Việc xây dựng và thực hiện nội dung bồi dưỡng đối với các chức danh lãnh đạo cấp xã của Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên

Thứ năm - 18/05/2023 04:54
Thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được giao, những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã rất chú trọng mở các lớp bồi dưỡng chức danh, trong đó, đặc biệt quan tâm đến bồi dưỡng chức danh lãnh đạo của chính quyền cơ sở. Hằng năm, Nhà trường đều mở lớp Bồi dưỡng Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch UBND dành cho các đồng chí đang giữ chức vụ tương ứng tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Nội dung bồi dưỡng tại các lớp được xây dựng theo từng năm, phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ của địa phương. Có thể nói, đây là các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức nên hầu như không có sự trùng lặp trong nội dung bồi dưỡng qua các năm. Khi thiết kế nội dung bồi dưỡng, Nhà trường đã định hướng chú trọng phát triển năng lực cho cán bộ lãnh đạo cấp xã nên tập trung vào ba vấn đề: Một là, nâng cao kiến thức; Hai là, rèn luyện kỹ năng; Ba là, bồi dưỡng về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, tác  phong, lề lối làm việc gắn với vị trí việc làm của cán bộ lãnh đạo cơ sở. Cụ thể như sau:
Đối với nội dung bồi dưỡng, nâng cao kiến thức:
Nhà trường tập trung vào các nội dung: Xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ; Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay; Quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; Thông tin tình hình thời sự trong nước, quốc tế; công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; Các nội dung về cải cách hành chính: chương trình tổng thể cải cách hành chính, các nội dung cải cách hành chính cụ thể (tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ, xây dựng chính quyền số...); Các nghị quyết của Đảng bộ Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động; Trách nhiệm của lãnh đạo cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ theo phân công: trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động; trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương; trong công tác văn thư, lưu trữ; công tác thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự; trong thực hiện dân chủ ở cơ sở...
Đối với nội dung bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng
Các nội dung được chú trọng gồm:
Đối với Bí thư, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cấp xã: Kỹ năng xử lý xung đột; xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết, tổng kết thực tiễn của Đảng ở cơ sở; tuyên truyền; nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương; kiểm tra, giám sát; xem xét và thi hành kỷ luật trong Đảng; Nâng cao chất lượng thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật trong Đảng;
Đối với Chủ tịch UBND cấp xã: Kỹ năng giải quyết khiếu nại, tố cáo; huy động nguồn lực trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương; xử lý và phản hồi thông tin trên báo chí; tạo động lực; quản lý thực hiện nhiệm vụ; chủ tọa và điều hành hội họp; quản lý nội bộ; tuyên truyền, vận động; đánh giá năng lực thực thi công vụ của cấp dưới; 
Đối với nội dung bồi dưỡng về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc
Tập trung vào các nội dung: Công tác tư tưởng, công tác tổ chức của chi bộ, đảng bộ cơ sở; Đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”’ và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng; Công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng trong giai đoạn hiện nay; Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ; Giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên trong giai đoạn mới; Trách nhiệm nêu gương lãnh đạo cấp xã; Xây dựng, rèn luyện phong cách lãnh đạo dân chủ; Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Một số vấn đề về trách nhiệm công vụ; Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ...
Ngoài các nội dung kể trên, trong lịch học còn có thêm những buổi thảo luận, trao đổi kinh nghiệm của các đồng chí học viên và giảng viên về một số vấn đề cụ thể trong lãnh đạo, quản lý.
Như vậy, có thể nói rằng, trong thời gian qua, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực cố gắng, không ngừng đổi mới nội dung chương trình bồi dưỡng đối với các chức danh lãnh đạo cấp xã và đạt được nhiều thành công, đó là: Nội dung bồi dưỡng khá phong phú, bám sát tình hình thời sự của đất nước, yêu cầu phát triển địa phương. Nhiều nội dung bồi dưỡng có tính mới (văn bản, quy định mới; tình huống quản lý mới phát sinh cần giải quyết tại địa phương). Mặt khác, vì được thiết kế riêng nên về cơ bản các nội dung phù hợp với vị trí chức danh. Đã chú ý đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của lãnh đạo cấp xã, cụ thể: Chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng, xây dựng thái độ cho người lãnh đạo, quản lý tại địa phương; Nội dung bồi dưỡng về kiến thức bao gồm cả kiến thức lý luận và thực tiễn, đặc biệt chú trọng kiến thức pháp lý; Nội dung bồi dưỡng kỹ năng tập trung vào những kỹ năng phù hợp với vị trí chức danh; Nội dung về xây dựng thái độ đã cơ bản tiếp cận các vấn đề về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong, thái độ trong hoạt động công vụ, từ đó hình thành nhận thức đúng đắn về thái độ thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
          Tuy nhiên, nội dung bồi dưỡng lãnh đạo cấp xã trong thời gian qua tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, đó là:
          Còn tập trung nhiều vào bồi dưỡng kiến thức, chiếm tỉ lệ khá áp đảo so với bồi dưỡng kỹ năng và xây dựng thái độ. Còn có những nội dung bồi dưỡng mang nặng tính lý luận hoặc giới thiệu văn bản, quy định mới, chưa thực sự gắn bó chặt chẽ với vị trí chức danh mà học viên đang đảm nhiệm. Nội dung bồi dưỡng về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong, thái độ còn chưa thực sự phong phú; chiếm tỉ lệ nhỏ hơn các nội dung còn lại.
          Từ những ưu điểm và hạn chế về nội dung bồi dưỡng lãnh đạo chính quyền cấp xã giai đoạn vừa qua, trong thời gian tới Nhà trường cần phải:
          Thứ nhất: Đánh giá lại nội dung bồi dưỡng và thiết kế lại nội dung bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí chức danh lãnh đạo, quản lý; yêu cầu của tình hình thực tế địa phương và yêu cầu của học viên. Việc thiết kế nội dung bồi dưỡng cần được tính toán một cách khoa học, đảm bảo phát triển năng lực toàn diện cho học viên, tránh sa vào kiến thức lý luận. Để làm được điều đó, trước hết, Nhà trường cần tiến hành khảo sát, điều tra và đánh giá một cách khách quan, khoa học. Tỉ lệ kiến thức như thế nào là phù hợp sẽ phụ thuộc vào kết quả tự đánh giá năng lực của các đồng chí lãnh đạo chính quyền cấp xã thông qua kết quả điều tra, khảo sát và đánh giá về năng lực đội ngũ lãnh đạo cấp xã.
Thứ hai, các nội dung bồi dưỡng đối với vị trí chức danh của lãnh đạo cấp xã đều là nội dung khó, đòi hỏi giảng viên ngoài vững về kiến thức lý luận còn phải giàu kiến thức thực tiễn. Vì vậy, trong thời gian tới Nhà trường cần sớm xây dựng Đề án đi thực tế có kỳ hạn của giảng viên trình Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt. Mặc dù, với thời gian 6 tháng đến 01 năm đi thực tế ở cơ sở là không dài song chắc chắn sẽ nâng cao được kiến thức thực tế và nắm bắt tốt hơn những vấn đề thực tế phát sinh ở cơ sở. Ngoài ra, Nhà trường cần tiếp tục quan tâm, đề nghị các cơ quan có liên tạo điều kiện để các giảng viên của Nhà trường thường xuyên tham dự các sự kiện như kỳ họp của HĐND, UBND hay các phiên xét xử của Tòa án các cấp. Thiết lập kênh thông tin, thường xuyên trao đổi thông tin giữa chính quyền cơ sở với Nhà trường. Khi xây dựng lịch đào tạo, bồi dưỡng cần cân nhắc lựa chọn và mời các báo cáo viên, giảng viên thỉnh giảng là những đồng chí có khả năng truyền đạt tốt, giàu cả kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, phù hợp với nội dung mời tham dự đào tạo, bồi dưỡng.
          Thứ ba: Nội dung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, thái độ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho học viên cần có sự chuẩn mực, đáp ứng yêu cầu khoa học. Để làm được điều này, Nhà trường cần triển khai nghiên cứu một cách nghiêm túc để có được sản phẩm là Bộ Tài liệu bồi dưỡng để cung cấp tài liệu học tập cho học viên. Đồng thời, cần có cả kinh phí để phát hành, xây dựng kế hoạch để ứng dụng thực hiện trong các lớp bồi dưỡng của Nhà trường. Mặt khác, đối tượng học viên này thường có  nhiều kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý và thực hiện công vụ. Trong quá trình tổ chức lớp học, xây dựng nội dung và tài liệu bồi dưỡng, cần khai thác được các kinh nghiệm và thông tin của học viên để góp phần xây dựng nội dung, biên soạn tài liệu; đồng thời, khi xây dựng lịch học, cần sắp xếp thời gian phù hợp cho học viên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm với nhau qua diễn đàn lớp học. Ngoài ra, từ trước đến giờ, việc thiết kế nội dung bồi dưỡng khá nặng về nội dung pháp lý, đôi khi quá nặng tư duy phân biệt rạch ròi “bên Đảng” (lớp bồi dưỡng bí thư, phó bí thư thường trực), và bên Chính quyền (lớp bồi dưỡng Chủ tịch UBND, chủ tịch HĐND) nên kết cấu nội dung bồi dưỡng có phần chưa toàn diện. Thực tế, lãnh đạo cấp xã nói chung có thể thay đổi vị trí việc làm từ giữ chức vụ Bí thư sang giữ chức vụ Chủ tịch UBND hoặc Chủ tịch HĐND và ngược lại; cũng nhiều trường hợp đồng thời đảm nhiệm 2 vị trí chức danh nên việc phân biệt như vậy sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu thực tiễn.
Thứ tư: Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng, cán bộ, công chức nói chung rất được quan tâm và chú trọng. Trường Chính trị có trách nhiệm trong việc xây dựng và củng cố những quan niệm, quan điểm, định hướng hành vi, thái độ đúng đắn cho học viên trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý tại địa phương. Như vậy, cần bổ sung thêm nội dung bồi dưỡng có liên quan đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lề lối làm việc, văn hóa công sở, văn hóa thực thi công vụ.
          Thứ năm: Đối với bồi dưỡng kỹ năng, không cần chú trọng số lượng chuyên đề bồi dưỡng mà cần chú trọng rèn luyện và trao đổi trực tiếp tại lớp học; bổ sung thêm những kỹ năng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới: Kỹ năng thu thập và xử lý thông tin trong môi trường số; kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông, kỹ năng ứng phó và quản lý với sự thay đổi… Đồng thời, với mỗi kỹ năng ấy, cần thiết kế cả nội dung lý thuyết và thực hành để học viên có điều kiện trải nghiệm và rèn luyện.
TS. Nguyễn Phúc Ái

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập92
  • Hôm nay25,340
  • Tháng hiện tại536,470
  • Tổng lượt truy cập21,018,863
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây