiết kiệm tài sản công. Yêu cầu này đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức phải có ý thức bảo vệ các tài sản công tránh thất thoát, lãng phí và sử dụng tài sản công được giao một cách tiết kiệm, đúng mục đích, hiệu quả.
Bốn là,  phục vụ nhân dân với thái độ đúng mực và công bằng. Đó là gần gũi với người dân, khi giao tiếp với công dân phải có thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn, tôn trọng, lắng nghe, ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng; không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ.
Năm là, ngay thẳng và trung thực, có tinh thần hợp tác, tương trợ lẫn nhau khi thi hành nhiệm vụ. Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, giữ gìn dân chủ và đoàn kết nội bộ.
Để xây dựng và thực hiện đạo đức liêm chính, cần chú trọng một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chung của cán bộ, công chức, viên chức về đạo đức liêm chính trong hoạt động công vụ. Qua đó, giúp cán bộ, công chức, viên chức hiểu rõ về ý nghĩa, những giá trị và chuẩn mực liêm chính phải tuân thủ và ý thức trách nhiệm của mỗi người về xây dựng và thực hiện liêm chính. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-
TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về  đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại cơ sở giáo dục đào tạo; triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 – 2021 với các nội dung tuyên truyền về liêm chính: Ý nghĩa, tầm quan trọng của phòng, chống tham nhũng và xây dựng đạo đức liêm chính; Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức liêm chính và phòng, chống tham nhũng; kinh nghiệm, gương tiêu biểu về đạo đức liêm chính.
Thứ hai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về đạo đức liêm chính. Các cơ quan, đơn vị cần cụ thể hóa bằng quy chế, nội quy, bằng quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ. Chẳng hạn như các quy định nhằm phòng ngừa trước các tình huống xung đột lợi ích có thể xảy ra trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức;  các quy định, quy chế, định mức liên quan đến quản lý, sử dụng… tài sản công một cách chặt chẽ, các quy định về kỷ luật phát ngôn, về ứng xử cụ thể trong mối quan hệ công tác, trong tiếp xúc với nhân dân…
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử phạt hành vi vi phạm đạo đức công vụ.  Đánh giá khách quan và chính xác năng lực, phẩm chất của mỗi cán bộ, công chức, viên chức để sử dụng đúng và phát huy năng lực cá nhân mỗi người.
Thứ tư, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai việc thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2015 của Bộ Chính trị gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4- Khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến" và “tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Thứ năm, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu trong thực thi công vụ cũng như trong cuộc sống.
Như vậy, xây dựng đạo đức liêm chính trong cán bộ, công chức, viên chức chính là một trong các giải pháp phòng chống tham nhũng hướng đến mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh;  xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính được xác định trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng đạo đức liêm chính không chỉ là bổn phận của mỗi cán bộ, công chức, viên chức mà còn là trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Nguyễn Thị Hồng Mây
Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập82
  • Hôm nay23,168
  • Tháng hiện tại548,843
  • Tổng lượt truy cập21,031,236
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây