Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên với việc tham khảo thông tin trong quá trình giảng dạy

Chủ nhật - 08/03/2020 21:53
Giảng viên Trường Chính trị thực hiện giảng dạy lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cơ sở và bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ ban ngành đoàn thể trong tỉnh. Do đó, việc tham khảo các nội dung thông tin để góp phần làm phong phú, sinh động cho bài giảng là một việc làm quan trọng, không thể thiếu.
Trong điều kiện công nghệ truyền thông số phát triển, mạng xã hội và các dạng thức truyền thông trên internet ngày càng đa dạng. Các thông tin, dữ liệu được cập nhật liên tục hàng giờ, hàng ngày góp phần làm phong phú thêm nội dung tri thức cho người sử dụng. Việc cập nhật thông tin trong giảng dạy tại trường chính trị hiện nay được các giảng viên đặc biệt quan tâm, chú trọng. Các nguồn thông tin để cập nhật rất đa dạng và phong phú. Cập nhật thông tin không chỉ dừng lại ở việc truy cập  trên mạng internet, qua sách, báo, đài truyền hình mà hiện nay, nguồn thông tin còn được cập nhật thông qua các buổi đi thực tế tại các địa phương, qua các buổi nghe thông tin thời sự, qua các buổi thảo luận trên lớp... Qua đó, giảng viên và học viên lĩnh hội được rất nhiều thông tin mới mẻ, bổ ích, phục vụ thiết thực trong công việc giảng dạy của giảng viên và việc học tập học viên.
sh

Với việc cập nhật đa dạng các nguồn thông tin như trên đã tác động tích cực đến quá trình giảng dạy lý luận, tạo nhiều yếu tố thuận lợi trong quá trình giảng dạy lý luận của người giảng viên cũng như quá trình tiếp thu kiến thức của người học. Cập nhật thông tin đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi kiến thức, phương pháp, kinh nghiệm với các đồng nghiệp và học viên. Khi nguồn thông tin đa dạng là điều kiện thuận lợi để giảng viên có cái nhìn đa chiều, sâu sắc, sống động hơn khi nghiên cứu, giảng dạy lý luận nhằm hạn chế sự phiến diện, một chiều, đồng thời giúp việc truyền tải kiến thức đến học viên được dễ dàng hơn. Sự đa dạng trong thông tin đã giúp cho giảng viên khắc phục được những khó khăn trong giảng dạy lý luận chính trị, tránh tình trạng thiếu thực tiễn, sự khô khan và kém hấp dẫn đối với người học. Bởi thực tế cho thấy, sự đa dạng phong phú của thông tin khi được đưa vào bài giảng, làm cho bài giảng trở nên sâu sắc, sinh động hơn, thu hút được sự chú ý của học viên.
Bên cạnh những thuận lợi, trong công tác giảng dạy lý luận tại trường chính trị việc cập nhật thông tin cũng gặp phải những khó khăn nhất định:
Cập nhật thông tin, đặc biệt là các thông tin trên mạng internet tạo ra tâm lý chủ quan, trông chờ, ỷ lại từ phía giảng viên và học viên, nội dung từ mạng thì cũng cần hết sức tỉnh táo cảnh giác bởi thông tin trên mạng xã hội tốt - xấu lẫn lộn. Đặc biệt, trong quá trình học lý luận học viên thường có tâm lý xem thường lý thuyết, lười ghi chép, không chú ý nghe giảng bởi có quá nhiều thông tin trên mạng internet, học viên có thể tìm kiếm bất cứ thông tin gì họ cần.
Với nguồn thông tin đa dạng tạo ra không ít khó khăn trong quá trình lựa chọn, phân tích để làm sao thông tin sử dụng được chính xác, khoa học, sát chủ đề bài giảng. Điều này, đòi hỏi ở giảng viên và học viên cần phải có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu sâu nhằm truyền tải những thông tin hữu ích nhất đến học viên.
Để việc cập nhật thông tin thực sự trở thành yếu tố nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở các trường chính trị cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, những thông tin đưa vào bài giảng cần mang tính điển hình, sát thực, gắn kết chặt chẽ với kiến thức lý luận. Phải có sự lựa chọn kỹ lưỡng, phù hợp với bài giảng, đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, bám sát mục đích yêu cầu bài giảng. Các thông tin phải mang tính thời sự, được nhiều người quan tâm, đồng thời phải trích dẫn rõ ràng về nguồn gốc, địa chỉ, không đưa tràn lan...
Thứ hai, phải phân tích kỹ lưỡng thông tin để người học nhận thấy thông tin đó phù hợp hay không phù hợp với lý luận nêu ra trong bài giảng để từ đó người học nhận thức đúng cơ sở lý luận và thực tiễn, từ đó rút kinh nghiệm, vận dụng vào hoạt động công tác.
Thứ ba, Giảng viên cần đầu tư thời gian, nghiên cứu kỹ các nội dung của văn kiện Đại hội Đảng các cấp để đưa vào bài giảng cho phù hợp. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng chính là nguồn thông tin đa chiều, sinh động của cuộc sống mà người giảng viên cần khai thác.
Thứ tư, bản thân mỗi giảng viên phải thường xuyên tự học tập, trau dồi kiến thức, đặc biệt nâng cao kỹ năng khai thác và xử lý thông tin trên mạng internet.
Thứ năm, khi khai thác và sử dụng thông tin trên mạng internet vào nghiên cứu, giảng dạy, học tập cần có sự chọn lọc; nâng cao ý thức cảnh giác đối với những âm mưu diễn biến hòa bình và bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, tránh bị lợi dụng, kích động.
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, để công tác giảng dạy lý luận đạt chất lượng, mỗi giảng viên cần cập nhật thông tin một cách hữu hiệu nhất. Nắm chắc nội dung lý luận của vấn đề cần trình bày làm cơ sở lựa chọn những kiến thức thực tiễn cho phù hợp là điểm quan trọng làm cho bài giảng lý luận gắn với thực tiễn.
Bùi Thanh Thảo
Khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập72
  • Hôm nay23,134
  • Tháng hiện tại548,809
  • Tổng lượt truy cập21,031,202
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây