Nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi, coi thi các lớp Trung cấp lý luạn chính trị - hành chính của Trường Chinh trị tỉnh Thái Nguyên

Chủ nhật - 29/03/2020 23:09
Trong những năm vừa qua, công tác tổ chức thi, coi thi cơ bản thực hiện theo Quy chế của Học viện và luôn được Ban Giám hiệu quan tâm, chú trọng bởi đây là những khâu quan trọng góp phần phản ánh được chất lượng bài thi cũng như ý thức học tập của học viên. Đặc biệt, ngày 02/5/2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 2252-QĐ/HVCTQG trong đó tại Điều 21 của Quy chế đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính đã quy định cụ thể, chi tiết các nội dung tổ chức thi gồm thi hết phần học, môn học và thi tốt nghiệp dành cho các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính.
 Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt tại Quyết định số 2227-QĐ/TU ngày 29/11/2018, Nhà trường tiến hành mở 62 lớp với số lượng học viên là 2.359 học viên. Tính đến hết năm 2019, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo và phối hợp tổ chức 22 kỳ thi tốt nghiệp và 139 kỳ thi hết môn cho 37 lớp Trung cấp lý luận chính trị - Hành chính. Ngay từ đầu năm, Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học (QLĐT&NCKH) đã tham mưu, giúp việc cho Ban Giám hiệu trong tổ chức các kỳ thi, phân công cán bộ coi thi, công tác coi thi cơ bản được đảm bảo chặt chẽ, đúng các trình tự, thủ tục theo quy chế, đảm bảo công bằng, khách quan, trung thực nhằm đánh giá sát nhất chất lượng dạy và học của giảng viên và học viên.
Về công tác tổ chức thi, căn cứ vào thời gian kết thúc phần học và tình hình lịch học của các lớp, phòng QLĐT&NCKH chủ động phối hợp với các khoa chủ trì giảng dạy lên lịch tổ chức thi cho học viên. Quá trình tổ chức thi hết phần học được duy trì theo quy định. Hiện nay, các lớp Trung cấp LLCT-HC đang áp dụng hình thức thi tự luận cho nên đa số các phần thi thường được tổ chức sau khi hết phần học khoảng 15 ngày, tạo điều kiện cho các học viên có thời gian ôn tập, củng cố kiến thức. Trước kỳ thi, Phòng lập danh sách thí sinh dự thi dựa trên kết quả họp xét duyệt điều kiện thi của BGH, lãnh đạo phòng, khoa chuyên môn và chủ nhiệm lớp. Đối với các học viên không đủ điều kiện dự thi đều được chủ nhiệm lớp thông báo lại lý do, hướng dẫn thủ tục xin học bù, được tạo điều kiện để học bù và thi bù vào lớp thích hợp.
DSC00026
Đồng chí Nguyễn Thu Huyền, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng phát biểu khai giảng lơp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính khoá 15
Về công tác coi thi: Với 10 phần thi hết phần học, Ban Giám hiệu phân công Ban coi thi theo đúng quy chế gồm Trưởng ban và cán bộ coi thi gồm 02 người trong đó có 01 người là cán bộ của Phòng QLĐT&NCKH, 01 người thuộc giảng viên khoa chuyên môn. Với 03 khối kiến thức tốt nghiệp, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng lớp, mỗi khối kiến thức thi Ban Giám hiệu thường chỉ đạo bố trí gồm có Hội đồng thi tốt nghiệp và Ban coi thi có tối thiểu 03 cán bộ coi thi (02 giám thị coi thi và 01 giám thị biên) cho 01 phòng thi.
Các cán bộ, giảng viên khi được Hiệu trưởng Nhà trường quyết định phân công làm nhiệm vụ coi thi cơ bản đều nắm quy chế coi thi, các bước trong quy trình coi thi: Từ khâu phổ biến quy chế thi đến việc đánh số báo danh, gọi thí sinh vào phòng thi, nhắc nhở, quán triệt về quyền và nghĩa vụ của học viên trong phòng thi; đồng thời thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, nhắc nhở học viên thực hiện đúng quy chế thi.
Tuy nhiên, công tác tổ chức thi, coi thi thời gian qua vẫn còn một số tồn tại đó là:
Thứ nhất, theo quy chế của Học viện, Ban coi thi hết môn bắt buộc phải có 01 người của Phòng QLĐT&NCKH trong khi số cán bộ coi thi của phòng hiện nay là 04 người. Với số lượng kỳ thi của các lớp diễn ra thường xuyên, liên tục nên phải thực sự linh hoạt trong việc phân công cán bộ coi thi, các cán bộ phòng cũng gặp không ít khó khăn trong việc sắp xếp thời gian để vừa thực hiện công tác coi thi vừa thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác của phòng.
Thứ hai, cán bộ coi thi đa phần là các giảng viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, trong quá trình coi thi đôi khi còn nể nang trong việc kiểm tra, kiểm soát tài liệu.
Thứ ba, vẫn còn tình trạng học viên chưa thật sự nghiêm túc trong quá trình làm bài thi, kiểm tra; còn lén lút sử dụng tài liệu hoặc quay cóp bài của nhau.
Thứ tư, mặc dù đã được Ban coi thi phổ biến về nội quy, quy chế thi xong vẫn còn tình trạng nhiều học viên đến dự thi muộn so với thời gian quy định, quên đem thẻ học viên.
Để công tác tổ chức thi, coi thi trong thời gian tới hiệu quả hơn, theo suy nghĩ của người viết:
Một là, Đảng uỷ, BGH Nhà trường tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đồng thời thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tổ chức coi thi. Tăng cường hơn nữa tổ chức hội thảo, rút kinh nghiệm, đánh giá các ưu điểm, hạn chế trong công tác coi thi, tổ chức thi.
Hai là, tiếp tục quán triệt sâu sắc bộ Quy chế dành cho các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành đến giảng viên và học viên.
Ba là, tăng cường hơn nữa sự phối hợp nhịp nhàng giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của BGH, phòng QLĐT&NCKH với các khoa, phòng chuyên môn trong việc phân công giảng viên, cán bộ coi thi nhằm đảm bảo tính hợp lý, hiệu quả.
Bốn là, tích cực phân công các cán bộ trẻ đi coi thi với các cán bộ giàu kinh nghiệm để tích luỹ kinh nghiệm, hoàn thiện dần kỹ năng, nghiệp vụ coi thi, xử lý tình huống trong quá trình thi.
Năm là, đẩy mạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp học viên vi phạm quy chế thi để làm gương; lập biên bản với mọi kỳ thi dù có trường hợp vi phạm hay không.
Sáu là, tiếp tục tăng cường việc phối hợp, kết hợp với Tổ thanh tra giáo dục trong việc kiểm tra, giám sát quá trình coi thi của giảng viên, quá trình làm bài thi của học viên, từ đó nâng cao ý thức học tập và chất lượng làm bài thi của học viên.
Năm 2020, với 60 lớp được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phê duyệt trong đó gồm 35 lớp Trung cấp lý luận chính trị - Hành chính cả lớp chuyển sang và mở mới, thì khối lượng các phần thi là không hề nhỏ, đòi hỏi các cán bộ, giảng viên được phân công làm công tác tổ chức thi, coi thi nâng cao tinh thần, trách nhiệm, nghiêm túc hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ nhằm đánh giá được thực chất kết quả học tập của học viên để từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của Nhà trường.
Lục Thị Minh Phương
Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập74
  • Hôm nay23,151
  • Tháng hiện tại548,826
  • Tổng lượt truy cập21,031,219
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây