Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Thứ hai - 30/03/2020 03:22
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương sâu sắc đối với thế hệ trẻ, Người luôn đặt niềm tin vào thanh niên và mong muốn thế hệ trẻ là người kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và những truyền thống quý báu của dân tộc. Nhờ có học thuyết Mác-Lênin soi đường và những kinh nghiệm hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ý thức được sâu sắc về vị trí, vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng. Người hiểu rằng muốn thức tỉnh dân tộc trước hết phải thức tỉnh thanh niên; muốn cứu nước phải dựa vào sức mạnh của nhân dân, đặc biệt là thanh niên.
Trong thư Gửi thanh niên An Nam (năm 1925), Người tha thiết nhấn mạnh: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”[1].
Xuất phát từ sự tin tưởng đối với thanh niên, Người đã lựa chọn và đưa những thanh niên ưu tú vào tổ chức cách mạng. Tháng 6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của thanh niên, coi thanh niên là lực lượng rường cột của đất nước, tương lai của dân tộc. Người chỉ rõ: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”[2]. Vì vậy, Người ân cần khuyên nhủ thanh niên: “Muốn làm chủ nhân tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc chuẩn bị cái tương lai đó”. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác đã viết trong Thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường (tháng 9/1945): “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Người nhắc nhở thanh niên phải ghi nhớ lời di huấn của Lênin: “Không học thì không thể trở thành người cộng sản”, “người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng trí thức mà nhân loại đã tạo ra”[3].
  Hồ Chí Minh luôn coi thanh niên là những người có hoài bão, ước mơ, giàu nghị lực, khát khao với lý tưởng cao đẹp, đó là lứa tuổi nhạy cảm với cái mới, cái tiến bộ. Người coi tuổi trẻ là độ tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến (tháng 1/1946), Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Do vậy, thanh niên tiêu biểu cho sức sống, sự phát triển của một dân tộc, nếu được chăm sóc, giáo dục, rèn luyện thường xuyên thì thanh niên sẽ là một lực lượng to lớn, là đội quân xung kích trên mọi mặt trận của cách mạng. Người khẳng định: “Khắp thành thị, nông thôn, miền xuôi, miền núi, thanh niên ta ngày nay đã thành đội quân to lớn, hăng hái tiến lên, quyết tâm phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc thân yêu, vì tiến bộ xã hội”[4]. Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thời đại này là thời đại vẻ vang của thanh niên. Mà thanh niên phải là những đội xung phong trên các mặt trận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Thanh niên đã thực hiện những điều mơ ước của loài người từ bao thế kỷ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1/1967). Ảnh tư liệu.
Trên cơ sở nhận thức về vị trí, vai trò của thanh niên trong tiến trình cách mạng của dân tộc, Hồ Chí Minh xác định giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên là công việc gốc của Đảng. Người luôn nhắc nhở các cấp bộ đảng, chính quyền, các đoàn thể phải chú ý chăm lo giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Trong bản Di chúc, trước lúc đi xa Người đã dặn dò: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”[5].
Theo Hồ Chí Minh, để thanh niên xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước, là những cán bộ kế cận của Đảng, phải giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên có phẩm chất đạo đức và năng lực. Khi nói đến giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, vấn đề quan trọng hàng đầu được Người quan tâm là phải làm cho thanh niên nhận thức được rằng, đạo đức cách mạng là trung với nước, hiếu với dân. Trung, hiếu là những khái niệm cũ có trong tư tưởng đạo đức truyền thống Việt Nam và phương Đông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng và đưa vào nội dung mới để giáo dục thanh niên. Trung với nước là trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hiếu với dân là học tập, làm việc, chiến đấu vì nhân dân, phải chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, tích cực giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn trong cuộc sống để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, phải đấu tranh chống lại mọi biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân. Có như vậy mới được dân tin, dân mến, dân kính trọng, tạo ra sức mạnh to lớn cho cách mạng.
Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc giáo dục những phẩm chất cao quý như cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; những tác phong đẹp đẽ như: khiêm tốn, giản dị, tinh thần lao động tích cực, siêng năng, gan dạ, táo bạo và sáng tạo. Phát biểu tại buổi lễ khai mạc trường Đại học nhân dân Việt Nam (ngày 19/01/1955), Người dạy: “Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ, chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang”[6], vì đó là những thói xấu kìm hãm chí tiến thủ của thanh niên. Người yêu cầu thanh niên phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn, chống lãng phí xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm túc để giúp nhau cùng tiến bộ.
Đề cao tinh thần cách mạng, thực hành chủ nghĩa tập thể, phải luôn đề phòng rơi vào “chủ nghĩa cá nhân” cũng là một nội dung giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên trong tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi vì như Người phân tích: Chủ nghĩa cá nhân là đồng minh của chủ nghĩa đế quốc, là một thứ vi trùng rất độc. Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm như: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí, tham danh, trục lợi, thích địa vị, quyền hành, coi thường tập thể, tự cao tự đại, độc đoán chuyên quyền….“Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”. Là người cách mạng, thanh niên phải luôn luôn đặt nghĩa vụ lên trên quyền lợi, phải ra sức lao động cống hiến chứ không phải chỉ biết đòi hỏi. Trong mọi công việc, thanh niên phải luôn nêu cao tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”. Trong mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu thanh niên phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà chứ không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Đối với tập thể và gia đình, phải giáo dục cho thanh niên có tình thương và trách nhiệm đối với mọi người. Thực hành chủ nghĩa tập thể giúp cho thanh niên biết kiên quyết đấu tranh loại trừ mọi thói hư tật xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô,.. vì đây là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với chủ nghĩa tập thể, là kẻ hung ác của đạo đức cách mạng.
Đạo đức cách mạng là đạo đức mới của giai cấp vô sản, đòi hỏi mỗi người cách mạng không chỉ biết đấu tranh vì sự phát triển, vì lợi ích của dân tộc mình mà còn phải có “quyết tâm giúp đỡ loài người ngày càng tiến bộ và thoát khỏi áp bức bóc lột, luôn giữ vững tinh thần chí công, vô tư”. Đây chính là tinh thần quốc tế trong sáng.Vì vậy, giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên là giáo dục tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lần nhau giữa nhân dân Việt Nam với tất cả dân tộc tiến bộ trên thế giới vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội.
Kế thừa và quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, trong bất kỳ giai đoạn nào Đảng ta cũng đều quan tâm lãnh đạo thanh niên, xây dựng lớp thanh niên kế tục sự nghiệp cách mạng vừa “hồng” và “chuyên”, có năng lực và phẩm chất, trí tuệ và đạo đức.  Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001) nhấn mạnh: Đối với thế hệ trẻ, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo và phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống, văn hóa, sức khỏe, nghề nghiệp; giải quyết việc làm, phát triển tài năng và sức sáng tạo, phát huy vai trò xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa X (tháng 7/2008), Đảng đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Nghị quyết khẳng định một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo đã xây dựng được một thế hệ thanh niên thời kỳ mới có tri thức, có sức khỏe tốt và tư duy phát triển mới, tiếp nối được truyền thống hào hùng của dân tộc, của Đảng ta, nêu cao ý thức yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích cộng đồng, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Một lần nữa Đảng ta khẳng định việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng, vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”[7].
Ngày 24/3/2015, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030” trong đó nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, công tác giáo duc lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ phải được tiếp tục tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhằm góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức trong sáng, ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng lao động, trở thành những công dân tốt, tích cực tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (2016), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[8]
Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị (khoá XII) đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW “Về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, một trong những nội dung chủ yếu của Chỉ thị nhấn mạnh đến giáo dục thanh niên đó là “Đối với học sinh phổ thông, dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, học tập về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với giáo dục công dân, đạo đức nghề nghiệp. Đối với học sinh đại học, cao đẳng, có các bài giảng, chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối với học sinh đại học chuyên ngành lý luận chính trị, học viên trường chính trị, đoàn thể và lực lượng vũ trang cần xây dựng hệ thống các bài giảng, chuyên đề học tập tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo. Từ di sản tư tưởng có ý nghĩa to lớn đó, Đảng ta đã dìu dắt, tổ chức thanh niên trở thành một lực lượng cách mạng quan trọng, phát huy mọi tiềm năng của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, khích lệ ý chí, tinh thần, nghị lực vươn lên chiếm lĩnh những tầm cao mới của các thế hệ thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay./.
Trần Thị Thuý
Khoa Lý luận cơ sở
Tài liệu tham khảo:
  1. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Moscow, 1978, tập 4.
  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995, tập 7.
  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 2011, tập 15.
  4. Hồ Chí Minh, Về vai trò và nhiệm vụ của thanh niên, NXB Sự thật, Hà Nội, 1978.
  5. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia, HN, 2016.
  6. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, NXB Chính trị quốc gia, HN, 2008.
  7. PGS.TS Trần Minh Trưởng, Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cho thanh niên, Trang Thông tin điện tử Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
 
[1] Hồ Chí Minh, Về vai trò và nhiệm vụ của thanh niên, NXB Sự thật, Hà Nội, 1978,tr.16
[2]  Hồ Chí Minh, Về vai trò và nhiệm vụ của thanh niên, Sđd,tr.27
[3] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Moscow, 1978, t4, tr.362
[4]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 11, tr.504.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.612.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.455
[7] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, NXB Chính trị quốc gia, HN, 2008, tr.41
[8] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia, HN. 2016, tr.162-163

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập75
  • Hôm nay23,140
  • Tháng hiện tại548,815
  • Tổng lượt truy cập21,031,208
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây