Phát triển đội ngũ nữ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ nhật - 22/03/2020 23:43
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Người từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Người đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong xã hội, cho rằng việc giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình đẳng là một mục tiêu lớn của cách mạng. Trong đó, Người đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ và đấu tranh bảo vệ quyền bình đẳng cho họ. Tư tưởng của Người về phụ nữ được xuất phát từ tình cảm đặc biệt đối với những người phụ nữ nói chung và từ thực trạng bất bình đẳng của phụ nữ dưới chế độ phong kiến, sự cai trị thâm độc của thực dân Pháp đối với nước ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Người thấy rõ vai trò của phụ nữ thế giới nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng. Người khẳng định: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”. Với cách nhìn toàn diện, Bác Hồ nhấn mạnh rằng phụ nữ chiếm một nửa nhân loại, “nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội”. Người còn chỉ rõ: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng”. Vì vậy, theo Người, “nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng”, “nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.
Quyền bình đẳng thực sự của người phụ nữ theo Bác là “người phụ nữ Việt Nam đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân”. Vấn đề bình đẳng nam nữ được Bác đề cập trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Bác Hồ phê phán mạnh mẽ vấn đề bạo hành trong gia đình, nhất là hiện tượng chồng đánh vợ. Bác viết: “Khinh rẻ phụ nữ, và dã man nhất là thói đánh vợ… Những thói dã man đánh vợ và ép con cần phải chấm dứt. Lợi quyền của phụ nữ cần được thực sự bảo đảm”.
Từ sự bất bình đẳng nam nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu lên các con đường có thể giải phóng phụ nữ và gợi ý từng đối tượng cụ thể. Đối với cán bộ lãnh đạo, Bác phê phán những tư tưởng mang nặng định kiến giới, coi thường phụ nữ. Bác khuyên “Phải thông cảm sâu sắc với quần chúng, và ra sức giúp đỡ chị em giải quyết những thắc mắc khó khăn”. Các đoàn thể phải có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục pháp luật để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Người phụ nữ phải tự đấu tranh vì quyền lợi của mình, không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Bác khuyên chị em phụ nữ cố gắng học tập văn hóa, chính trị, nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ.
Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, nữ cán bộ, giảng viên trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên luôn là một bộ phận quan trọng trong đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường. Bằng sức lao động sáng tạo của mình, phụ nữ trường Chính trị đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của Nhà trường.
Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên có tổng số cán bộ, giảng viên là 44 người, trong đó nữ cán bộ, giảng viên là 26 người chiếm 59%. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, sự hỗ trợ, chia sẻ giúp đỡ từ đồng nghiệp, đội ngũ cán bộ giảng viên nữ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong hoạt động giảng dạy phụ nữ Trường Chính trị luôn là nòng cốt. Các tiết dạy của giảng viên nữ đều được học viên đánh giá cao. Họ luôn thể hiện sự tỉ mỉ, chịu khó, chu đáo trong việc soạn giáo án, nghiên cứu tài liệu, trau chuốt bài giảng, áp dụng những hình thức mới trong giảng dạy, ra đề thi, kiểm tra… Hàng năm, trong hoạt động thi giảng viên giỏi, nữ giáo viên Nhà trường luôn tích cực tham gia và luôn đạt kết quả cao.
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, nữ cán bộ, giảng viên Nhà trường luôn chủ động, tích cực tham gia, làm chủ các đề tài khoa học cấp khoa, cấp trường. Trong các hội thảo khoa học, các số nội san của nhà trường số lượng bài viết của chị em cũng luôn chiếm đa số. Ngoài ra, một số giảng viên còn tích cực tham gia viết bài cho các hội thảo khoa học và các báo địa phương, trung ương.
Trong hoạt động quản lý, phụ nữ Nhà trường luôn thể hiện sự sáng tạo, mềm dẻo, linh hoạt trong xử lý các tình huống, thể hiện qua sự quản lý học viên khá chặt chẽ, nghiêm túc, quản lý, cung cấp tài liệu kịp thời, hiệu quả; quản lý phương tiện phục vụ công tác, giảng dạy chu đáo, tiết kiệm.
Đội ngũ nữ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên
Cùng với các hoạt động trên, nữ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên còn phát huy mạnh mẽ vai trò hậu cần bảo đảm cho việc dạy tốt, học tốt của Nhà Trường, phối hợp nhịp nhàng trong việc đón tiếp giảng viên, phục vụ chu đáo nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của mọi đối tượng học viên và khách khi đến thăm trường.
Trong các phong trào hoạt động của Nhà trường, nữ cán bộ giảng viên luôn là lực lượng tích cực tham gia các hoạt động phong trào do cấp trên phát động như tham gia tất cả các giải thể thao do Đảng ủy, Công đoàn cấp trên tổ chức và đều đạt giải, tham gia các cuộc thi nấu ăn, căm hoa nghệ thuật do Nữ công và Công đoàn Nhà trường tổ chức vào các ngày kỷ niệm 8/3, 20/10 và 20/11.
Với vai trò là người vợ, người mẹ, họ thực sự là những người giữ lửa cho mái ấm gia đình, là điểm tựa cho chồng, con vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Hàng năm, các gia đình nữ cán bộ, giáo viên nhà trường đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa các cấp. Các cháu là con, em của họ đều là những bé khỏe, bé ngoan, chăm chỉ học tập, rèn luyện. Hàng năm tỷ lệ các cháu đạt danh hiệu bé khỏe, bé ngoan, học sinh tiên tiến, học sinh giỏi các cấp, thi đậu vào các trường đại học ngày càng nhiều; có cháu là học sinh giỏi thành phố, tỉnh và là thủ khoa khi thi vào các trường điểm…
Tuy nhiên, bên canh đó, nữ cán bộ giảng viên Nhà trường vẫn còn có hạn chế cần khắc phục; có người vẫn còn tư tưởng an phận, ngại va chạm…ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác.
Để phát huy những thành tích đã đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại đang có:
- Bản thân mỗi nữ cán bộ, giảng viên cần tích cực thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy và nỗ lực hơn nữa; cần chủ động tiếp cận thực tế, đọc và học hỏi nhiều kiến thức thực tế hơn bên cạnh những kiến thức sách vở, trong giáo trình.
- Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cần tạo điều kiện để nữ cán bộ giảng viên tiếp tục được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn; tổ chức các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy lẫn nhau; chăm lo đời sống cho nữ cán bộ, giảng viên để họ yên tâm công tác, nghiên cứu và cống hiến.
- Cán bộ, giảng viên nữ trong Nhà trường cần phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, xây dựng một môi trường làm việc tốt nhằm phát huy một cách toàn diện năng lực của chính mình trong thực hiện nhiệm vụ chung.
- Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, có suy nghĩ độc lập, sáng tạo, học hỏi trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
- Xây dựng kế hoạch công tác, chương trình làm việc khoa học để vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ.
Có thể nói rằng, phụ nữ Trường chính trị tỉnh Thái Nguyên đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của Nhà trường nói riêng và xã hội nói chung. Đội ngũ nữ cán bộ, giảng viên Nhà trường xứng đáng là những nữ cán bộ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
 Vũ Thị Nhàn
Khoa Lý luận cơ sơ
Tài liệu tham khảo:
(1) Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ, NXB Phụ nữ, H.1970, tr.31
(2) Hồ Chí Minh về đạo đức, H.Nxb CTQG, 1993, tr.217
 (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2002, tr.504
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay23,467
  • Tháng hiện tại549,142
  • Tổng lượt truy cập21,031,535
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây